 |
Ảnh minh họa
|
Tháng 12 năm Mậu Tuất (938), quân Nam Hán vượt biển tiến vào nước ta qua sông Bạch Đằng, Bạch Đằng là một con sông ngắn nhưng rất rộng và sâu. Sông vốn có tên nôm là sông Rừng, nhưng vì sông này thường có sóng bạc nổi lên, mới có tên chữ là Bạch Đằng. Trước thế giặc mạnh, Ngô Quyền đã vạch ra kế hoạch đánh gục quân Nam Hán xâm lăng. Đó là “sai người đem cọc lớn, vạt nhọn và bịt sắt, ngầm đóng sẵn ở cửa sông Bạch Đằng, rồi nhân khi nước triều lên cao (che khuất bãi cọc), nhử cho chiến thuyền của chúng tiến vào thì sau đó ắt sẽ dễ bề chế ngự, quyết không cho chiếc nào chạy thoát”. Công việc dựng bãi cọc gỗ vạt nhọn và bịt sắt được tiến hành khẩn trương nhưng cũng rất công phu. Hàng nghìn người được huy động đốn cây. Hàng trăm thợ được điều đến để bịt sắt vào cọc gỗ. Đông đảo quân sĩ cùng tham gia vào việc tạo dựng bãi cọc này. Trước khi giao chiến, Ngô Quyền đã nghiên cứu rất kỹ chế độ thủy văn của sông Bạch Đằng. Với kế sách đúng đắn, quân và dân ta đã đập tan sự xâm lăng của quân Nam Hán.
Trận Bạch Đằng năm 938 là một trong những trận thủy chiến xuất sắc của lịch sử nước nhà. Ngô Quyền đã để lại cho hậu thế những kinh nghiệm vô giá trong tổ chức và chỉ huy thủy chiến. Ông là người đầu tiên dùng bãi cọc và cũng là người đầu tiên biết tận dụng thủy triều vào trận mạc. Trận Bạch Đằng năm 939 là một trong những trận mẫu mực của sự hợp đồng tác chiến giữa thủy binh với bộ binh, cũng là một trong những trận mẫu mực của sự kết hợp hài hòa giữa mai phục với tấn công tiêu diệt. Tiếp nối truyền thống đó, cũng trên sông Bạch Đằng, năm 981 Lê Hoàn đã đánh tan quân Tống xâm lược, năm 1288 Trần Hưng Đạo đã tiêu diệt hoàn toàn đạo thủy quân của Ô Mã Nhi trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược. Ba trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng ở những thời điểm khác nhau, đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà đó là sự kết hợp của “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, của nghệ thuật quân sự sáng tạo của ông cha ta.
NGUYỄN HẢI SINH