Bài III: Vang danh Vĩnh Định
QĐND - Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) được thành lập ngày 22-1-1946; đã lập nhiều chiến công lừng lẫy trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; hai lần được Bác Hồ khen, tặng danh hiệu: "Trung đoàn Quyết thắng" và "Trung đoàn dũng cảm, đánh hăng".
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn 320 được tách làm 2 khung sư đoàn, gồm Sư đoàn 320A và Sư đoàn 320B. Trung đoàn 64 thuộc Sư đoàn 320B, có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ để chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ tháng 1-1972, sau mấy tháng nhận quân, huấn luyện ở Thanh Hóa, Nghệ An, đơn vị hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Những ngày tháng gian khổ, hiểm nguy cùng những chiến công đang chờ Trung đoàn...
Ngày 1-5-1972, toàn bộ tỉnh Quảng Trị, vị trí đầu cầu chiến lược được giải phóng. Không chịu nổi sự thất bại, ê chề và nhằm cứu vãn tình thế ở Hội nghị Pa-ri, ngụy quyền Sài Gòn tập trung binh lực, được hậu thuẫn tối đa của vũ khí hiện đại và cố vấn Mỹ, hòng tái chiếm Quảng Trị. Cuộc chiến khốc liệt, giành giật từng mét đất diễn ra trong 81 ngày đêm, không chỉ xảy ra ở Thành cổ và thị xã mà trên toàn tỉnh Quảng Trị, từ cánh Đông, duyên hải đến cánh Tây, rừng núi.
Trung đoàn 64 đứng chân ở đồng bằng ven biển, phía bắc huyện Hải Lăng và phía đông nam huyện Triệu Phong thuộc mặt trận cánh Đông. Địa hình tác chiến chủ yếu nằm dọc sông Vĩnh Định, một nhánh của sông Thạch Hãn. Vì thế mà Trung đoàn 64 còn gọi là Trung đoàn Vĩnh Định.
 |
Chiến sĩ trẻ trong Thành Cổ. Ảnh: Đoàn Công Tính. |
Đêm 27-6-1972, Tiểu đoàn 9, do đồng chí Lê Triệu làm Tiểu đoàn trưởng, là đơn vị chủ công của trung đoàn, được tăng cường hai đại đội thiếu, vượt qua "bức tường lửa" của bom B52, pháo hạm và pháo mặt đất, vào chốt ở hai thôn Đồng Dương, Diên Khánh. Sáng sớm 28-6, 3 tiểu đoàn thủy quân lục chiến cùng ba chi đoàn tăng thiết giáp của địch, được phi pháo dọn đường, máy bay lên thẳng yểm trợ, chia làm hai mũi, tạo gọng kìm, tấn công hai thôn trên. Vào 8 giờ cùng ngày, đơn vị nổ súng, mở màn cuộc chiến đấu của Trung đoàn 64.
Tại mũi 1, chính diện, các chiến sĩ đương đầu với hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ và hai chi đoàn xe tăng. Khi địch cách 300m thì khẩu ĐKZ của Đại đội 11 khai hỏa, phát đạn đầu thiêu cháy một chiếc xe tăng. Đạn B40, B41, AK nhất loạt chụp xuống đội hình địch, diệt nhiều tên. Cùng lúc, trận địa 12,7mm của Đại đội 12, do khẩu đội trưởng Vũ Thanh Bình chỉ huy, cũng bắn trúng một chiếc trực thăng khiến nó lao xuống cát bốc cháy. Xác địch nằm ngổn ngang trước trận địa.
Ở mũi thứ hai, một tiểu đoàn thủy quân lục chiến, có xe tăng đi cùng phối hợp với lực lượng đổ bộ từ phía bờ biển, đánh vào phía đông trận địa của ta. Ở hướng này, kẻ thù vô cùng xảo quyệt và hèn hạ. Chúng đã đẩy hàng trăm phụ nữ, trẻ em, người già đi trước để làm bia đỡ đạn. Trước tình huống phức tạp này, một câu hỏi đặt ra, làm thế nào để đánh được địch mà vẫn bảo đảm được tính mạng cho dân. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, được đơn vị giao chỉ huy một tổ, thực hiện kế hoạch cứu dân.
Mặc cho kẻ thù bắn như vãi đạn, cả tổ vẫn trườn trên bãi cát trống trải, tiếp cận đông đảo bà con đang bị chúng xua lên phía trước. Khi các chiến sĩ ở khoảng cách rất gần, Bình liền bắn loạt đạn chỉ thiên rồi hô to cho nhân dân nằm rạp xuống. Thấy địch lộ mặt ra, không còn được che chắn, tổ bắn mấy loạt đạn, vừa bắn vừa lui để dụ chúng đuổi theo, nhằm tách xa địch với quần chúng nhân dân. Địch hí hửng, xua quân lên hòng bắt sống "mấy tên Việt cộng" to gan. Thế là, chúng dẫn xác vào trận địa phục kích của ta.
Đại đội trưởng Nguyễn Văn Bốn phát lệnh nổ súng. Từ các công sự, đạn AK, đại liên, trung liên, B40, B41, nổ giòn giã, xé nát đội hình địch. Ta tiêu diệt ngay tên chỉ huy và tên mang máy thông tin PRC-25 cùng hàng trăm tên khác. Số sống sót, bỏ chạy tán loạn.
Bị đánh bật ở cả hai mũi, giặc gọi máy bay và pháo binh, đánh phá suốt nhiều giờ rồi mở đợt tấn công mới. Trong một ngày, với 3 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, 2 chi đoàn tăng thiết giáp, 20 máy bay lên thẳng cùng sự chi viện tối đa của không quân và pháo binh, địch mở tới 6 đợt tấn công nhưng vẫn không chiếm nổi Đồng Dương và Diên Khánh. Ngay trận đầu ra quân, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 64 đã phát huy truyền thống "Trung đoàn Quyết thắng", "Dũng cảm đánh hăng", chiến đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
 |
Tượng đài Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Việt Cường. |
Ngày 18-7-1972, diễn ra trận đánh vào nhà thờ Trí Bưu, ở phía sau bờ sông Thạch Hãn, cách Thành cổ Quảng Trị khoảng 1km. Đây là một hang ổ của địch, như một thách thức với ta. Trong nhà thờ, có ngụy quân và dân. Nếu diệt địch thì sẽ làm thương vong cả dân. Do đó, ta phải dùng loa kêu gọi nhiều lần để giãn dân, bảo vệ bà con, ít đổ xương máu. Song giặc vẫn ngoan cố, tử thủ đến cùng. Nhiều lần, các đơn vị của Trung đoàn, thay nhau đánh vào nhà thờ, đều vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của chúng.
Tối 18-7-1972, Tiểu đoàn 9 xung trận. Màn đêm xuống, các mũi, các hướng đã bố trí sẵn sàng. Chiến sĩ giữ B40, Đại đội 10, Bùi Duy Dân đi theo mũi do Tiểu đoàn phó Kiều Ngọc Luân dẫn đầu. Lúc này, trên trời giặc thả pháo sáng, máy bay lượn vè vè. Dưới đất, đạn cối, pháo tầm xa của chúng bắn liên tục như giã giò. Mũi của Luân vấp phải ổ trung liên từ phía cửa sổ tầng 2 của nhà thờ bắn ra rát mặt, không tiến lên được. Dân ẩn mình dưới một hố bom, tìm mục tiêu và được lệnh bóp cò. Đạn B40 bay đi, để lại phía sau một vệt sáng và khói mù. Ổ đề kháng súng trung liên của địch câm bặt. Bắn xong, Bùi Duy Dân lao xuống hào, lập tức, mấy quả cối cá nhân của giặc bắn tới nổ ngay cạnh làm anh bị thương vào thái dương, máu ra nhiều. Đồng đội kịp thời băng bó và đưa Dân về tuyến sau. Tại trận này, anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba vì đã góp phần cùng đơn vị, chiếm được nhà thờ Trí Bưu.
Noi gương Tiểu đoàn 9, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8, cũng ra sức đánh giặc, lập công. Thời điểm Trung đoàn 64 bắt đầu nổ súng chiến đấu đúng vào lúc địch mở cuộc hành quân Lam Sơn 72, hòng tái chiếm Quảng Trị. Các tiểu đoàn đã kiên cường bám trụ, quyết chiến quyết thắng, đánh 230 trận, diệt hơn 5.000 tên, bắn cháy 70 xe tăng, thiết giáp và xe quân sự, bắn rơi 49 máy bay. Những trận đánh của Trung đoàn như: Đồng Dương, Diên Khánh, nhà thờ Trí Bưu, Bích La Đông, Thành Cổ, Phương Lạng Đông, chốt thép Long Quang, cảng Cửa Việt... đã góp phần làm nên trang sử vẻ vang, chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Trong số những đơn vị, cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, có tên Trung đoàn 64 - Trung đoàn Vĩnh Định và Anh hùng liệt sĩ Kiều Ngọc Luân.
Anh Luân là trợ lý tác chiến của tiểu đoàn. Trong trận chốt giữ làng Linh Chiểu, Tiểu đoàn trưởng Lê Triệu điều Đại đội 10 (thay thế Đại đội 11), đương đầu với một tiểu đoàn và 10 xe tăng địch, có pháo binh và trực thăng vũ trang chi viện. Giặc chia làm 3 mũi, ào ạt tấn công vào chốt. Kiều Ngọc Luân dũng cảm dùng súng AK, chờ địch đến gần, chỉ cách dăm, bảy mét mới bắn. Anh phát hiện ở gò cát, chân điểm cao 16, có ụ súng đại liên đang bắn cấp tập về phía ta. Luân nhanh chóng tìm cách tiếp cận rồi tiêu diệt tên lính và chiếm luôn được khẩu đại liên, quay nòng, bắn mãnh liệt vào sườn đội hình giặc. Chúng bất ngờ và kinh hoàng, xác địch nằm la liệt. Sau hai ngày chiến đấu quyết liệt, đơn vị diệt gần 300 tên; trận địa vẫn giữ vững. Trận này, Tiểu đoàn 9 giành thắng lợi lớn nhất. Kiều Ngọc Luân đạt thành tích cao trong chiến đấu, được trên đề bạt giữ chức Tiểu đoàn phó. Anh đã 13 lần đạt danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ.
Trung tuần tháng 8-1972, Kiều Ngọc Luân được lệnh ra ngoài Cửa Tùng, gặp các nhà báo để kể về tình hình chiến đấu của bản thân và đơn vị. Song thật không may, Luân chưa kịp lên đường thì trận đánh nhà thờ Trí Bưu xảy ra. Sau tiếng súng báo hiệu, các đại đội cùng khẩu đội ĐKZ do anh chỉ huy đồng loạt nhả đạn vào các mục tiêu định trước. Kẻ thù chống cự mãnh liệt và Kiều Ngọc Luân đã anh dũng hy sinh.
Như vậy là, khi hành quân vào chiến trường Quảng Trị, Trung đoàn 64 có hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ. Quá trình tham gia chiến đấu, bổ sung quân nhiều đợt, sau chiến dịch, đơn vị có 600 đồng chí hy sinh; 1.700 đồng chí bị thương. Khúc tráng ca Quảng Trị được viết bằng máu của cả một thế hệ tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, trong đó có sự cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 64 - Trung đoàn Vĩnh Định, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, còn vang danh mãi trong lòng người dân yêu nước Việt Nam.
--------------
Bài I: Khí phách kỳ diệu
Bài II: Người anh hùng và trận đánh huyền thoại
Ghi chép của CHI PHAN