QĐND Online - Sư đoàn bộ binh 7, miền Đông Nam bộ là đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong chiến dịch mùa khô 1974-1975, Sư đoàn bộ binh 7 đã hoàn thành nhiệm vụ đợt I tấn công giải phóng tỉnh Phước Long, tiêu diệt địch trên trục lộ 20 Túc Trưng đến Di Linh giải phóng toàn tỉnh Lâm Đồng. Sau đó sư đoàn lại được Bộ chỉ huy Quân đoàn 4 giao nhiệm vụ tấn công tiêu diệt địch tại thị xã Long Khánh. Trong đội hình quân đoàn, sư đoàn dùng sức mạnh hành tiến bằng cơ giới trên quốc lộ 1, vào đánh chiếm các điểm trọng yếu, giải phóng Sài Gòn.

Trong nhiều sức mạnh tạo nên thắng lợi đó không thể không nói đến công tác hậu cần của Sư đoàn bộ binh 7 trong chiến dịch mùa khô 1974-1975.

 

Đoàn ô tô vận tải trong chiến dịch mùa khô 1975

Sư đoàn bộ binh 7 hoạt động trên trục lộ 20 từ Túc Trưng đến Di Linh, đây là con đường độc đạo, đồi núi mấp mô, hiểm trở, xung quanh có nhiều đồi chè, nương rẫy. Sau thất bại ở Phước Long, địch đã quay về phòng ngự. Để thực hiện chiến lược co cụm, chúng đưa Sư đoàn bộ binh 18 ra giữ trục lộ 20 và trên quốc lộ 1 nhằm bảo vệ vành đai phía đông và đông bắc Sài Gòn. Căn cứ quân địch trên trục lộ 20 có 4 chi khu, 1 tiểu khu và nhiều điểm chốt. Thủ đoạn của quân địch là dùng mạng lưới thám báo, biệt kích lùng sục, trà trộn vào trong dân, máy bay trinh sát phát hiện lực lượng ta. Nếu nghi ngờ chúng điều chủ lực đến tăng cường bố phòng hoặc tổ chức càn quét.

Trước tình hình đó, ngày 5-3-1975, Bộ chỉ huy Miền và Quân đoàn 4 đã giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Sư đoàn 7 phối hợp chiến trường chung, thu hút, kìm hãm, tiêu diệt một bộ phận chủ lực của địch. Rèn luyện đơn vị vững mạnh mọi mặt, quyết tâm giải phóng trục lộ 20 từ Túc Trưng đến Gi Linh, diệt địch khu Định Quán, bao vây Dương Lâm, đánh phục kích địch lên ứng cứu.

Trên cơ sở xác định nhiệm vụ, Ban chủ nhiệm hậu cần đã đưa ra quyết tâm triển khai các công tác tổ chức và bảo đảm, khắc phục mọi khó khăn phục vụ đáp ứng nhu cầu tác chiến. Bổ sung các cơ sở vật chất khí tài, đồng thời có dự trữ ở cấp trung, sư đoàn. Tổ chức chặt chẽ với Đoàn hậu cần 814 tại khu vực, khai thác sức người tại địa phương để kịp thời phục vụ chiến đấu.

Về tổ chức lực lượng hậu cần, cơ quan chỉ huy chỉ để lại một bộ phận nhỏ do đồng chí Trưởng ban tài vụ và một số trợ lý phục vụ bộ phận phía sau, còn đại bộ phận tham gia phía trước. Quân y tổ chức 1 bệnh xá thu dung điều trị toàn bộ thương, bệnh binh. Vận tải sử dụng 4 xe ô tô phục vụ phía trước, 2 xe phục vụ phía sau. Các phân đội vận tải thồ cũng được đưa ra phía trước phục vụ, mỗi đại đội bảo đảm 25 xe thồ, tiểu đoàn phải có 3 xe dự trữ. Hậu cần sư đoàn đã tổ chức đi nghiên cứu chuẩn bị chiến trường 2 lần tại khu vực Định Quán, xác định cụ thể vị trí triển khai kho trạm, đường vận chuyển cho các hướng và liên hệ nắm tình hình cơ sở vật chất để tính toán xây dựng kế hoạch.

Để chuẩn bị cho trận mở màn tấn công chi khu Định Quán, Sư đoàn đã tổ chức, bộ phận đi trước gồm có đội phẫu, triển khai tại tây bắc Định Quán, cách phía sau đội phẫu Trung đoàn bộ binh 14 khoảng 1 giờ đi bộ. Kho đạn triển khai 12 tấn. Lực lượng vận tải bộ, Cơ quan chỉ huy hậu cần, bộ phận phía sau gồm kho đạn 15 tấn, kho quân nhu, bệnh xá sư đoàn được triển khai tại bến phà Vĩnh An. Căn cứ vào nhiệm vụ và yêu cầu của trận đánh, hậu cần sư đoàn đã tổ chức nhận vật chất để bổ sung lượng dự trữ chiến đấu cho các đơn vị khi hành quân trong mùa khô. Cụ thể, lương thực thực phẩm cấp cho Trung đoàn bộ binh 209, Trung đoàn bộ binh 14, các đơn vị trực thuộc nhận tại kho cánh 3/814, các Trung đoàn bộ binh 12, Trung đoàn bộ binh 210 nhận tại kho cánh 4/814. Lượng đạn thường xuyên do đơn vị tổ chức mang theo. Riêng đạn hỏa lực cối pháo lớn sẽ được tăng cường. Tổ chức 2 xe ô tô vận tải ở phía nam bến Tà Lìa để chuyển vật chất lên trước cho các đơn vị. Để bảo đảm hợp đồng được thường xuyên, liên tục trong quá trình chiến dịch và từng trận đánh, hậu cần sư đoàn cử 1 trợ lý quân giới đến sở chỉ huy Đoàn hậu cần 814 thực hiện bảo đảm phân phối cho các đơn vị.

Công tác hậu cần cho trận hành tiến tấn công thị xã Lâm Đồng. Trên cơ sở quyết tâm chiến đấu của Bộ tư lệnh Quân đoàn, sư đoàn tổ chức thành 2 bộ phận bảo đảm theo đội hình hành tiến chiến đấu và phát triển khi tấn công thị xã Lâm Đồng. Từ ngày 17-2-1975, sư đoàn đã chính thức giao nhiệm vụ cho hậu cần chuẩn bị vật chất, toàn bộ công tác chuẩn bị phải hoàn thành đến ngày 5-3-1975. Trong suốt quá trình chuẩn bị hậu cần chiến dịch, sư đoàn đã hoàn thành, đạt một số kết quả cụ thể. Bảo đảm quân nhu, về lương thực thực phẩm, toàn sư đoàn có 12-15 ngày ăn. Tại trạm phẫu trung đoàn có 100 suất, trạm phẫu sư đoàn có 200 suất cho thương binh. Mỗi chiến sỹ được bồi dưỡng đủ chỉ tiêu về lương khô, thịt hộp. Về dự trữ thuốc men, mỗi bàn phẫu đều có đủ 3 cơ số thuốc men, cuộn băng các loại. Gấp rút bồi dưỡng cho 11 y tá học gây mê hồi sức để kịp thời đi phục vụ chiến trường. Vì làm tốt công tác bảo đảm quân y nên tình hình sức khỏe bộ đội bảo đảm quân số chiến đấu là 94,53%.

Vũ khí đạn dược đã bổ sung trang bị cho các đơn vị theo quy định của phòng tham mưu sư đoàn . Các đơn vị đã kịp thời sửa chữa súng, pháo, đồng thời sư đoàn đã đi kiểm tra cẩn thận. Bộ phận vận tải của sư đoàn đã chuyển 145 viên đạn cối ra trận địa hướng đông, trận địa hướng nam và hướng tây. Cơ số đạn đem theo pháo 85 đủ 100 viên/khẩu, đạn 12,7 đủ 600 viên/khẩu. Trong giai đoạn vận chuyển vật chất, suốt quá trình chuẩn bị sư đoàn vẫn bảo đảm đủ 6 xe phục vụ chiến đấu. Xe thô sơ có 67 chiếc hoạt động tốt. Riêng quân số vận tải thồ toàn sư đoàn có 317 người.

Việc tổ chức triển khai các kho trạm của sư đoàn. các trung đoàn, lực lượng hậu cần đầy đủ theo kế hoạch chiến đấu. Từ ngày 17-3 đến 31-3-1975, Sư đoàn 7 đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng trục lộ 20 từ phía bắc Túc Trưng đến chi khu Gi Linh dài 200 km, giải phóng toàn bộ tỉnh Lâm Đồng và quận Định Quán thuộc tỉnh Long Khánh.

Có được thành quả đó là nhờ công tác bảo đảm hậu cần cho sư đoàn được triển khai sớm, thời gian chuẩn bị dài. Việc tổ chức bổ sung vật chất, bảo đảm kỹ thuật và giải quyết thương bệnh binh đã được hiệp đồng cụ thể, thực hiện tốt giữa Đoàn hậu cần 814 với hậu cần Sư đoàn 7 trong suốt quá trình chuẩn bị và chiến đấu.

PHẠM KIÊN