QĐND - Tình hình miền Nam Việt Nam ngày càng nguy ngập khi Quân giải phóng miền Nam tiến sát cửa ngõ Sài Gòn. Tuyến phòng thủ Xuân Lộc được mệnh danh là “cánh cửa thép” của quân đội VNCH tan vỡ cũng là lúc Tổng thống Thiệu bị xô ngã ra khỏi vòng xoáy quyền lực…

Hy vọng về “giải pháp hòa bình”

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Mỹ vẫn tiếp tục can thiệp vào tình hình miền Nam Việt Nam khi biết không thể cứu vãn được? Mỹ muốn đơn phương rút quân khỏi vũng lầy chiến tranh Việt Nam và đã đạt được “hòa bình trong danh dự” với việc ký kết Hiệp định Pa-ri. Khi rút hết quân viễn chinh, Mỹ vẫn cần phải có “khoảng cách vừa phải” để thể hiện thiện chí muốn vực dậy chính quyền VNCH. Nếu chế độ Sài Gòn có sụp đổ, Mỹ cũng không mang tiếng nhơ là đã bỏ mặc Đồng minh trong lúc nguy khốn đồng thời đổ vấy trách nhiệm thất bại cho sự thiếu ý chí và khả năng chiến đấu của quân đội VNCH.

Người Mỹ tháo chạy khỏi Sài Gòn tháng 4-1975. Ảnh tư liệu

 

Ngày 21-4-1975, Oa-sinh-tơn ép Thiệu phải từ chức nếu không sẽ tiến hành đảo chính quân sự và các phe phái ở Sài Gòn cũng gây áp lực buộc Thiệu ra đi. Dưới sự đạo diễn của Mỹ, cuộc chuyển giao trên sân khấu quyền lực diễn ra trong hòa bình, Phó tổng thống Trần Văn Hương lên nắm quyền và tiếp tục con đường Mỹ vạch sẵn.

Việc Nguyễn Văn Thiệu từ chức cho thấy sự khủng hoảng trầm trọng trong nội bộ chính quyền VNCH đồng thời đánh dấu sự thất bại về sách lược của Chính phủ Mỹ. Thay thầy đổi chủ, Mỹ chỉ hy vọng đạt được một giải pháp hòa bình, duy trì cơn hấp hối của chế độ VNCH. Mặc dù tình hình miền Nam Việt Nam cũng có sức nặng nhất định nhưng Tổng thống Mỹ luôn cố giữ mọi thứ ở khoảng cách vừa phải, hướng đến mục tiêu đưa vấn đề Việt Nam ra khỏi chính sách của Mỹ một cách mềm mại nhất và tìm cách gạt phăng mọi rắc rối để giữ gìn sự trong sạch cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 1976.

Sự ra đi của Thiệu được đa số dư luận Sài Gòn và thế giới ủng hộ, xem đây là thay đổi cần thiết giúp cải thiện tình hình Nam Việt Nam. Người dân và giới chức Sài Gòn chỉ mong muốn vị Tổng thống mới hoàn thành tốt nhiệm vụ tìm kiếm cơ hội thương lượng hòa bình với miền Bắc Việt Nam. Ngày 23-4-1975, Bộ Ngoại giao VNCH đã gửi công hàm đến chính phủ các nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao, chính thức tuyên bố việc Thiệu từ chức và kêu gọi các bên tham gia Hội nghị quốc tế về Việt Nam có những hành động cần thiết giúp nối lại các cuộc đàm phán tại La Cell Saint Cloud (Pháp) và Tân Sơn Nhất (Việt Nam) để tìm kiếm “giải pháp hòa bình”.

Ủng hộ lập trường của Mỹ, Văn phòng Tổng thống Pháp đã tuyên bố: “Tổng thống Pháp tri ân tinh thần trách nhiệm đã được bày tỏ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu qua sự từ chức để mở đường cho một giải pháp hòa giải quốc gia, con đường duy nhất để có thể rút ngắn được sự thống khổ của nhân dân miền Nam Việt Nam”.

Những giây phút hấp hối

Sự nghiệp của Tổng thống Thiệu đột ngột kết thúc tạo nên dư chấn trong nhiều người Mỹ và nội bộ tướng lĩnh Sài Gòn. Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn và Chuẩn tướng Nguyễn Khắc Bình, Tư lệnh cảnh sát quốc gia VNCH tìm mọi cách trấn an binh lính vì lo sợ hiệu ứng đô-mi-nô sẽ kéo theo sự sụp đổ của quân đội, cảnh sát.

Trần Văn Hương lên kế nhiệm đã thi hành chính sách đối ngoại hai mặt. Một mặt, động viên tinh thần chiến đấu của binh lính đồng thời tuyên bố “cương quyết tử thủ dù phải hy sinh đến nắm xương tàn”; mặt khác, kêu gọi thương lượng hòa bình với miền Bắc Việt Nam.

Để thể hiện “thiện chí”, Tổng thống Hương ra lệnh dỡ bỏ tất cả những khẩu hiệu, áp phích có nội dung “chống Cộng”. Đồng thời, ông cử một trợ lý đến “Trại Davis” ở phía Tây Nam căn cứ không quân Tân Sơn Nhất tiếp xúc với các thành viên đoàn VNDCCH và Chính phủ CMLTCHMNVN trong Ban Liên hợp quân sự để mở các cuộc thương lượng. Trong các cuộc trao đổi bí mật với đoàn VNDCCH, Tổng thống Hương đưa ra đề xuất cho phép phía Hà Nội cử ra một người trung gian để thảo luận Hiệp định ngừng bắn nhưng yêu cầu này đã bị bác bỏ. Ông tiếp tục đề nghị sẽ trả lại tự do cho tất cả những “tù nhân chính trị” trong đó có cả 18 nhà báo bị bắt giam hồi tháng 2-1975 để đổi lấy hy vọng thương lượng nhưng không nhận được sự phản hồi nào.

Đề nghị thương lượng không được chấp thuận, Mỹ tiếp tục cuộc chuyển giao quyền lực mới, đưa Đại tướng Dương Văn Minh - người có “xu hướng chính trị trung lập” và là “đại diện cho lực lượng thứ ba” trên chính trường Việt Nam, lên làm Tổng thống VNCH. Chính quyền VNCH đứng đầu là Tổng thống Dương Văn Minh đã tiến hành cải tổ nội các để níu kéo những giây phút hấp hối. Dương Văn Minh cũng đã gửi công hàm yêu cầu Đại sứ Mỹ Ma-tin (Martin) chỉ thị cho các nhân viên của Cơ quan tùy viên quân sự Mỹ (DAO) rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ đồng hồ.

Về danh nghĩa, cuộc di tản của người Mỹ ra khỏi Sài Gòn sẽ tạo thuận lợi cho Tổng thống Dương Văn Minh trong cuộc thương thuyết hòa bình với miền Bắc Việt Nam. Thực tế, yêu cầu này góp phần hợp pháp hóa cuộc rút lui của người Mỹ với ý nghĩa theo đề nghị của chính quyền VNCH chứ không phải là hành động bỏ chạy. Dù chỉ tồn tại được 3 ngày, giải pháp Dương Văn Minh cũng có tác dụng nhất định giúp cuộc chiến kết thúc sớm, tránh tổn hao thêm quá nhiều xương máu vô ích của cả hai miền Việt Nam.

Đưa Trần Văn Hương, Dương Văn Minh lên nắm quyền, Chính phủ Mỹ muốn tìm cách kéo dài thêm thời gian cho cuộc di tản của người Mỹ. Thực sự, chính quyền VNCH đã chấm dứt vai trò khi Mỹ cắt viện trợ như tuyên bố trong một bài diễn văn của Tổng thống Gê-ran Pho tại Trường Đại học New Zealand ngày 23-4-1975: "Đối với Mỹ, cuộc chiến tranh Đông Dương đã chấm dứt… Số phận của những người đàn ông, đàn bà khắp thế giới này, nói chung, cuối cùng nằm trong tay họ". Và, trách nhiệm thất bại nghiễm nhiên thuộc về chính quyền VNCH theo như một người Mỹ đã nói với một binh sĩ VNCH: “Chúng tôi đã cho anh mọi thứ anh cần, trừ sự dũng cảm. Chỉ tại anh không có thứ ấy”.

Như vậy là, chính sách ngoại giao cầu viện, lệ thuộc của chính VNCH vào năm 1975 đã đưa tới một kết cục được dự báo trước. Nỗ lực cứu vãn tình thế được coi là “không thể cứu vãn” của chính giới VNCH đã không được đáp trả tương xứng bằng khoản viện trợ cần thiết để vực dậy chế độ VNCH, mà chỉ tranh thủ được những lời hứa hẹn, khích lệ “chân tình” từ các Đồng minh. Rõ ràng, chính quyền VNCH tiến hành một cuộc chiến tranh bằng sức mạnh vay mượn ngoại viện nên thất bại là điều tất yếu.

LÊ MINH NAM
Bài 1: Canh bạc cuối cùng