QĐND - Chiến công "hạ gục" máy bay AC.130 địch của Tiểu đoàn 67 (Trung đoàn 275, Sư đoàn 375 hiện nay) diễn ra đã hơn 40 năm, nhưng mỗi khi nhắc đến trường hợp hy sinh của Khẩu đội trưởng Nguyễn Văn Sồi, thì Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Lành (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 375, Quân chủng PK-KQ) lại bùi ngùi xúc động.

Tháng 10-1971, nhằm giải tỏa Tuyến đường 559, do máy bay AC.130 của địch đánh phá trên đất bạn Lào, Tiểu đoàn 67 (Trung đoàn 275) và Tiểu đoàn Pháo phòng không 119 nhận lệnh “lên tuyến”. Dọc đường hành quân, biết có bộ đội phòng không của ta xuất hiện trên tuyến lửa, địch đã cho máy bay bám theo đánh vào đội hình. Tiểu đoàn 67 lúc bấy giờ, do Tiểu đoàn phó Nguyễn Lành chỉ huy, khi đặt chân lên phía bắc sông Xê-pôn (Lào) thì quân số thương vong gần mười đồng chí, trong đó hy sinh một đồng chí Khẩu đội trưởng bệ phóng là Nguyễn Văn Sồi, quê ở xã Chương Đồng (Vĩnh Bảo, Hải Phòng).

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Lành (bên phải) kể về trường hợp hy sinh của Khẩu đội trưởng bệ phóng Nguyễn Văn Sồi.

Đại tá Nguyễn Lành xúc động kể: “Ngày 16-3-1972, khi xe chở đạn tên lửa đã qua đèo Văn Mu, rẽ vào khu tập kết thì không ngờ bị máy báy AC.130 phát hiện. Đồng chí Sồi có nhiệm vụ đưa 4 quả đạn vào vị trí tập kết, nghĩa là phải vòng đi vòng lại đến 8 lần. Đến chuyến cuối cùng, pháo địch bắn trúng quả tên lửa làm vỏ đạn bung ra. Một mảnh pháo địch găm vào động cơ hành trình của tên lửa, làm khí O chứa trong đó xì ra, phụt lên xanh lè”. Bấy giờ, tiết trời đang mùa khô, làn khí bốc lên như một đụn khói chẳng khác gì mời gọi máy bay B-52 đến đánh phá. Trước tình thế bất ngờ, đồng chí Sồi và một chiến sĩ lái xe tên Sinh đã nghĩ ra cách là tiểu tiện vào đất bột, làm cho nó nhão ra (vì xung quanh không có nước), rồi dùng đất đó đắp lên quả đạn, nhằm bịt kín lỗ thủng để khí O khỏi xì ra, tránh cho đơn vị một đợt rải thảm của máy bay B-52. Mặc cho hai người loay hoay đắp đi, đắp lại, khí O từ trong quả đạn tên lửa vẫn xì mạnh. Không chậm trễ, Nguyễn Văn Sồi vội nằm ép mình lên lỗ thủng để đồng chí Sinh tiếp tục nhồi đất, chấp nhận thân thể bị nhiễm độc khí O.

Khi lỗ thủng trên quả đạn được thân thể người khẩu đội trưởng bịt kín cũng là lúc chiếc AC.130 bay hết chu kỳ hình e-líp của nó và đã bay vòng lại. “Máy bay AC.130 được trang bị các hệ thống: Tiếp nhận tín hiệu trinh sát từ mặt đất, phát hiện rất nhạy các tia lửa điện phát ra từ nến đánh lửa của xe ô tô, máy nổ; quan sát mục tiêu bằng thiết bị truyền hình, thiết bị hồng ngoại khuyếch đại ánh sáng mờ mục tiêu trong đêm, hệ thống máy tính điện tử bù tốc độ để xạ kích chính xác, nên đã bắn là ít khi trượt”-Đại tá Nguyễn Lành nhấn mạnh tình huống nguy hiểm mà Khẩu đội trưởng Nguyễn Văn Sồi đang gặp phải. Tuy nhiên, biết địch đang ở trên đầu, anh vẫn không rời khỏi đạn để tìm chỗ ẩn nấp. Địch từ trên máy bay lập tức xả súng máy bắn cháy cả xe và người. Sự hy sinh anh dũng của đồng chí Sồi đã giúp đơn vị chúng tôi tránh khỏi một trận rải thảm của máy bay B-52.

Người khẩu đội trưởng kiên cường ấy không cùng đồng đội đi hết chặng đường chiến đấu trên đất bạn, nhưng sự hy sinh của anh luôn có một vị trí xứng đáng trong chiến công bắn rơi máy bay AC.130, góp phẩn giải tỏa Tuyến đường 559 của Tiểu đoàn tên lửa 67 diễn ra vào ngày 29-3-1972. Hằng năm, cứ đến “mùa tri ân tháng Bảy”, những người trở về từ cuộc chiến tranh vệ quốc lại nhắc đến anh trong niềm tiếc thương và kính trọng.

Bài và ảnh: NGUYỄN SỸ LONG