QĐND - Đại tướng Hoàng Văn Thái (1915-1986) là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội ta (1945-1953), giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng hơn một thập kỷ (1974-1986), đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên tục các khóa III, IV và V, được đánh giá là một trong những tướng lĩnh có ảnh hưởng quan trọng bậc nhất trong việc hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Hoàng Văn Thái tên thật là Hoàng Văn Xiêm, sinh tại làng An Khang, tổng Đại Hoàng, Thái Bình (nay là xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Tốt nghiệp tiểu học Pháp-Việt loại ưu, nhưng do gia cảnh ông phải bỏ học đi làm thuê. Năm 1936, do bãi công chống lại chủ mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), ông bị đuổi việc. Năm 1938, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941, ông được tổ chức cử đi học tại Trường Quân sự Liễu Châu (Trung Quốc). Năm 1944, Hoàng Văn Xiêm về nước với bí danh mới Hoàng Văn Thái. Ngày 22-12-1944, Hoàng Văn Thái là một trong số 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Năm 1945, ông trở thành Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam... Năm 1980, ông được phong hàm Đại tướng. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Đồng chí Hoàng Văn Thái (người ngồi, thứ tư từ trái sang) và các cán bộ Trung ương Cục miền Nam trong chiến trường năm 1967. Ảnh tư liệu

Ông là vị tướng trận mạc, từng có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất trong suốt 30 năm chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Ông là Tổng tham mưu trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ (1953-1954). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với bí danh Mười Khang, ông là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 (1966). Năm 1967, ông được Trung ương cử làm Phó bí thư Trung ương Cục, Phó bí thư Quân ủy Miền và là Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam. Ông đã cùng các đồng chí lãnh đạo khác chỉ huy các LLVT giải phóng lần lượt đánh bại hầu hết các chiến lược chiến thuật quân sự của Mỹ-ngụy, mở ra cục diện mới cả về thế và lực trên chiến trường miền Nam, tạo tiền đề cho một mùa Xuân đại thắng trọn vẹn năm 1975-giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Người Mỹ đã từng coi ông là “nhân vật số 1 của Cộng sản miền Nam Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự thì Đại tướng Hoàng Văn Thái không chỉ là tướng chiến trường mà còn là vị tướng tham mưu tài giỏi, là linh hồn của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước.

Trong 30 năm liền ở Bộ Tổng tham mưu, ông đã để lại những dấu ấn đặc biệt không thể phai mờ. Cán bộ tham mưu toàn quân được đào tạo lớp này đến lớp khác cho đến nay đều ghi nhận vai trò không thể thiếu của ông trong sự trưởng thành của mình.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự chỉ đạo của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ông vừa là Tổng Tham mưu trưởng vừa là Chỉ huy trưởng Mặt trận Đường số 3 trong cuộc phản công đánh bại chiến dịch tiến công chiến lược của quân Pháp vào căn cứ Việt Bắc (Thu Đông 1947). Năm 1948, ông được Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh phong hàm Thiếu tướng và trở thành một trong những thiếu tướng đầu tiên của Quân đội ta. Trong Chiến dịch Biên giới 1950, ông đảm nhiệm Tham mưu trưởng mặt trận, trực tiếp chỉ huy đánh trận đột phá Đông Khê trên Đường số 4, mở cửa biên giới Việt-Trung nối liền cuộc kháng chiến của Việt Nam với các nước anh em. Đông Xuân 1953-1954, ông là Tham mưu trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp sức cùng toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng lịch sử chấn động địa cầu...

Theo những hồi ức của Đại tướng Hoàng Văn Thái để lại thì những năm tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm tướng của ông là những năm tháng đầu thập kỷ 1970; đặc biệt là mùa Xuân 1975-những ngày ông chủ trì cơ quan Bộ Tổng tham mưu thay Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đi trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông gọi đó là “những năm tháng quyết định”-quyết định kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm đầy gian khổ hy sinh, mở ra một chương mới cho lịch sử dân tộc. Trong thiên hồi ký Những năm tháng quyết định (Nxb QĐND, năm 1985), Đại tướng đã ghi lại một cách chân thực và sinh động những diễn biến của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; đồng thời là những suy nghĩ của ông về cuộc chiến đấu trường kỳ của dân tộc, về Đảng quang vinh và về quân đội anh hùng. Trong trước tác này, Đại tướng đã dành nhiều trang viết về không khí làm việc cũng như việc ra đời những quyết tâm, những mệnh lệnh lịch sử tại Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong “những năm tháng quyết định” chưa xa.

Quá trình chuẩn bị và thực hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 cũng là giai đoạn hoạt động sôi nổi và có hiệu quả nhất của cơ quan Bộ Tổng tham mưu, thể hiện nghệ thuật chỉ đạo, chỉ huy đạt bước phát triển cao trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Những bài học kinh nghiệm về chỉ đạo chuẩn bị chiến lược và thực hành tác chiến chiến lược trong những tháng ngày này là những bài học về thực hiện chức năng của cơ quan tham mưu chiến lược khi chiến tranh bước vào giai đoạn cuối, giai đoạn mà cục diện chiến trường chuyển biến hết sức mau lẹ và cuộc chiến tranh kết thúc bằng những đòn quyết chiến chiến lược, tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng quy mô lớn để giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất.

Đại tướng nhớ lại không khí tại “Tổng hành dinh” những ngày ấy: “... Như đã thành lệ, cứ buổi sáng anh chị em lại thấy những chiếc xe qua cổng A, thấy các đồng chí lãnh đạo của Đảng, của quân đội đi vào căn phòng giữa. Và cũng đã thành lệ, cứ sau cuộc họp thường có những bức điện gửi vào chiến trường, bức điện chứa đựng trí tuệ tập thể Bộ Thống soái tối cao-Bộ Chính trị. Đã có sự phân công chuẩn bị sẵn trong tổ cơ yếu, có sự phối hợp giữa hai tổ thông tin và cơ yếu thường trực, làm sao có điện là dịch được ngay và thông tin chuyển được ngay. Phân đoạn thế nào, xử lý kỹ thuật thế nào để đảm bảo bí mật, nhất là khi gặp những bức điện dài, có khi 15, 20 trang. Có lúc đang dịch, anh chị em nghe tiếng giày bước chậm rãi, đi đi lại lại ngoài hành lang. Rồi đồng chí Tổng Tư lệnh bước vào. Đồng chí chữa một chữ, thêm một đoạn vào bức điện...”. Đại tướng Hoàng Văn Thái viết tiếp: “Anh chị em cho biết: Công việc hết sức khẩn trương, từ khi Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu. Những bức điện luôn kèm theo những chữ "dịch ngay", "hỏa tốc", "ưu tiên 1". Cái ký hiệu "TK" (thượng khẩn) đã bị đẩy lùi. Không còn ngày nào làm việc 10 giờ mà 14 giờ, 18 giờ và trực 24/24. Tổ mang cơm về ăn tại chỗ để tranh thủ thời gian làm việc. Trả lời câu hỏi của tôi, các đồng chí nói chân thật:

- Báo cáo thủ trưởng, mệt thì mệt thật, nhưng rất vui. Tin chiến thắng dồn dập, càng dịch điện càng phấn khởi, quên cả mệt...”.

... Và ông thầm nghĩ: “Đối với người lính, chiến đấu cho mục đích cao cả-vì độc lập tự do của Tổ quốc-thì tin chiến thắng luôn là một nguồn động viên vô giá” (Đại tướng Hoàng Văn Thái: Những năm tháng quyết định, Sđd, tr.275, 276).

Nhớ lại “những năm tháng quyết định” chưa xa, Đại tướng Hoàng Văn Thái xúc động viết: “Trong ngày lịch sử huy hoàng này, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến sự lãnh đạo tài tình của Đảng trong 20 năm chống Mỹ, cứu nước, nhất là trong 3 năm cuối của cuộc chiến tranh. Từ những dự kiến đầu sau Hiệp định, đến từng bước phát triển của cục diện chiến trường, Đảng ta đã kiên trì tạo thế mới, lực mới và trong hai tháng qua đã nhạy bén chớp thời cơ chiến lược, hạ quyết tâm liên tiếp đánh những đòn quyết định, giành thắng lợi trọn vẹn. Trong thắng lợi chung đó, mỗi người, mỗi bộ phận trong cơ quan tham mưu chiến lược, từ các đồng chí phái viên ở phía trước, các cán bộ trực tiếp giúp việc chỉ đạo, chỉ huy ở phía sau, đến các chiến sĩ công vụ, vệ binh, lái xe, nấu ăn, tất cả đều làm tròn nhiệm vụ của mình, góp phần cùng toàn quân, toàn dân hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam thân yêu...” (Đại tướng Hoàng Văn Thái: Những năm tháng quyết định - Sđd, tr.298. 299)

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là sự phát triển cao của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Những phát triển sáng tạo và độc đáo của nghệ thuật quân sự trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã góp phần hoàn chỉnh thêm một bước và làm phong phú kho tàng nghệ thuật quân sự cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, để lại những bài học kinh nghiệm quý cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Bằng thực tiễn chiến trường, bằng những năm tháng công tác trong cơ quan Tổng hành dinh và bằng những trước tác của mình, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp ấy.

Nói về cuộc đời hơn 50 năm binh nghiệp vẻ vang của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về ông như sau: “… Trong những năm tháng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong Đảng, trong quân đội, anh Mười Khang vẫn giữ lối sống giản dị-cần-kiệm-liêm-chính, xa lạ với thói xa hoa hình thức, càng xa lạ với tệ tham nhũng, lãng phí… Anh siêng rèn luyện thân thể, lao động chân tay, đến cuối đời vẫn giữ nếp trồng rau, làm vườn như người nông dân xưa ở Tiền Hải quê anh…".

Thập Tam trại, tháng Tư năm 2015

Nhà văn NGÔ VĨNH BÌNH, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội