Bài II: Người anh hùng và trận đánh huyền thoại
QĐND - Đường về xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, đã láng nhựa nhẵn thín. Xã có 16 xóm với gần 2.800 hộ. Nhà xây kiên cố đã chiếm hơn 90%. Sản lượng bình quân đầu người đã đạt 1000kg thóc/năm. Khung cảnh yên bình, no ấm đang bao trùm lên Quỳnh Hoàng.
Nhân dân địa phương cũng như tuổi trẻ ở đây không bao giờ quên nỗi vất vả gian khổ, sự hy sinh xương máu của cha, anh trong các cuộc chiến đấu chống giặc, cứu nước. Với miền Nam, Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Hoàng luôn thực hiện khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Một số gia đình có hai đến ba con nhập ngũ và đều trở thành liệt sĩ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, hơn 1.200 con em của xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình lên đường bảo vệ Tổ quốc, trong đó có 167 là liệt sĩ. Đặc biệt, trong một con ngõ nhỏ, dài khoảng 300 mét, nối liền hai thôn An Trực và Đồng Trực của xã Quỳnh Hoàng, đã xuất hiện 3 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đó là: Nguyễn Thế Thao, Nguyễn Công Dị (tức Hồng Quân) và Nguyễn Hồng Thế. Chuyện này xưa nay thật hiếm có.
Anh hùng Nguyễn Thế Thao sinh năm 1944, dân tộc Kinh. Sau hai năm trong quân ngũ, tháng 3-1964, anh chuyển ra công tác tại Khu gang thép Thái Nguyên. Tháng 6-1967, Thao tái ngũ, cùng đơn vị sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào.
 |
Bộ đội chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị. Ảnh tư liệu. |
... Đầu tháng 3-1972, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào, đơn vị chuyển về nước, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Sau một thời gian nghỉ ở Nghệ An, với cương vị Tiểu đoàn trưởng, Nguyễn Thế Thao đã cùng đồng đội góp phần viết nên trang chiến sử huyền thoại trong những ngày hè rực lửa ở Quảng Trị. Trận đánh của đơn vị làm kẻ thù bị bất ngờ, khiếp đảm, kinh hoàng là trận Đồi Cháy.
Điểm cao này nằm ở phía đông nam làng Như Lệ, xã Hải Lệ, huyện Hải Lăng, đã bị địch đốt cháy trụi, do một đơn vị lính thủy đánh bộ ngụy chiếm giữ. Chúng rất huênh hoang, cho đây là cứ điểm bất khả xâm phạm. Tại đây, chúng cho xây dựng nhiều lô cốt, được bao bọc bởi nhiều hàng rào thép gai xen với các bãi mìn. Địch gọi Đồi Cháy là "con mắt của thị xã Quảng Trị", đồng thời chọn nơi này làm bàn đạp, lấn dũi các địa bàn giải phóng khác. Hơn nữa, từ đây, chúng có thể phát hiện và ngăn chặn lực lượng, phương tiện, hàng hóa của ta từ Bắc vào thị xã Quảng Trị.
Trước đó, đơn vị bạn đã tiến công Đồi Cháy 3 lần nhưng không diệt được cứ điểm trên. Với Tiểu đoàn 6, Bộ chỉ huy Mặt trận B5 giao: "Trong hai ngày, phải giải quyết xong Đồi Cháy". Mọi người ý thức được rằng, trận này cầm chắc sự ác liệt, hy sinh. Nhưng không ai tỏ ra lo sợ. Trong đầu họ chỉ có một suy nghĩ, đó là làm thế nào để bảo đảm bí mật, bất ngờ, chắc thắng?
Sau khi đi trinh sát trận địa, một phương án táo bạo, độc đáo được Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thế Thao cùng Ban chỉ huy tiểu đoàn vạch ra: Thay vì đánh địch vào lúc nửa đêm, gần sáng như phương án của đơn vị bạn trước đây đã thực hiện, Tiểu đoàn 6 sẽ đánh địch từ khoảng 17 giờ trở đi. Đây là thời điểm chúng lơ là, mất cảnh giác nhất. Ngày 8-9-1972, đơn vị bí mật đưa 300 quân của 3 Đại đội 9, 10, 11 áp sát Đồi Cháy và chỉ cách địch khoảng 70 mét. Việc giấu quân ở cự ly này là rất thích hợp bởi vừa tiện cho xung phong tiêu diệt mục tiêu, vừa tránh được hỏa lực sát thương bằng pháo binh và không quân của địch.
Cán bộ, chiến sĩ của 3 đại đội đã vùi mình trong cát gần một ngày trời: Nhịn đói, nhịn khát, không dám ho... Chỉ một sơ suất nhỏ thì địch sẽ phát hiện được ngay và gây thương vong cho tiểu đoàn. Đến 3 giờ chiều, máy bay của chúng nhiều lần đến giội bom quanh Đồi Cháy nhưng quân ta vẫn an toàn vì ở rất gần địch.
 |
Bộ đội chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị. Ảnh tư liệu. |
Đúng 17 giờ 25 phút ngày hôm sau, lợi dụng lúc bọn địch đang nấu cơm chiều, sau những loạt hỏa lực phủ đầu, các chiến sĩ từ trong lòng đất, nhất tề bật lên như trận gió lốc. Tiếng hô xung phong vang động một vùng. Súng B41 nhả đạn. Các khẩu AK nhả đạn. Hàng loạt lựu đạn tới tấp quăng về phía địch. Kẻ thù bị tấn công bất ngờ nên rất hoảng loạn. Tuy nhiên, sau ít phút choáng váng, chúng bắt đầu phản công. Mũi đột kích của Đại đội 9 nhanh chóng chọc thủng tuyến phòng thủ vòng ngoài song bị chững lại ở lưng đồi, vì pháo của địch trùm lên Đồi Cháy. Từ trên cao, một ổ 12,8mm quét chéo xuống sườn đồi khiến quân ta không tiến lên được. Trước tình huống phức tạp, ác liệt, Hoàng Đăng Miện trườn lên, tìm vị trí thuận lợi, rồi bỗng đột nhiên đứng vụt dậy, giương khẩu B41, bóp cò! Sau tiếng nổ đanh, ổ 12,8mm của địch câm bặt (nếu nằm bắn, đạn sẽ vọt qua mục tiêu, không tiêu diệt được chúng). Các chiến sĩ tiếp tục tràn lên tiêu diệt kẻ thù. Miện đang lắp tiếp vào đầu súng quả đạn mới thì một vầng sáng chớp lóe trước mặt anh. Hoàng Đăng Miện đã anh dũng hy sinh.
Sau hai lần xung phong, đến 19 giờ ngày 9-9-1972, toàn bộ 160 tên địch bị tiêu diệt. Ta làm chủ hoàn toàn Đồi Cháy. Do có cách đánh bí mật, bất ngờ, táo bạo của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thế Thao và đồng đội, "con mắt của thị xã Quảng Trị" như tướng ngụy Bùi Thế Lân thường rêu rao ở Đồi Cháy, đã bị "chọc mù".
Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong trận này, Nguyễn Thế Thao và liệt sĩ Hoàng Đăng Miện, người bị thương trong cả hai lần xung phong, vẫn xông lên tiêu diệt địch, được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 23-9-1973. Như vậy là, trong trận Đồi Cháy, Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 có hai cán bộ, chiến sĩ được phong tặng Anh hùng; mang lại niềm tự hào lớn cho đơn vị.
Về với đời thường, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Thế Thao, hiện ở số nhà 194, đường Hoàng Văn Thái, Hà Nội. Đận đầu năm 2012, tôi đã gặp anh tại Hội nghị thành lập Ban tổ chức kỷ niệm 40 năm Chiến dịch Quảng Trị (1972-2012) ở Hội trường Bảo tàng Phòng không - Không quân. Nguyễn Thế Thao là Trưởng ban tổ chức Lễ kỷ niệm lớn này. Trước các đồng chí, đồng đội, anh xúc động nói: "...Cách đây 40 năm, Chiến dịch mùa hè năm 1972 và Chiến dịch phòng ngự Quảng Trị 1972 là chiến dịch kéo dài nhất, ác liệt nhất, mật độ bom đạn cao nhất. Từ mặt trận Quảng Trị đến trận "Điện Biên Phủ trên không" và Hội nghị Pari là bản Anh hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, mà thắng lợi đó đã mở toang khu giới tuyến, cánh cửa ngăn cách hai miền Nam - Bắc, tạo ra cục diện mới rất thuận lợi cho chiến dịch toàn thắng mùa xuân năm 1975.
Thắng lợi huy hoàng nhưng cũng có nhiều hy sinh, tổn thất: Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường. Đau thương thật là vô hạn. Đã 40 năm qua rồi mà cảnh tượng bi hùng ấy ngỡ như ngày hôm qua. Những cảm xúc luôn đau đáu trong lòng khiến ai nấy còn sống trở về càng gần gũi, giúp đỡ nhau hơn trong cuộc sống đời thường. Hơn nữa, nhiều vấn đề tồn đọng sau chiến tranh cần được giải quyết như việc quy tập hài cốt liệt sĩ, chăm lo các gia đình chính sách còn gặp khó khăn, thiếu thốn.
Xuất phát từ những suy nghĩ đó, Ban tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến dịch Quảng Trị được thành lập và bắt đầu hoạt động...".
Cùng ở trong Ban chỉ đạo và Ban tổ chức Lễ kỷ niệm trên, tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với Đại tá Nguyễn Thế Thao. Nhỏ nhẹ, khiêm nhường, không ồn ào mà thầm lặng, sâu sắc là bản tính của anh. Qua tâm sự, Thao cho biết: Trong trận tập kích sân bay Thầm Lửng ở Lào, như trên đã nói, anh bị thương nặng. Song không hiểu sao, bản thân vẫn còn sống. Thật kỳ lạ. Thao bị ngất nhiều lần và khi tỉnh lại, sờ vào đâu trên cơ thể cũng có máu. Cảm giác đầu tiên là khát. Anh quờ quạng xung quanh chẳng có gì uống được; thoáng nghĩ, phải cố bò về hang đá, chỗ sở chỉ huy đơn vị. Thao vừa thở vừa lê lết trên đất đá lởm chởm, khét mùi thuốc súng. Anh bò tới cửa hang thì đồng đội phát hiện được, vội dìu anh vào. Thao lại ngất xỉu...
Điều trị lành vết thương, Thao tiếp tục trở về đơn vị chiến đấu. Từ Tiểu đoàn trưởng, anh lần lượt được đề bạt lên làm Trung đoàn phó, Trung đoàn trưởng rồi Lữ đoàn trưởng, Sư đoàn phó. Hòa bình lập lại, Nguyễn Thế Thao về Hà Nội giám định sức khỏe mới biết, mảnh đạn M79 quái ác của địch đã xuyên từ vai trái, thấu phổi của anh. Mảnh đạn đó vẫn găm ở đỉnh phổi trái và không thể mổ để lấy ra được vì đúng chỗ động mạch phổi. Gần 40 năm qua, những lúc thời tiết thay đổi, Thao phải ôm ngực, đau đớn, mồ hôi vã ra, hai mắt tối sầm. Vết thương khiến anh trở thành thương binh nặng với tỷ lệ thương tật tới 81%.
Đại tá Nguyễn Thế Thao tiếp tục tâm sự với tôi. Anh rủ rỉ, hóm hỉnh nói về "thời hiện tại" của mình:
- Tôi bị thương thế này, tưởng "ế" rồi kia đấy! Nhưng may "ông giời" thương, đến năm 1982, khi gần 40 tuổi vẫn lấy được vợ. Bà xã lại là bác sĩ cơ đấy, cùng quê Quỳnh Phụ, Thái Bình. May hơn nữa là chúng tôi sinh được hai cháu, đủ cả "nếp", "tẻ" và đều đã tốt nghiệp đại học.
Những năm cuối thời kỳ bao cấp, cuộc sống của hai vợ chồng vất vả lắm. Lúc đầu, nhà cửa chưa có, vợ con phải đi trú nhờ Trạm khách 354 của quân đội, rồi ra ở cái "tổ tò vò" cạnh đường Điện Biên Phủ. Khi ấy tôi luôn nghĩ đồng đội, nhiều người cũng còn khó khăn, không lẽ bản thân mang cái "danh hiệu Anh hùng", cái "máu thương binh" ra để đòi hỏi chăng? Thôi thì, anh em sống được, mình cũng sống được. Mãi sau này, hồi ở Lữ đoàn 144, đơn vị lấp mấy cái ao rau muống, chia cho mỗi cán bộ mấy chục mét vuông, mình mới có chỗ "an cư". Được cái vợ tôi có việc làm ổn định ở Bệnh viện Thanh Nhàn, hai cháu ngoan hiền, sau khi tốt nghiệp đại học đều đã có việc làm, trong đó cháu thứ hai cũng theo bố mang nghiệp nhà binh (cháu thứ hai nhà anh Thao đã tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự).
Tôi thành thật chúc mừng Đại tá Nguyễn Thế Thao. Quả nhiên anh có được "cái kết có hậu". Nguyễn Thế Thao vì giữ "chức" Phó ban liên lạc Sư đoàn 312 nên đã cùng đồng đội làm nhiều việc như: Tổ chức thăm hỏi đồng đội lúc ốm đau, giúp đồng đội làm kinh tế, hoàn tất hồ sơ cho hơn hai chục cán bộ, chiến sĩ bị thương ở chiến trường, làm thủ tục công nhận thương binh, dẫn các đoàn đại biểu thăm lại chiến trường xưa và viếng những Nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị...
Những công việc ấy giúp Đại tá, Anh hùng Nguyễn Thế Thao luôn được gần gũi đồng đội, tri ân đồng đội, những người đã ngã xuống trong những trận đánh huyền thoại để đất nước mãi mãi trường tồn.
-----------------
Bài 1: Khí phách kỳ diệu
Bài 3: Vang danh Vĩnh Định
Ghi chép của CHI PHAN