Biết được hoàn cảnh ấy, Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tam Chung (Mường Lát) nhận chở che để các con có chỗ dựa. Ngoài thời gian công tác, anh luôn dành thời gian cũng như một phần lương, phụ cấp của bản thân để chia sẻ, giúp đỡ các em. Đối với các em, anh Thắng vừa là bố, vừa là mẹ, dành sự yêu thương, hướng dẫn 4 anh chị em chăm sóc, bảo ban nhau.
Đây là một trong rất nhiều hoàn cảnh bất hạnh của các em nhỏ mồ côi đang được các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu thông qua Chương trình “Mẹ đỡ đầu-kết nối yêu thương” được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thanh Hóa tổ chức, nhằm hưởng ứng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do Hội LHPN Việt Nam phát động.
 |
Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Thanh Hóa trao hỗ trợ tặng các cháu mồ côi vì dịch Covid-19. |
Với phương châm "ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu", thời gian qua, hội LHPN các cấp tỉnh Thanh Hóa đã khảo sát, đánh giá thực trạng trẻ mồ côi, lập danh sách trẻ mồ côi gặp hoàn cảnh khó khăn cần nhận đỡ đầu. Đến nay, các cấp hội đã đăng ký nhận đỡ đầu gần 950 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các cấp hội phụ nữ, các doanh nghiệp, tổ chức và nhà hảo tâm nhận đỡ đầu đến năm 18 tuổi.
Được biết, trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Mẹ đỡ đầu-kết nối yêu thương” nhằm vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu và hỗ trợ nguồn lực cho trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, ngay tại chương trình, ban tổ chức đã nhận được hơn 11 tỷ đồng của nhiều đơn vị, cá nhân, trong đó nhận đỡ đầu gần 500 trẻ mồ côi, trị giá hơn 6 tỷ đồng và 4,6 tỷ đồng thực hiện Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khó khăn.
Theo bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, Chương trình “Mẹ đỡ đầu-kết nối yêu thương” được phát động đến 100% hội LHPN huyện, thị xã, thành phố, đơn vị trực thuộc trên địa bàn, trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19 và trẻ mồ côi do nguyên nhân khác đều được nhận đỡ đầu, các cấp hội sẽ làm tốt vai trò kết nối, tổ chức giám sát thực hiện chính sách, tham gia điều phối nguồn lực hỗ trợ bảo đảm công bằng, giúp các em tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động của chương trình nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ đối với công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Chương trình “Mẹ đỡ đầu-kết nối yêu thương” đã và đang lan tỏa, truyền đi thông điệp giúp các em được sống yên ấm trong tình thương yêu của cộng đồng. Sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần đối với trẻ mồ côi, bất hạnh không chỉ là tình cảm, trách nhiệm mà đã trở thành nét đẹp truyền thống nhân văn của người Việt.
Bài và ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH