 |
CCB Đặng Thành Nhơn bên chồng địa chỉ và danh bạ điện thoại thân nhân, gia đình các liệt sĩ.
|
Chiến tranh đã đi qua hơn 1/3 thế kỷ nhưng còn đó nỗi đau thấm sâu vào lòng đất, vào da thịt, vào ký ức của mỗi con người. Hàng vạn người con ưu tú anh dũng chiến đấu, hy sinh trên các chiến trường theo dọc chiều dài đất nước. Máu xương họ hòa tan vào lòng đất mẹ, để lại nỗi nhớ mong khắc khoải cho những người thân qua bao ngày tháng. Trăn trở trước nỗi đau ấy, người cựu chiến binh già Đặng Thành Nhơn (thành phố Đà Nẵng) đã âm thầm, lặng lẽ thực hiện nhiều cuộc hành trình đi tìm đồng đội từ suốt 5 năm nay...
Gian nan bao cuộc hành trình
Những năm tháng chiến tranh, Đặng Thành Nhơn là chiến sĩ Thông tin thuộc Tiểu đoàn 26, mặt trận 4 Quảng Đà, hoạt động trên chiến trường Liên khu V. Trong nhiều lần băng qua lửa đạn đảm bảo mạng lưới thông tin cho đơn vị chiến đấu, ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu lượt cán bộ, chiến sĩ thân yêu của mình ngã xuống sau mỗi trận đánh. Những lần ấy ông vội vàng khâm liệm, chôn cất đồng đội rồi lại lao đi làm nhiệm vụ. Dấu tích để lại chỉ là những vết dao khứa vào thân cây, vài dòng chữ trên mô đá và những lời nguyện cầu với người đã hy sinh thầm hẹn sẽ có ngày trở lại tìm nhau...
Với tay lần tìm những kỷ vật thiêng liêng của một thời máu lửa, nghĩ về đồng đội, giọng ông Nhơn nghẹn ngào xúc động: “Giữa bom rơi, đạn nổ và mất mát hy sinh; giữa sự sống và cái chết gần nhau trong gang tấc, tình đồng chí đồng đội thiêng liêng đến vô cùng. Ngày ấy, chúng tôi giành nhau vào chỗ chết mà không hề toan tính thiệt hơn. Nhạt muối, thiếu rau thêm ấm tình đồng đội, gian khổ xông pha không nao núng tinh thần. Cứ mỗi lần nhớ về đồng đội thuở ấy, lòng tôi lại xao xuyến, bùi ngùi”...
Cuối năm 2004, ông Nhơn về hưu với quân hàm Đại tá. Nhẽ ra sống an nhàn cùng vợ con trong mái nhà đơn sơ ấm cúng, nhưng người cựu chiến binh ấy lại mũ tai bèo, vai khoác ba lô, chân dép lốp, tay chống gậy băng rừng bắt đầu cuộc hành trình về lại chiến trường xưa kiếm tìm xương cốt đồng đội vùi sâu trong lòng đất. Bàn chân ông phồng rộp vì trèo đèo, lội suối để tới được những địa danh một thời thấm máu đồng đội như: dốc Gió, Hòn Tàu, Mặt Rạng, đèo Cây Khế, suối D3, núi Đồng Nghệ... Niềm day dứt, sự cảm thông lên tiếng trong lòng người lính già một thời trận mạc đã thôi thúc ông không quản mưa rừng, muỗi, vắt. Thời gian trôi qua đã quá lâu, biết bao trận lũ tàn phá, cảnh vật đổi thay, có nhiều trường hợp không để lại sơ đồ, dấu vết, vật chuẩn, ông vừa đi vừa định vị địa hình, nhớ lại diễn biến từng trận đánh, tay cầm bản đồ dò dẫm từng mét đất. Thăm thẳm rừng xanh, núi biếc, chỉ có tiếng gió hú giữa đại ngàn, nhiều lúc vết thương cũ tái phát, toàn thân rét run nhưng ông vẫn không chùn bước. Bằng tình cảm thiêng liêng của người lính và trách nhiệm cao cả, ông và đồng đội hành quân theo dấu bản đồ. Trên lưng là cơm nắm, là ba lô trĩu nặng với hành trang của người chiến sĩ ra trận. Cũng cuốc, xẻng, tăng, võng, gạo, muối, hương, hoa... họ đi vào các trận địa năm xưa, nơi từng là những khu hậu cứ, trạm phẫu, bệnh xá... giữa đại ngàn heo hút. Để tới được những nơi ấy, ông đã phải hành quân bộ cả tuần, băng đèo, lội suối, trên vai mang vác hàng chục ki-lô-gam lương thực và dụng cụ, lúc về lại gùi hài cốt liệt sĩ. Có ngày ông miệt mài tìm kiếm kỹ lưỡng trong từng hốc cây, lật từng viên đá, đào từng thớ đất, mò mẫm từng vũng nước đọng trong lòng hang tanh nồng mùi rêu mốc để xác định đúng vị trí, cất bốc khá nhiều hài cốt đồng đội đưa về với gia đình, người thân. Chuyện đói cơm, khát nước, ngủ rừng là bình thường. Có bữa mưa rừng xối xả, lũ từ thượng nguồn đổ về chảy cuồn cuộn, áo quần sũng nước, thịt da tím tái nhưng ông vẫn “chiến đấu” với lũ để bảo vệ hài cốt, mặc đồ dùng, vật dụng trôi hết. Có lần phải tìm vào nhà dân xin “viện trợ” vài gói mỳ tôm ăn qua bữa.
Đằng đẵng suốt 5 năm trời đi tìm đồng đội, hình như có một linh cảm đặc biệt tiềm ẩn bên trong, ông Nhơn đã xác định hơn 200 ngôi mộ, cùng với đồng đội, gia đình người thân cất bốc 72 mộ liệt sĩ, kể cả số mộ nằm sâu trong lòng đất hay nằm trong nghĩa trang. Đáng chú ý trong số đó có những người hy sinh cách đây 41 năm như liệt sĩ Trần Bá, quê Hòa Phong, Hòa Vang bị giặc Pháp giết hại rồi chôn xác dưới chân núi Phước Tường từ năm 1947 mà vẫn tìm thấy. Một lần ông cùng đồng đội cũ về khu vực Đồng Nghệ vào dịp tháng 10 năm 2007 để bốc mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Nhiên, quê Đan Phượng (Hà Tây). Hôm đó gia đình có ý định đưa hài cốt liệt sĩ về ngay nhưng mây đen vần vũ kéo về. Ông Nhơn cùng mọi người vội vàng thắp mấy nén nhang khấn vái. Trong mùi khói hương trầm ngào ngạt, ông linh cảm thấy bóng dáng của những chiến sĩ giải phóng còn lẩn khuất đâu đây. Vậy là người lính già hứa với các anh sẽ quay trở lại trong một ngày gần nhất. Bỗng nhiên trời quang, mây tạnh, mọi người lại khăn gói trở về. Vài tuần sau ông cùng đồng đội trở lại nơi này và đã tìm thấy thêm 3 bộ hài cốt liệt sĩ. Sau này ông và mọi người mới biết, Nguyễn Văn Nhiên và 3 liệt sĩ ấy ở cùng đơn vị và hy sinh cùng ngày vì bị pháo kích địch bắn trùm lên trận địa...
Anh Hoàng Kiến Minh, người được ông Nhơn tìm giúp hài cốt người thân là liệt sĩ kể lại: “Cựu chiến binh Đặng Thành Nhơn tìm kiếm mộ liệt sĩ rất đặc biệt, không hề cúng bái, không hề nhuốm màu thần thánh, mà chỉ bằng niềm tin mãnh liệt, tình cảm thiêng liêng và trách nhiệm cao cả với đồng đội đã ngã xuống”...
Tấm lòng nhân ái
Ông Nhơn sống trong căn nhà đơn sơ nép mình giữa phố Nguyễn Chí Thanh (TP Đà Nẵng), trên bàn làm việc bày la liệt địa chỉ liên lạc, quê quán, giấy báo tử, danh bạ điện thoại và rất nhiều lá thư cảm ơn từ Hà Tĩnh, Quảng Bình cho tới tận thành phố Hồ Chí Minh của những gia đình có người thân là liệt sĩ được ông đưa về quê hương sau bao năm xa cách, hoặc muốn nhờ ông đi cùng tìm giúp... Chỉ tay vào những vật dụng trên bàn, ông Nhơn cười: “Gia tài quý giá, thiêng liêng của tôi đấy!”, rồi ông tâm sự: “Hai vợ chồng tôi đều là bộ đội nghỉ hưu, lương ba cọc, ba đồng, tằn tiện lắm cũng vừa đủ chi tiêu trong nhà. Hằng tháng các con hỗ trợ thêm, vợ chồng tôi để dành làm từ thiện, góp một phần giúp đỡ đồng chí đồng đội còn khó khăn hơn mình”. Mặc dầu ông Nhơn không nói ra nhưng chúng tôi biết, để chuẩn bị cho những chuyến đi cũng tốn kém không ít, thế nhưng chưa bao giờ ông nhận của ai một đồng tiền công. Mọi khoản chi phí đó chủ yếu trích ra từ tiền lương trách nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội CCB quận của ông, cộng với số tiền bà tiết kiệm hằng ngày. Nhiều gia đình có người thân là liệt sĩ thấy ông vất vả nên tính chuyện “bồi dưỡng” nhưng ông từ chối thẳng thừng vì ông nghĩ, về hưu rồi làm được gì có lợi cho dân, cho nước thì nên làm. Chính nhờ sự hy sinh to lớn của biết bao đồng đội, đồng bào mới có được cuộc sống hôm nay, vì vậy nếu mình lấy tiền công là mang tội với người đã khuất.
Ngoài những chuyến đi xa tìm đồng đội, ông Nhơn còn tất bật công tác đoàn thể. Với cương vị Chủ tịch Hội CCB quận Hải Châu, ông như con thoi xuôi ngược khắp các phường, xã tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia mọi hoạt động của hội. Chỉ tính riêng năm 2007, các thành viên Hội CCB quận Hải Châu đã đóng góp hơn 600 triệu đồng phục vụ các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa” như sửa chữa 4 nhà tạm cho hội viên nghèo, phụng dưỡng một Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm tặng quà các gia đình chính sách. 6 tháng đầu năm 2008, Hội CCB do ông phụ trách đã tổ chức cho hơn 400 lượt hội viên hành quân về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Bệnh viện Đặng Thùy Trâm, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc; quyên góp ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, đóng góp xây dựng tượng đài Điện Biên, tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Bệnh viện ung thư Đà Nẵng 150 triệu đồng. Mấy năm qua, riêng gia đình ông Nhơn cũng đã đóng góp hàng chục triệu đồng ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, quỹ khuyến học, xây dựng nhà thờ tộc họ...
Ông Nhơn yên tâm “áo vợ, cơm nhà, làm việc nghĩa” là nhờ có hậu phương vững chắc. Bà Hứa Thị Thu Hà (vợ ông) cũng là đảng viên, một thời là chiến sĩ quân y Bệnh xá 76, Mặt trận Quảng Đà, nên cảm thông sâu sắc với nỗi lòng của những người vợ, người mẹ sau chiến tranh khắc khoải đợi chờ chồng, con trở về, vì vậy bà ủng hộ ông hết mình. Bà thức khuya, dậy sớm lo cho ông chu đáo từ lọ dầu, viên thuốc, đến túi áo quần... với tất cả tấm lòng nhân hậu, bao dung của người vợ chung thủy. Khi nói về chồng mình, bà vui vẻ tâm sự: “Ông ấy thẳng tính lắm, đã nói là làm, được cái thương vợ con, tận tình tận nghĩa hết lòng giúp đỡ đồng đội và mọi người”.
Chia tay người cựu chiến binh già vừa tiễn khách ra tận ngõ, ông vội vàng quay vào nhà ngay vì có điện thoại của thân nhân liệt sĩ gọi tới... Nhìn dáng đi chắc nịch ấy, chúng tôi thầm nghĩ, tuy tuổi cao, vết thương cũ liên tục hành hạ, nhưng người lính già-thương binh vẫn âm thầm, lặng lẽ khăn gói cùng những gia đình có con em hy sinh, lặn lội khắp mọi miền đất nước. Ông không ngại khó khăn gian khổ, chỉ mong sao đưa thật nhiều đồng đội trở về với người thân yêu, ruột thịt...
Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG