Dự lễ có các đồng chí: Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Năng Nguyễn, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng; Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; lãnh đạo Quân đoàn 4 qua các thời kỳ; các đồng chí tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ cùng đại biểu nhiều cơ quan, đơn vị quân đội khu vực phía Nam và đại diện gia đình cố Thượng tướng Hoàng Cầm.
 |
Các đại biểu tham dự buổi lễ. |
Báo cáo tại buổi lễ nêu rõ, Quân đoàn 4 được thành lập ngày 20-7-1974, trực tiếp mở chiến dịch ở Đường số 14 - Phước Long. Bằng cách đánh linh hoạt, mưu trí, sáng tạo và dũng cảm, quân đoàn đã giành thắng lợi trong chiến dịch Đường số 14 - Phước Long, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long. Đây là thắng lợi có ý nghĩa quan trọng, là đòn trinh sát chiến lược giúp Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đưa ra quyết định chính xác, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong năm 1975.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân đoàn đập tan “Cánh cửa thép” Xuân Lộc, tạo thuận lợi cho 5 cánh quân tiến vào nội đô Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 tiếp tục chiến đấu bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Sau hơn 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia, quân đoàn chuyển từ nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường sang huấn luyện, SSCĐ, xây dựng quân đoàn theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”…
 |
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thượng tướng Phạm Hoài Nam trao Huân chương Chiến công hạng Nhì tặng Quân đàn 4. |
 |
Lãnh đạo Quân đoàn 4 đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhì. |
Năm 2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, quân đoàn điều động hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ giúp TP Hồ Chí Minh, Bình Dương phòng, chống dịch; hỗ trợ các địa phương bốc dỡ 47.500 tấn gạo; 33.495 tấn rau, củ, quả; 1.647 tấn hàng hóa, lương thực thực phẩm; phục vụ bữa ăn hằng ngày cho hơn 300.000 bệnh nhân; hỗ trợ các địa phương vận chuyển hàng hóa, vật chất với 541 chuyến xe, vận chuyển 7.416 lượt người và 298 tấn vật chất các loại… Toàn quân đoàn đã chi 9 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ 4.953 suất quà cho các đối tượng, tổng trị giá hơn 2,7 tỷ đồng...
Với những thành tích đó, Quân đoàn 4 được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
* Cũng tại buổi lễ, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 tổ chức đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Đảng, Nhà nước truy tặng cố Thượng tướng Hoàng Cầm, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4.
 |
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thiếu tướng Lương Đình Lành, Tư lệnh Quân đoàn 4, trao Bằng chứng nhận Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân tặng đại diện gia đình cố Thượng tướng Hoàng Cầm. |
Cố Thượng tướng Hoàng Cầm (1920-2013), tên khai sinh là Đỗ Văn Cầm; bí danh: Năm Thạch; quê ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Đồng chí từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội, như: Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Miền, Tư lệnh Quân đoàn 4, Phó tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Tư lệnh Quân khu 4, Tổng Thanh tra Quân đội (nay là Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng); Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI.
Cuộc đời và sự nghiệp cố Thượng tướng Hoàng Cầm gắn liền với các trận đánh lớn và chiến công sáng ngời của quân đội ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia.
 |
Quang cảnh buổi lễ. |
Trải qua chặng đường hơn 10 nghìn ngày trên các chiến trường, với những dấu son chói lọi trong các chiến dịch: Điện Biên Phủ, Bàu Bàng, Đường 14 - Phước Long, Xuân Lộc - Long Khánh và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử… đồng chí Hoàng Cầm đã để lại dấu ấn của người chỉ huy tài tình, thao lược.
Những đóng góp của cố Thượng tướng Hoàng Cầm đã góp phần làm cho trang sử truyền thống hào hùng của Quân đoàn 4 sáng ngời bản chất anh hùng cách mạng trong suốt chặng đường lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.
Tin, ảnh: HOÀNG THÀNH - XUÂN CƯỜNG