Những ngày theo cán bộ, chiến sĩ trên thao trường, bãi tập, chúng tôi thêm khâm phục, tin yêu những chiến sĩ đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Khổ luyện thành tài
Với các quân chủng, binh chủng khác của quân đội, vũ khí trang bị hiện đại sẽ tạo ra thế và lực trong tác chiến. Nhưng với nghệ thuật tác chiến đặc công “lấy ít thắng nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”, để tạo ra thế và lực, phát huy nét nghệ thuật độc đáo này thì trình độ kỹ thuật của bộ đội giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Để giúp hình dung vai trò của kỹ thuật đặc công ứng dụng trong tác chiến, Trung tá Nguyễn Đức Nhương, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Đặc công bộ 113 (Binh chủng Đặc công) mời chúng tôi tham quan thực tế buổi kiểm tra kỹ thuật tổng hợp của đơn vị.
Bãi kiểm tra kỹ thuật tổng hợp của Liên đội Đặc công 27 (Lữ đoàn Đặc công bộ 113) dài hàng trăm mét với hàng chục loại vật cản. Cán bộ, chiến sĩ phải vượt qua các loại địa hình lá khô, sỏi mỏng, cây đổ, đến các loại hàng rào như mái nhà, bùng nhùng, cũi lợn và xen kẽ giữa các hàng rào là các bãi mìn đè nổ, vướng nổ, bẫy lựu đạn... trong điều kiện địch canh phòng cẩn mật, thường xuyên tuần tra, kiểm soát vô cùng chặt chẽ.
23 giờ 30 phút, giữa màn đêm sâu thẳm, tĩnh lặng đến độ nghe rõ cả tiếng những giọt sương từ ngọn cây rớt xuống mặt đất, tổ tiềm nhập mục tiêu gồm 3 chiến sĩ: Thân Văn Linh, Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Văn Hoàng, thuộc Tổ 2, Mũi 1, Đội 1 (Liên đội Đặc công 27) cởi trần bôi trát đen sậm với những nét “chân chim”, “chân chó” đã hòa mình vào màn đêm, ẩn vào cỏ cây, mang theo súng tiểu liên AK, súng ngắn, dao găm, lựu đạn, thủ pháo... bắt đầu đột nhập mục tiêu, điêu luyện khắc phục các loại vật cản, áp sát mục tiêu theo kế hoạch, sẵn sàng nổ súng khi có lệnh.
 |
Chiến đấu viên Đội mẫu (Trường Sĩ quan Đặc công, Binh chủng Đặc công) huấn luyện kỹ thuật vượt rào. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Kết quả kiểm tra, các chiến sĩ Tổ 2, Mũi 1, Đội 1, Liên đội Đặc công 27 đạt loại giỏi với thành tích vượt trội, sớm gần chục phút so với thời gian quy định. Theo dõi buổi luyện tập, Thượng tá Nguyễn Quang Hòa, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Đặc công bộ 113 tỏ rõ sự hài lòng. Anh yêu cầu toàn đơn vị phát huy kết quả của Tổ 2, vận dụng thuần thục kiến thức được trang bị để kiểm tra đạt kết quả cao nhất, đồng thời không quên động viên cán bộ, chiến sĩ tích cực luyện thuần thục kỹ thuật tổng hợp đánh chiếm mục tiêu.
Để vượt qua nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ nghiêm ngặt, đánh chiếm, phá hủy mục tiêu, BĐĐC phải trải qua quá trình huấn luyện rất gian khổ, trong nhiều điều kiện, môi trường khắc nghiệt. Với Binh nhất Thân Văn Linh, bước sang năm huấn luyện thứ hai, anh đã thuần thục các kỹ thuật tổng hợp của đặc công bộ. Trong tất cả các buổi huấn luyện, kiểm tra, Linh đều đột nhập mục tiêu thành công, đạt yêu cầu của người chiến sĩ đặc công trong tác chiến, đó là “Mắt thấy, tai nghe, tay sờ” nhờ trình độ kỹ thuật đặc công mình sở hữu...
"Để đạt trình độ thuần thục như vậy, chắc chắn cán bộ, chiến sĩ phải khổ luyện rất nhiều?", tôi hỏi Thiếu tá Đỗ Quốc Đại, Phó chủ nhiệm Chính trị (Lữ đoàn Đặc công bộ 113) và được anh trả lời: “Không chỉ khổ luyện mà đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải vượt lên chính bản thân, quyết tâm đặc biệt lớn mới đạt được trình độ kỹ thuật đặc công thuần thục, điêu luyện. Vì thế, quá trình huấn luyện là quá trình bồi đắp niềm tin, ý chí quyết tâm cho bộ đội. Đồng thời, cán bộ phải thực sự gần gũi, nêu gương, tăng cường chỉ huy trong các hoạt động huấn luyện, công tác để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Về tìm hiểu tại các đơn vị như: Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1, Lữ đoàn Đặc công nước 5, Lữ đoàn Đặc công bộ 198, Lữ đoàn Đặc công bộ 429, các đơn vị đặc công quân khu... chúng tôi càng thêm ngưỡng mộ và khâm phục trình độ kỹ thuật điêu luyện của BĐĐC mà với nhiều người, nếu chưa có dịp đến các đơn vị đặc công thì những điều đó chỉ có thể hình dung trong phim ảnh.
Chia sẻ kinh nghiệm huấn luyện kỹ thuật BĐĐC biệt động nói chung, chống khủng bố nói riêng, Đại úy Dương Minh Thường, Đội trưởng Đội 7 (Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1, Binh chủng Đặc công) cho biết: “Huấn luyện kỹ thuật của đặc công biệt động là nội dung rất khó, đòi hỏi cán bộ, chiến đấu viên không chỉ có sức khỏe, bản lĩnh mà phải kiên trì khổ luyện. Khi mới tiếp cận nội dung, nhiều đồng chí rất lo lắng khi chưa thực hiện được kỹ thuật tụt dây chiến thuật do sợ độ cao, cũng như nhiều nguyên nhân khác. Chúng tôi đã nghiên cứu, triển khai các bài tập bổ trợ như trồng cây chuối, chạy trên cầu thăng bằng... Đến nay, 100% cán bộ, chiến đấu viên của đơn vị đều thuần thục kỹ thuật chuyên ngành, nhiều đồng chí đạt trình độ điêu luyện, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ”.
Phát huy truyền thống, chiến thắng mọi kẻ thù
Cách đây 3 năm, khi là học sinh phổ thông, Thượng sĩ Đàm Đại Tuyền (quê xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng), học viên Lớp D42A (Hệ Đại học, Trường Sĩ quan Đặc công) còn chưa biết bơi, cố gắng cũng chỉ kéo được 5-7 cái xà đơn. Nhưng đến nay, sau hơn hai năm rèn luyện dưới mái trường đào tạo những cán bộ đặc biệt, Tuyền đã bơi được hơn 3km, kéo 30-40 lần xà đơn. Không chỉ thế, anh được huấn luyện võ thuật chiến đấu đặc công, sử dụng bản đồ, la bàn; nắm chắc kỹ thuật ngụy trang; thuần thục kỹ năng vận động, khắc phục các loại hàng rào, vô hiệu hóa các loại mìn đè nổ, vướng nổ và các loại vật cản khác... Những ngày mùa đông vừa rồi, dù thời tiết giá lạnh nhưng Tuyền và các học viên vẫn huấn luyện bơi lặn trong nhiều giờ.
Trò chuyện với anh, chúng tôi thấy người sĩ quan tương lai tràn đầy niềm tự hào về chiến công, thành tích của BĐĐC. Vì thế, với Tuyền và anh em tập thể Lớp D42A, được học tập, rèn luyện trở thành sĩ quan đặc công là vinh dự đặc biệt. Theo đó, anh và đồng đội không ngừng phấn đấu, tiếp nối các thế hệ đi trước, giành kết quả cao nhất.
Tìm hiểu tại các đơn vị, nhà trường thuộc Binh chủng Đặc công, chúng tôi nhận thấy, nhờ được huấn luyện, đào tạo bài bản, nhất là thực hiện tốt phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, lấy thực hành làm chính; vận dụng đúng đắn, sáng tạo các quan điểm, nguyên tắc, các mối kết hợp trong huấn luyện; gắn huấn luyện với rèn luyện, chú trọng huấn luyện thực hành, tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện theo tình huống; kết hợp huấn luyện chiến thuật cá nhân, phân đội, rèn luyện thể lực với diễn tập vòng tổng hợp sát thực tế chiến đấu; tăng cường các hoạt động ngoại khóa nhằm truyền đạt kinh nghiệm chiến đấu của BĐĐC nên chất lượng huấn luyện ngày càng đi vào chiều sâu vững chắc.
Đại tá, TS Nguyễn Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Đặc công, khẳng định: "Kỹ thuật đã tạo nên sức mạnh của BĐĐC. Trong tác chiến, đặc công luôn được sử dụng để thực hiện những nhiệm vụ “đặc biệt”, đánh các mục tiêu quan trọng, hiểm yếu trong chiều sâu phòng ngự của địch. Tuy nhiên, trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù nên ngoài việc đào tạo, trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản, nhà trường không ngừng nghiên cứu, tham mưu với Đảng ủy, Bộ tư lệnh Đặc công nhiều chủ trương, giải pháp trong huấn luyện, đào tạo các đối tượng; phát huy và làm giàu lối đánh sở trường, truyền thống như đánh đêm, đánh gần, luồn sâu, đánh hiểm, đồng thời nghiên cứu, huấn luyện những kỹ thuật mới, bảo đảm BĐĐC chiến thắng mọi kẻ thù, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao".
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Phan Thế Ba, Tư lệnh Binh chủng Đặc công chia sẻ: “Kế thừa và phát huy tinh hoa nghệ thuật tác chiến của BĐĐC, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị đều được huấn luyện, rèn luyện toàn diện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kỹ năng chiến đấu điêu luyện, sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai, khả năng thích nghi với mọi điều kiện địa hình, thời tiết, khả năng sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt; giỏi tác chiến độc lập, nhỏ lẻ, phía sau và sâu trong đội hình địch; thành thạo trong tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng. Điều này đã minh chứng và kiểm nghiệm qua các đợt diễn tập, các cuộc kiểm tra của trên và qua thực tiễn làm nhiệm vụ bảo vệ các sự kiện chính trị của Đảng, dân tộc, quân đội...”.
“Cách đánh đặc công là một trong những cách đánh quan trọng của lực lượng vũ trang ta, của nhân dân Việt Nam, là một trong những cách đánh dũng cảm nhất, sáng tạo nhất, anh dũng nhất của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam... BĐĐC ngày nay đã có vị trí xứng đáng, được Đảng công nhận là binh chủng quan trọng trong lực lượng vũ trang ta... Tiến công với một số lượng rất ít nhưng chất lượng và hiệu suất chiến đấu thật cao, diệt được nhiều quân địch, giành thắng lợi lớn” (Trích lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Đặc công). |
(còn nữa)
TIẾN ĐẠT - CHÍ HÒA