Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, Bộ CHQS Quảng Bình đã huy động 23 xe quân sự, 18 xuồng cao tốc cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia công tác cứu hộ cứu nạn, ứng cứu nhân dân các địa phương, nhất là nhân dân các vùng bị lũ cô lập, chia cắt.
Đại tá Đỗ Trung Tuyên, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Quảng Bình cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh, ngay trong ngày 14-10, công tác cứu hộ - cứu nạn đã được các cơ quan, đơn vị LLVT Quảng Bình triển khai hết sức tích cực, khẩn trương. Chỉ tính riêng trong đêm 14-10, các lực lượng tham gia nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn đã tiếp cận, ứng cứu và di dời hơn 100 người dân ở các xã Phúc Trạch, Đồng Trạch (huyện Bố Trạch) và xã Nghĩa Ninh, Phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) và tài sản của nhân dân đến vị trí an toàn.
LLVT Quảng Bình hỗ trợ người dân di dời khỏi nơi ngập lụt.
Trong ngày 15-10, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra hết sức phức tạp nhất là ở các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch và Thị xã Ba Đồn. Ngay từ sáng sớm, Bộ CHQS tỉnh đã điều động trên 300 cán bộ, chiến sĩ và gần 700 chiến sĩ dân quân ở các địa phương tăng cường chi viện cho các vùng bị nước lũ cô lập. Tính đến 14 giờ ngày 15-10 các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã di dời trên 2.500 hộ dân, cứu, vớt hơn 420 người dân bị lũ bao vây cùng nhiều tài sản, vật dụng sinh hoạt đến vị trí an toàn. Đặc biệt, nước lũ ở thượng nguồn sông Gianh lên cao đã làm ngập lụt tuyến đường sắt chạy qua huyện Tuyên Hóa và Thị xã Ba Đồn khiến tàu SE19 bị mắc kẹt tại Ga Lệ Sơn, huyện Tuyên Hóa. Ngay trong sáng 15-10, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình và lực lượng chức năng đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ vượt Sông Gianh tiếp cận và ứng cứu, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống và đưa 140 hành khách.
Ông Võ Văn Xô, trưởng tàu khách SE19 cho biết: “Sau hơn nửa ngày bị nước lũ bao vây, hành khách và nhân viên tàu đã rất mệt và cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, chính sự có mặt kịp thời của của các chiến sĩ quân đội trong thời điểm khó khăn đã làm cho chúng tôi hết sức cảm kích”.
Đến cuối chiều ngày 15-10, công tác cứu hộ cứu nạn, di dời người và tài sản vẫn đang được các lực lượng cứu hộ cứu nạn LLVT Quảng Bình triển khai hết sức khẩn trương. (Tin, ảnh: MINH TÚ-HOÀNG CUỐI)
*Hà Tĩnh: Mưa lũ gây ngập lụt nghiêm trọng
Trong các ngày từ 14 đến 15-10, do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa lớn, gây ngập lụt, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con nhân dân, gây thiệt hại cho nhiều địa phương.
Tại nhiều địa phương tại tỉnh Hà Tĩnh như như huyện Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên….đã bị ngập lụt nghiêm trọng, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao.
Báo QĐND Online xin gửi tới bạn đọc một số hình ảnh về tình hình mưa lũ tại Hà Tĩnh:
Mực nước dâng cao tại hồ Kẻ Gỗ.
Mưa lớn đã khiến nhiều cầu trên địa bàn huyện Kỳ Anh bị sập.
Mưa lũ gây sạt lở tại vùng thượng huyện Kỳ Anh.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khảo sát tình hình mưa lũ tại huyện Kỳ Anh.
Lãnh đạo huyện Kỳ Anh Chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng gia cố các hồ đập, đảm bảo an toàn.
Nước lũ làm hư hỏng nông sản của bà con nhân dân huyện Kỳ Anh.
Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cùng chính quyền địa phương đã đến kiểm tra tình hình lũ lụt, thăm hỏi, động viên bà con vùng bị ảnh hưởng, chỉ đạo theo dõi sát sao tình hình mưa lũ, có phương án sơ tán kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại. (Tin, ảnh: LÊ HOÀI QUANG)
*Quảng Trị: Gần 1.000 hộ dân ngập sâu trong mưa lũ
Từ trưa ngày 14 đến rạng sáng ngày 15-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa to đến rất to trên diện rộng và lượng nước từ thượng nguồn đổ về lớn đã khiến cho một số địa phương của tỉnh Quảng Trị bị lụt cục bộ.
Tại huyện Vĩnh Linh, theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, hiện trên địa bàn huyện có trên 950 nhà dân ở 11 thôn trong 4 xã Vĩnh Long, Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm và Vĩnh Hà bị ngập trong nước từ 0,5 - 1m, trong đó xã Vĩnh Long là địa phương có số hộ dân bị ngập lụt lớn nhất với hơn 450 nhà. Ngoài ra, trên địa bàn của 4 xã còn có 10 điểm trường học và 3 trung tâm y tế bị ảnh hưởng,…
Nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước các sông tại miền Trung lên cao. Ảnh: Vov.
Anh Lê Đa Vinh ở thôn Sa Nam, xã Vĩnh Long cho biết, mặc dù đã được xã báo trước và có phương án chuẩn bị phòng chống nhưng do lượng nước thượng nguồn đổ về quá lớn, nhanh nên người dân không kịp trở tay di chuyển của cải, vật dụng, lương thực, thực phẩm đến nơi khô ráo để cất giữ. Ngoài ra, theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Vĩnh Linh, mưa lũ còn gây ngập úng hơn 150ha hoa màu, 100ha sắn, 45 tấn lúa bị ướt; 30 con lợn, 1 con trâu, 10.000 gia cầm bị chết; 70% diện tích nuôi trồng thủy sản của 3 xã bị thiệt hại từ 30% - 70% và một số công trình thủy lợi đê điều, kênh mương, hồ chứa, trạm bơm, đường giao thông,… bị hư hại.
Hiện nay lãnh đạo chính quyền các cấp huyện Vĩnh Linh đã và đang tổ chức đến các địa phương bị ngập lụt để động viên, thăm hỏi người dân vượt qua khó khăn trước mắt, khắc phục các thiệt hại, sớm ổn định đời sống, sản xuất. (TTXVN)
*Tin lũ khẩn cấp ở Hà Tĩnh, Quảng Bình
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo lũ hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông Cả và sông La (Nghệ An) tiếp tục lên; thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) tiếp tục xuống.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập lụt nghiêm trọng tiếp tục diễn ra ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, trọng tâm là các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn (Nghệ An); Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh); Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2-3.
Đến chiều tối 15-10, mực nước trên các sông Cả tại Nam Đàn lên mức 5,4 m, ở mức báo động 1; sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ xuống mức 14,5m, trên báo động 3 là 1,0m; tại Hòa Duyệt lên mức 10,2m, dưới báo động 3 là 0,3m, sau xuống; sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm xuống dưới mức báo động 1; sông La tại Linh Cảm lên mức 5,0 m, trên báo động 1 là 0,5m; sông Gianh tại Mai Hóa xuống mức 6,0m, dưới báo động 3 là 0,5m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 3,0 m, trên báo động 3 là 0,3 m. (TTXVN)