QĐND - 16 tuổi, tại Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi ở Đà Lạt của địch, Mai Thanh Minh (tức Mai Bốn), giờ là Anh hùng LLVT nhân dân, thương binh hạng ¾, hiện ở tổ 10, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng được đồng đội phong là “Dũng sĩ mổ bụng”, “Dũng sĩ diệt ác ôn”. Tôi được Anh hùng LLVT nhân dân Mai Thanh Minh kể về lịch sử ra đời những biệt danh ấy khi ông xuống Đà Nẵng dự hội nghị biểu dương người có công với cách mạng. 
Sinh ra tại Đà Nẵng, 13 tuổi, ông làm liên lạc cho Đại đội CK3 T89 đặc công tỉnh Quảng Đà. Ngày 20-2-1969, ông được tổ chức giao nhiệm vụ cùng với 2 đồng chí bí mật đánh vào Kho đạn quận 3 - Đà Nẵng. Kế hoạch bị lộ, ông bị địch bắt và hành trình tù tội cũng bắt đầu từ đó.

Địch đưa ông ra Côn Đảo. Và chính nơi “Địa ngục trần gian” này, cậu bé Minh (khi ấy mới 15 tuổi) được các anh, các chú đi trước giáo dục ý chí của người chiến sĩ cách mạng. Tại đây, cậu bé Minh cùng các anh, các chú trong tù tẩy chay việc chào cờ 3 que của ngụy, chống lại các chế độ khắt khe của nhà tù.

Anh hùng LLVT nhân dân Mai Thanh Minh giao lưu cùng cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông. Ảnh: MINH THẮNG

Đầu năm 1970, địch đưa cậu bé Mai Thanh Minh từ Côn Đảo về nhà giam Chí Hòa, ít tháng sau đưa vào Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt (thực chất là một trại giam, nơi có khoảng 600 tù nhân tuổi đời chỉ từ 12 đến 17). Trong tù, để dằn mặt những tên cai ngục khét tiếng, tổ chức phân công cho Minh cùng 4 người khác tìm cách tiêu diệt tên Cương để cảnh cáo những tên cai ngục khác. Kế hoạch được xây dựng chi tiết nên Minh cùng đồng đội thực hiện thành công, gây được tiếng vang lớn. Sau vụ ám sát ấy, nhiều tên cai ngục có phần “nể mặt” nhưng các hình phạt tra tấn vẫn diễn ra. Có lần Mai Thanh Minh chỉ tay thẳng vào mặt một tên cai ngục nói: "Ở đây có hàng trăm người sẵn sàng giết mày như chúng tao đã giết thằng Cương". Kể từ đó, những tên tay sai mới bớt đi sự hung hăng, dã man; còn nhóm hành động được anh em trong tù phong là “dũng sĩ diệt ác ôn”. 

“Việc tiêu diệt tên Cương cùng lắm cũng chỉ dằn mặt được những tên cai ngục, còn nếu muốn cải thiện chế độ trong nhà tù, cần những hành động mạnh hơn. Chúng tôi bàn bạc và quyết định, cần có người hy sinh, với hình thức… mổ bụng để phản đối cuộc đàn áp đẫm máu của kẻ địch. Thế là có 9 người xung phong, 5 người được chọn, trong đó có tôi” - ông Mai Thanh Minh nhớ lại. 5 người được chọn dùng những chiếc dao lam để tự mổ bụng mình. Hành động ấy của những chiến sĩ cộng sản nhỏ tuổi khiến một tên trung úy ngụy phải lấy tô nhựa úp bụng các anh lại, sau đó băng bó và đưa đi bệnh viện…

Giờ đây, trở về với cuộc sống đời thường, mỗi khi có dịp giao lưu với các cháu học sinh, Anh hùng Mai Thanh Minh vẫn thường kể lại cuộc đời hoạt động cách mạng của mình và đồng đội, xem như một cách trải lòng với thế hệ trẻ hôm nay.

Lê Duy