Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (sau đây gọi là Nghị quyết số 33-NQ/TW), quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh BĐBP, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) thống nhất về sự cần thiết nâng Pháp lệnh BĐBP (ban hành năm 1997) lên thành Luật Biên phòng Việt Nam. Đại biểu phân tích, hiện nay, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trong đó có Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đặc biệt, Bộ Chính trị khóa XII cũng đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia. Tuy nhiên, việc quản lý, xây dựng biên giới quốc gia chưa được thể chế thành các văn bản pháp luật hiện hành, do đó, trong quá trình thực hiện còn một số vướng mắc, bất cập. 

Các đại biểu thảo luận tại tổ sáng 16-6. 

Cùng với đó, đại biểu cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của biên giới quốc gia. Biên giới quốc gia của nước ta dài hơn 5.000km là đường biên giới đất liền, cùng hơn 3.200km là đường bờ biển. Để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là vấn đề an ninh chính trị trên thế giới, khu vực, vấn đề di dịch cư, việc xây dựng cơ sở và vấn đề an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới, cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam. “Thời gian qua, khi xảy ra đại dịch Covid-19, lực lượng Biên phòng cùng với các lực lượng chức năng khác trên khu vực cửa khẩu, biên giới đã phải căng mình để kiểm soát dịch bệnh, góp phần bảo đảm cho nhiệm vụ phòng, chống dịch”, đại biểu dẫn chứng. 

Ngoài ra, theo đại biểu, qua tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP, tất cả các tỉnh, thành đều có văn bản đề nghị Chính phủ nâng pháp lệnh lên thành luật. Cùng với đó, thực tiễn hơn 60 năm qua, BĐBP đã và đang áp dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác biên phòng trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, hiện nay các nội dung trên chưa được quy định trong Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh BĐBP và các văn bản pháp luật liên quan, do đó cần thiết phải nâng lên thành luật, bảo đảm cho lực lượng Biên phòng thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới. 

BĐBP là nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia

Về nhiệm vụ chuyên trách, nòng cốt bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) nhấn mạnh thêm, BĐBP đã thực thi các nhiệm vụ này một cách có hiệu quả, được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, nhân dân cả nước đánh giá cao. BĐBP là nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm vi phạm an ninh quốc gia, đặc biệt tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại; xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng biên giới, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân. Đặc biệt, trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ bình thường mới, thì BĐBP vẫn duy trì hàng nghìn tổ, chốt phòng, chống dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực; cán bộ, chiến sĩ BĐBP có những hy sinh to lớn, ngăn chặn có hiệu quả dịch lây lan qua biên giới; tuyên truyền cho đồng bào phòng, chống dịch Covid-19...

Ngoài ra, đại biểu Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho rằng, trong những năm qua, BĐBP đã gắn bó mật thiết với nhân dân, giúp đồng bào biên giới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; tham gia xây dựng phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới, củng cố cơ sở chính trị. Đặc biệt, BĐBP đã có nhiều mô hình, chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: “Thầy giáo mang quân hàm xanh”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”; cán bộ BĐBP tăng cường tham gia cấp ủy các xã; thực hiện các dự án xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào; tham gia, hỗ trợ chính quyền củng cố cơ sở chính trị, xây dựng nông thôn mới... Những việc làm này đã tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần nâng cao lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên biên giới, bảo vệ vững chắc “phên dậu” của Tổ quốc.

Đại biểu Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên-Huế) phát biểu ý kiến. 

Về quy định lực lượng BĐBP thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu, các ý kiến đều nhấn mạnh, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đã quy định rõ BĐBP chỉ kiểm tra người và phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm. Mặt khác, BĐBP là lực lượng vũ trang, toàn bộ phạm vi biên giới do BĐBP đảm nhận quản lý, nên quy định như vậy là hợp lý, không có sự chồng chéo nhiệm vụ, hay BĐBP làm thay nhiệm vụ của Hải quan. 

“Thực tế trong thời gian qua, BĐBP đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát khi phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm một cách hiệu quả, phát hiện nhiều vụ vận chuyển pháo nổ, ma túy, vũ khí qua biên giới. Ngoài ra, BĐBP đã phối hợp với các lực lượng tại cửa khẩu đấu tranh thành công nhiều chuyên án vận chuyển ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại qua cửa khẩu...”, đại biểu Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên-Huế) cho biết.

PHƯƠNG HẰNG