Gần 45 năm qua, nhiệm vụ này ngày càng được đổi mới, hoàn thiện, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng vĩ đại, đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; để Lăng Bác trở thành nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. Ảnh: HỒNG SÁNG

Đó là khẳng định của Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ tư lệnh (BTL) Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như ý kiến phát biểu tham luận của các đại biểu tại Hội thảo “Công tác đón tiếp, tuyên truyền tổng kết 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”, do Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức ngày 23-7. Hội thảo là dịp để đánh giá kết quả công tác đón tiếp, tuyên truyền trong những năm qua, đề xuất phương hướng, giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới, góp phần phát huy hơn nữa ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng Bác và Khu Di tích Đá Chông (K9) trong giai đoạn mới.

Đón tiếp chu đáo, tuyên truyền hiệu quả

Cách đây nửa thế kỷ, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn cam go ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào cõi vĩnh hằng. Thể theo nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”. Đây là một quyết định đúng đắn, phù hợp với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; đồng thời cũng đáp ứng nguyện vong tha thiết của mọi người dân Việt Nam muốn được tận mắt nhìn thấy Người, được thường xuyên viếng thăm Bác để tỏ lòng kính yêu, biết ơn vô hạn và nguyện đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Lăng Bác thực sự là công trình của “Lòng dân-ý Đảng”.

Theo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể từ khi mở cửa ngày 29-8-1975 đến tháng 6-2019, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón hơn 58 triệu lượt khách, trong đó có gần 10 triệu lượt khách quốc tế đến từ 160 quốc gia và vùng lãnh thổ; đón tiếp 187 đoàn cấp nhà nước tại Lăng, 105 đoàn tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ… Từ năm 1996 đến năm 2019, trung bình mỗi năm có hơn 411.000 lượt khách quốc tế đến viếng Lăng Bác và tham quan khu vực.

Các sinh hoạt chính trị tại Lăng Bác cũng đa dạng, giàu ý nghĩa, như: Lễ báo công, lễ xuất quân, rước đuốc, gặp mặt, giáo dục truyền thống, lễ khai giảng, lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên, ký kết giao ước thi đua… Từ năm 2001, Ban Quản lý Lăng thực hiện nghi lễ chào cờ hằng ngày trước Lăng. Đây là nghi lễ quốc gia, có ý nghĩa thiêng liêng, gắn kết hình ảnh Tổ quốc với lãnh tụ của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng bào, chiến sĩ và bạn bè quốc tế. Thực hiện tốt công tác đón tiếp, tuyên truyền góp phần làm lan tỏa ngày càng sâu rộng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến nhân dân và khách quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Phạm Văn Lập, nguyên Chính ủy BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là để các thế hệ nhân dân Việt Nam được đến chiêm ngưỡng, tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Tổ chức, phục vụ chu đáo đông đảo đồng bào trong nước và khách quốc tế đến viếng Bác cũng là sự phản ánh khách quan về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến các tầng lớp nhân dân cũng như bạn bè quốc tế”.

Cán bộ, chiến sĩ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ các thương binh, bệnh binh vào Lăng viếng Bác. Ảnh: NGỌC HÀ

Những năm qua, BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động tuyển chọn, bố trí nhân sự chặt chẽ, hợp lý, ban hành các quy chế, quy trình cụ thể trong quá trình đón tiếp, tuyên truyền về Cụm công trình tại Lăng Bác. Theo Đại tá Phạm Văn Thiện, Chánh Văn phòng BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những năm gần đây, Ban Quản lý Lăng đã tập trung triển khai đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác đón tiếp, tuyên truyền; tiến hành chỉnh trang, tôn tạo kiến trúc cảnh quan khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình, xây dựng môi trường khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp; tạo điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan khu vực Lăng Bác. BTL Bảo vệ Lăng cũng phối hợp tiếp nhận, chăm sóc hệ thống bồn hoa, cây cảnh do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dâng tặng.

Nơi hội tụ tình cảm và niềm tin

Hội thảo diễn ra với nhiều ý kiến tham luận cởi mở, sâu sắc và lắng đọng, với mong muốn chất lượng công tác đón tiếp, tuyên truyền về giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng được nâng lên. Trung tướng, PGS, TS Đặng Nam Điền, nguyên Chính ủy BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn, để phát huy giá trị các Cụm Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời tạo thuận lợi cho khách tham quan, Ban Quản lý Lăng cần chú trọng xây dựng nhiều điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đón tiếp, tuyên truyền và sinh hoạt văn hóa, chính trị tại Lăng. Đồng thời tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong tuyên truyền, quảng bá các công trình tưởng niệm Bác Hồ ở nước ngoài, giúp nhân dân trong nước và khách quốc tế hiểu rõ hơn về tình cảm của nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tham luận tại hội thảo, Thiếu tướng Trần Quang Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị cho rằng, Cụm công trình Lăng Bác là nơi giữ gìn, giới thiệu những tài liệu, hiện vật phong phú, phản ánh giá trị chân thực, sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại, cùng tư tưởng, đạo đức, phong cách trong sáng của Người. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đón tiếp, tuyên truyền, Ban Quản lý Lăng cần đổi mới phương pháp tuyên truyền theo hướng mạn đàm, tọa đàm, vấn đáp, kể chuyện, giảm thuyết minh một chiều đơn thuần; kết hợp chỉ dẫn tư liệu, hiện vật tiêu biểu, nhằm khơi dậy nhận thức, tình cảm của khách tham quan, trong đó có nhiều cán bộ, học viên các nhà trường quân đội. Cùng quan điểm này, đồng chí Nguyễn Văn Khiêm, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Trà Vinh cho rằng: “Cùng với các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, Ban Quản lý Lăng cần chú trọng làm tốt hơn nữa công tác đón tiếp, hướng dẫn nhân dân và khách quốc tế, giúp mọi người cảm nhận được sự thoải mái, tận tình, chu đáo khi về Lăng viếng Bác”.

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên-Huế đều tổ chức đoàn người có công tiêu biểu ra thăm Thủ đô và vào Lăng viếng Bác. Đồng chí Lê Thị Niềm, Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên-Huế xúc động bày tỏ: “Khi ra thăm Thủ đô, vào Lăng viếng Bác, chúng tôi được đón tiếp rất chu đáo, tận tình; các cụ, các mẹ được lãnh đạo Ban Quản lý Lăng ân cần thăm hỏi, tặng quà. Đó là những kỷ niệm sâu sắc, in đậm mãi trong tâm khảm mỗi người khi được về bên Bác”. Cụ Nguyễn Văn Hóa, 83 tuổi, thương binh hạng 3/4, đến từ huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế thì không kìm nén được lòng mình: “Được vào Lăng viếng Bác, chiêm ngưỡng dung nhan của Người, chúng tôi rất xúc động. Chúng tôi cũng rất ấn tượng, cảm ơn về thái độ ân cần, nhã nhặn của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác phục vụ tại đây”.

Cụm Di tích lịch sử-văn hóa Ba Đình nằm ở Khu trung tâm chính trị-văn hóa của Thủ đô Hà Nội và cả nước, nơi từ mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã trở nên gần gũi và thiêng liêng, ghi lại dấu ấn không thể phai mờ về sự bắt đầu một thời đại mới của dân tộc-thời đại Hồ Chí Minh, để nhiều năm qua trở thành nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi gặp gỡ, giao lưu của đồng bào cả nước và bạn bè năm châu. Thiếu tướng Cao Đình Kiếm khẳng định: “Vinh dự, tự hào là những cán bộ, chiến sĩ ngày đêm canh giấc ngủ của Người, thời gian tới, Đảng ủy, BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác đón tiếp, tuyên truyền với phương châm “tận tụy, chu đáo, văn minh, lịch sự”, nhằm xây dựng Cụm Di tích Ba Đình trở thành Cụm công trình lịch sử, văn hóa đặc biệt về Bác tại trung tâm chính trị, văn hóa của Thủ đô Hà Nội và cả nước, góp phần phát huy cao nhất ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh-Công trình của “Lòng dân-ý Đảng”.   

NGUYỄN HỒNG SÁNG