Đang trong tiết thu, bờ lau bãi sậy phất phơ, sông nước lững lờ như thì thào kể chuyện. Hơn 70 năm trước, cũng tại nơi này, pháo đài Xuân Canh cùng với hai pháo đài Láng, Xuân Tảo đã nã đạn xuống đầu giặc ở nội đô Hà Nội, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Ảnh: Báo QĐND 

Trên sườn đê hanh nắng, thơm mùi cỏ mật, tôi được chiêm ngưỡng khẩu pháo 75mm gác mình trên bệ gạch là vật chứng của những ngày tháng lịch sử gian lao mà anh dũng. Tìm hiểu những thông tin khắc trên bia lưu niệm cùng lời kể của người dân địa phương, tôi được biết nhiều câu chuyện lịch sử trên mảnh đất Xuân Canh. Vào tháng 4-1946, đồng chí Lê Đình Thiệp, Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Đông Anh giao nhiệm vụ cho xã Đạt Tam (tên của xã Xuân Canh lúc đó) phối hợp với bộ đội xây dựng pháo đài ở làng Vân Hoạch để bảo vệ Thủ đô. Từ đây, pháo có thể khống chế khu vực ngã ba sông, bắn vào thành Hà Nội, sân bay Gia Lâm.

Giữa cái năm đói quắt queo ấy, lòng dân Xuân Canh ủng hộ cách mạng như nước triều dâng. Nhiều gia đình đã góp công góp của để xây trận địa. Ðêm, bờ bãi sông Hồng lặng thinh mà sục sôi kháng chiến. Khẩu pháo được bí mật đưa sang bến Xuân Canh. Pháo về trận địa, nhân dân phấn khởi như đón voi về rừng. Rồi đây những tiếng “voi gầm” sẽ rền vang bến sông, nã đạn vào đầu thù.

Xung quanh trận địa pháo có nhiều câu chuyện được kể lại. Ấy là chuyện pháo đài Xuân Canh được giao nhiệm vụ bắn chế áp sân bay Gia Lâm. Đài chỉ huy pháo nằm cách trận địa vài ki-lô-mét, không có máy thông tin chỉ huy, bà con đã dải dọc triền đê truyền khẩu lệnh bắn. Cứ thế, những loạt đạn nã trúng sân bay Gia Lâm. Trời đất gầm gào, bụi mù khói lửa. Phát hiện ra trận địa pháo ở cạnh bờ sông, địch dùng thủy quân tấn công. Trước tình huống đó, ta di chuyển pháo lên mặt đê, hướng nòng xuống sông bắn bằng góc tà âm hai phát nổ sát đuôi tàu. Địch thất kinh. Tàu nhả khói tháo chạy. Đây là chiến thắng của chí quân lòng dân, tạo nên nét độc đáo trong nghệ thuật sử dụng pháo địch đánh địch.

Qua một thời đạn bom. Bờ bãi ven đê đã liền thớ đất. Đứng ở nơi đây, tôi nghe được tiếng chuông chùa điểm nhịp thay tiếng pháo rền vang năm xưa. Pháo đài Xuân Canh đã trở thành chứng tích lịch sử, được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Đã có những người ngã xuống nơi ngã ba sông để nối những nhịp cầu chiến thắng, để ngày vui bộ đội trở về tiếp quản Thủ đô. Trải bao thăng trầm, pháo đài Xuân Canh vẫn hiện hữu và đồng hành với quân và dân Thủ đô dựng xây Hà Nội xứng danh thành phố vì hòa bình.

THƯ NGỌC