Hai loại hình chính của doanh nghiệp quân đội

Theo Thiếu tướng Trần Đình Thăng, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng, hiện nay, doanh nghiệp quân đội được tổ chức với hai loại hình chính.

Thứ nhất, các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ QPAN. Đây là lực lượng chủ lực trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, sửa chữa, sản xuất vũ khí, thiết bị cho quân đội, duy trì và phát triển các dây chuyền hoặc thực hiện các dự án trọng điểm của đất nước. Đồng thời, đây cũng là các binh đoàn, đơn vị nòng cốt sẵn sàng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu khi có tình huống. Các doanh nghiệp này cũng đồng thời thực hiện sản xuất, kinh doanh để vừa cung ứng sản phẩm cho phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vừa duy trì nguồn lực (nhân lực và máy móc, thiết bị được Nhà nước đầu tư) để sẵn sàng phục vụ quốc phòng khi có tình huống. Khối doanh nghiệp này được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) hoặc doanh nghiệp trong tổ hợp công ty mẹ-công ty con.

Lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Lũng lô kiểm tra thi công công trình đường dây 220kv từ Kiên Bình ra Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: MINH HOÀNG. 

Cùng với đó là các doanh nghiệp đứng chân trên các địa bàn chiến lược, chính là các binh đoàn, đơn vị tham gia phát triển KT-XH vùng sâu, vùng xa, xóa đói, giảm nghèo, ổn định dân cư vùng biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố QPAN, tham gia giúp nước bạn Lào và Campuchia phát triển KT-XH, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Khối các doanh nghiệp này được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp công ty TNHH MTV hoặc doanh nghiệp trong tổ hợp công ty mẹ-con.

Thứ hai, khối các doanh nghiệp kinh tế kết hợp với quốc phòng. Đây là các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nhưng không phải là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ QPAN. Các doanh nghiệp này đang thực hiện cổ phần hóa hoặc đã cổ phần hóa do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, vẫn còn thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Các doanh nghiệp này sản xuất, kinh doanh phục vụ phát triển KT-XH là chính; đồng thời thực hiện một số nhiệm vụ quốc phòng được giao như sản xuất quân trang, tham gia xây dựng một số công trình quốc phòng. Bộ Quốc phòng đang tích cực cổ phần hóa, thoái vốn và chuyển đổi mô hình những doanh nghiệp này.

“Con” nhưng không giống “mẹ”

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp QPAN phải là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong 11 ngành, lĩnh vực, địa bàn hoạt động trực tiếp phục vụ QPAN; đồng thời được giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ hoặc thực hiện các nhiệm vụ QPAN.

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nêu ra một số điểm bất cập trong quy định hiện hành về việc xác định doanh nghiệp QPAN. Cụ thể là hiện còn 3 loại hình khác là công ty TNHH MTV hoặc công ty TNHH hai thành viên là công ty con của công ty mẹ được xác định là doanh nghiệp QPAN sở hữu 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp 100% vốn thuộc sở hữu của một hoặc một số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (doanh nghiệp do một hoặc một số doanh nghiệp QPAN thành lập hoặc cùng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khác thành lập); doanh nghiệp kinh tế kết hợp với QPAN. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 47/2021/NĐ-CP thì 3 loại hình doanh nghiệp này hiện chưa được công nhận là doanh nghiệp QPAN nên gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra còn một loại  hình doanh nghiệp mà trước đây được xác định trực tiếp phục vụ nhiệm vụ QPAN, nhưng sau khi sắp xếp thì được chuyển về làm công ty con của một doanh nghiệp QPAN khác. Khi trở thành công ty con, doanh nghiệp ấy cũng không còn được xác định là doanh nghiệp QPAN nữa. Thiếu tướng Trần Đình Thăng cho biết, những doanh nghiệp diện này hiện nay cũng không được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ.

 Đường dây 220kv từ Kiên Bình ra Phú Quốc (Kiên Giang) do Tổng công ty Xây dựng Lũng lô thi công. Ảnh: MINH HOÀNG.

Các doanh nghiệp kinh tế kết hợp với QPAN hiện vẫn đang được giao một số nhiệm vụ quân sự, quốc phòng mà doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp QPAN không đủ điều kiện để hợp tác quốc tế theo hình thức liên danh, liên kết với đối tác nước ngoài để nghiên cứu phát triển vũ khí, trang bị theo thông lệ quốc tế. Các doanh nghiệp này cũng cần thiết phải có cơ chế quản lý theo quy định của pháp luật để bảo đảm phát triển đúng hướng, phát huy được hiệu quả, vừa phục vụ phát triển KT-XH, vừa phát triển QPAN.

Cần sớm khắc phục bất cập

Rõ ràng, những bất cập trên cần sớm được xử lý để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về cơ chế, chính sách của Nhà nước và để phát huy hiệu quả hơn sức mạnh của các doanh nghiệp. Bởi vậy, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 217 Luật Doanh nghiệp là rất cần thiết. Cụ thể, quy định của khoản 5, Điều 217 Luật Doanh nghiệp là “Căn cứ vào quy định của luật này, Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ QPAN hoặc kết hợp kinh tế với QPAN”. Chính phủ đề xuất sửa đổi như sau: “Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ QPAN hoặc kết hợp kinh tế với QPAN là doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ”. Sửa đổi theo hướng này sẽ là cơ sở để Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 47/2021/NĐ-CP nhằm khắc phục những bất cập nêu trên.

Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế trong lĩnh vực QPAN, việc khắc phục theo hướng như trên không chỉ phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam, mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhiều nước trên thế giới vẫn thực hiện hỗ trợ cho bất cứ loại hình doanh nghiệp nào tham gia thực hiện các nhiệm vụ QPAN. Họ coi đó là điều đương nhiên, vì đó là nguyên tắc bình đẳng. Bởi bất cứ doanh nghiệp nào thực hiện nhiệm vụ QPAN cũng đều nhận được sự hỗ trợ như nhau, theo đúng phần thực hiện nhiệm vụ QPAN mà mình thực hiện.

Tại Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét và thông qua dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 217 Luật Doanh nghiệp như trên. Hy vọng dự án luật này sẽ được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận cao, mở đường cho sự tháo gỡ những rào cản về chính sách đang vô tình kìm hãm sự đóng góp của các doanh nghiệp có tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc QPAN, để các doanh nghiệp này góp phần hiệu quả vào các chương trình phát triển KT-XH, củng cố tiềm lực quốc phòng và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

HOÀNG GIA MINH - NGUYỄN CHIẾN THẮNG