Tham dự hội nghị có đồng chí: Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Quân y; các đồng chí trong Ban giám đốc Học viện và đại diện lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, bộ môn, khoa, viện, trung tâm trực thuộc Học viện.

Các đại biểu tham dự hội nghị. 

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện nhấn mạnh: CTĐT đại học ngành Y khoa quân sự tích hợp dựa trên năng lực là nội dung mang tính quyết định trong công tác đổi mới đào tạo của Học viện nhằm đáp ứng yêu cầu về chuẩn năng lực bác sĩ đa khoa của Bộ Y tế và kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề của Hội đồng Y khoa quốc gia, đồng thời đáp ứng yêu cầu chuẩn năng lực của người sĩ quan chỉ huy quân y theo tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng. Chương trình được xây dựng dựa trên cơ sở tuân thủ Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16-4-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định hiện hành về công tác đào tạo.

CTĐT ngành y khoa quân sự được xây dựng mang đặc điểm của CTĐT y khoa dựa trên năng lực được thể hiện thông qua cách tiếp cận, thiết kế, xây dựng CTĐT (từ xây dựng chuẩn đầu ra chương trình, học phần, môn học, bài giảng đến nội dung, phương pháp dạy học và đánh giá); việc lựa chọn, sắp xếp nội dung, tổ chức dạy học, lượng giá, đánh giá đều hướng tới hình thành các năng lực theo các mốc năng lực cụ thể qua từng học kỳ, năm học và khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, CTĐT được thiết kế tích hợp theo các cách thức khác nhau gồm cả tích hợp đa môn, tích hợp liên môn và tích hợp xuyên môn. Các mức độ của tích hợp của CTĐT được thể hiện rõ trong việc tích hợp theo module, tích hợp theo bài, tích hợp dạy kiến thức và kỹ năng thực hành được trong từng bài học; tích hợp theo chiều ngang giữa các module, các môn học trong cùng một năm và tích hợp theo chiều dọc giữa các năm học với nhau. Các ca lâm sàng được xây dựng thể hiện rõ nét sự tích hợp trong từng bài, tổ chức dạy học tích hợp với nhiều bộ môn tham gia trong cùng một buổi giảng.

Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y phát biểu tại hội nghị. 

CTĐT áp dụng các phương pháp đánh giá dựa trên năng lực và hướng tới năng lực kỳ vọng, bảo đảm độ tin cậy, khách quan, công bằng và hiện đại; đánh giá đầy đủ các mức độ và lĩnh vực của năng lực bằng những công cụ lượng giá thích hợp; kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá kết thúc học phần, môn học. Mức độ đạt được của sinh viên được quy định cụ thể trong từng học kỳ, năm học và toàn khóa học với từng mốc năng lực (milestone) và phát triển năng lực theo các tác vụ chuyên môn nghề nghiệp đáng tin cậy (EPA). Một số phương pháp đánh giá được áp dụng trong chương trình đào tạo đổi mới như bài tập đánh giá kỹ năng lâm sàng nhỏ (Mini-clinical evaluation exercise: mini-CeX), đánh giá bằng quan sát trực tiếp tại nơi làm việc (Direct observation of procedural skills: DOPS), đánh giá dựa trên ca lâm sàng (Case-based discussions: CbDs) và thi lâm sàng cấu trúc khách quan (Objective structured clinical examination: OSCE).

Ngoài mang các đặc điểm của CTĐT tích hợp và dựa trên năng lực, CTĐT đổi mới còn có một số đặc điểm đặc trưng như thiết kế module kỹ năng y khoa được chia thành nhiều học phần tương ứng với từng module, bảo đảm sinh viên thành thục các kỹ năng y khoa trước khi sang học lâm sàng tại bệnh viện. Một số môn học như các môn khoa học xã hội và nhân văn, ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp, y đức được giảng dạy liên tục trong nhiều học kỳ, giúp học viên có kiến thức bền vững, có thái độ tốt với người bệnh và có trách nhiệm với cộng đồng trong hành nghề y sau này.

Có thể khẳng định, việc chuyển đổi sang phương thức đào tạo dựa trên năng lực là một công việc khó khăn, cần nhiều thời gian, phải có sự đồng lòng, quyết tâm cao; tăng cường làm việc nhóm, hỗ trợ lẫn nhau để mang lại kết quả tốt nhất. Các giai đoạn tổ chức triển khai cần rõ ràng và cụ thể, thực hiện từng bước. Trong đổi mới đào tạo y khoa dựa trên năng lực, việc xây dựng CTĐT và phát triển đội ngũ giảng viên là yếu tố quyết định đến sự thành công của quá trình đổi mới. Ngoài ra, cần chú trọng đến khâu đánh giá CTĐT một cách có hệ thống, thường xuyên và toàn diện, làm cơ sở đó để bổ sung, điều chỉnh CTĐT. Có như vậy, chúng ta mới khai thác hết tiềm năng của đào tạo y khoa dựa trên năng lực, thay đổi cách chúng ta chuẩn bị cho các bác sĩ của thế kỷ 21, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của bộ đội và nhân dân trong tình hình mới.

Tin, ảnh: THÁI SƠN - TRẦN YẾN