QĐND- Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, song song với việc mở chiến dịch tiến công Nguyễn Huệ ở miền Đông Nam Bộ (từ tháng 4-1972 đến tháng 1-1973), Trung ương Cục và Quân ủy Miền mở chiến dịch tiến công tổng hợp chống lại sự đánh phá, bình định của địch ở Khu 8, đồng bằng sông Cửu Long (từ 10-6 đến 10-9-1972). Trong các chiến dịch này, ta sử dụng lực lượng vũ trang ba thứ quân đột phá tuyến phòng thủ biên giới, mở thông hành lang và tuyến trung gian, đưa lực lượng chủ lực xuống chia cắt Đường số 4, tiêu diệt một bộ phận địch trong các chi khu, tiểu khu, đập vỡ hệ thống đồn bốt, phá thế kìm kẹp. Trong thực hành chiến dịch, ta kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công, phát động quần chúng mở mảng, mở vùng, mở rộng vùng giải phóng, giành một bộ phận nhân dân trong khu vực.

Phương thức tác chiến tổng hợp bằng ba mũi giáp công tiến công địch đóng chốt trên địa bàn chiến dịch trong một kế hoạch thống nhất đã được ta cân nhắc kỹ. Giai đoạn đầu, các mũi tiến công quân sự của ta, trước hết là bộ đội chủ lực Miền nòng cốt là Sư đoàn 5 bộ binh, Đoàn C30B (tương đương sư đoàn) lần lượt đột phá tuyến phòng thủ biên giới gồm các chi khu Long Khốt, Gò Măng Đa, căn cứ Thạnh Tú; đánh tàu địch trên sông Vàm Cỏ Tây, pháo kích thị trấn Mộc Hóa. Một bộ phận chủ lực Khu 8 (Trung đoàn 1, Trung đoàn 88, Trung đoàn 320) và lực lượng phối thuộc của Miền (pháo binh, công binh, thông tin) lợi dụng hành lang biên giới được mở, mở thông khu trung gian, luồn sâu tiến công các đồn bốt địch ở phía Nam và Bắc đường số 4, tạo điều kiện cho chủ lực đưa lực lượng xuống vùng sâu mở mảng, mở vùng, tạo thế đứng chân liên hoàn để phát triển chiến dịch.

Bộ đội địa phương tỉnh Sóc Trăng và du kích phối hợp trinh sát, tiếp cận mục tiêu. Ảnh tư liệu.

Phát hiện ta đưa một bộ phận lực lượng chủ lực xuống đồng bằng vừa đánh phá hệ thống căn cứ địch vừa hỗ trợ quần chúng chống phá bình định ở vùng quan trọng phía Nam và Bắc đường số 4, đầu tháng 8-1972, Quân đoàn 4 Sài Gòn lập tức điều Sư đoàn 9 bộ binh từ hướng sông Hậu lên kết hợp với Sư đoàn 7 bộ binh mở cuộc hành quân “Cửu Long 4-1” đánh chiếm các khu vực quân dân ta vừa làm chủ. Lường định đúng những tình huống có thể xảy ra, ta chủ động chỉ đạo lực lượng ba thứ quân phản công và tiến công liên tục các mũi hành quân của địch. Trên hướng chủ yếu Nam - Bắc Đường số 4 Mỹ Tho, Trung đoàn 88 quân khu và bộ đội địa phương tiến công địch ở Mỹ Long, vây ép chợ Tam Bình. Sư đoàn 5 (thiếu) và Trung đoàn 320 ở Bắc Đường số 4 đẩy mạnh tiến công đánh bại một mũi hành quân cấp trung đoàn tăng cường của địch trên Đường 20. Hướng phát triển Bến Tre, Trung đoàn 1 quân khu và hai tiểu đoàn địa phương phản công địch trên sông Tiền, sông Hàm Luông, tiến công địch ở vùng yếu Phú Túc, Tường Đa, Tân Lộc. Giữa tháng 8, đầu tháng 9-1972, ta tiến công mạnh quân địch trên huyện Mỏ Cày và huyện Giồng Trôm. Trung đoàn 24 chủ lực Miền và lực lượng địa phương tiến công chợ Thầy Yến, quận lỵ Bến Tranh (Gò Công). Cuối tháng 9-1972, lực lượng vũ trang ba thứ quân cơ bản đánh bại cuộc hành quân “Cửu Long 4-1” của Quân đoàn 4 Sài Gòn.

Cùng với các mũi tiến công quân sự đánh phá hệ thống đồn bốt, tiêu hao, tiêu diệt địch, ta còn tổ chức các mũi tiến công chính trị và binh vận, phát động quần chúng ở xã, huyện mở mảng, mở vùng giải phóng và được nhân dân phối hợp và hỗ trợ mạnh mẽ. Đặc biệt trong giai đoạn 2, các cuộc đấu tranh chính trị và binh vận luôn kết hợp chặt chẽ với mũi tiến công quân sự vừa đấu tranh chống địch hành quân càn quét, bắn phá bừa bãi, đòi bồi thường thiệt hại, vừa cùng lực lượng vũ trang địa phương diệt ác, phá kìm giành quyền làm chủ. Điển hình là phong trào đấu tranh của nhân dân các huyện Cai Lậy, Châu Thành, dọc Đường số 4 (Mỹ Tho), Mỏ Cày, Giồng Trôm, Bình Đại (Bến Tre), Bến Tranh (Gò Công), kênh Nguyễn Văn Tiếp, kênh Dương Văn Dương (Kiến Phong, Kiến Tường). Tại các nơi này, khi được lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và các đội võ trang công tác vận động, tuyên truyền đã đồng loạt đứng dậy tham gia bao vây, bức hàng đồn bốt, phá khu đồn, “ấp chiến lược”, góp sức người, sức của phục vụ chiến đấu; đồng thời vận động binh lính địch, gọi hàng, khai thác tin tức, quản lý lính bỏ ngũ, làm binh biến hoặc làm nội ứng cho quân ta chiếm đồn bốt, thu vũ khí.

Chiến dịch tổng hợp ở Khu 8 giành thắng lợi không chỉ phản ánh sự phát triển đến mức cao của nghệ thuật chuẩn bị và thực hành chiến dịch đánh phá bình định, mở mảng, giành dân với quy mô lớn, không gian rộng, thời gian dài, mà còn làm nổi bật nghệ thuật kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự mạnh mẽ và nổi dậy rộng khắp của đông đảo quần chúng trên toàn địa bàn chiến dịch. Thắng lợi của chiến dịch thể hiện sự phát triển cao về trình độ tổ chức, điều hành, chỉ huy các lực lượng chính trị, vũ trang và binh vận từ cơ sở đến từng địa phương và toàn chiến dịch; về nghệ thuật phối hợp chặt chẽ giữa đòn và hướng đánh tiêu diệt chủ lực địch với hướng và đòn đánh phá bình định; về nghệ thuật phát huy cao độ các lực lượng của hai chân, ba mũi, tạo thành sức mạnh tổng hợp rất lớn, bảo đảm liên tục tấn công và nổi dậy giành thắng lợi ngày càng cao. Bài học và kinh nghiệm của loại hình chiến dịch đặc thù này cần được các thế hệ tiếp tục nghiên cứu và vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.  

Đại tá Trần Tiến Hoạt