Năm 2024, Bộ Quốc phòng đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong lập đề nghị xây dựng 6 dự án luật, pháp luật. Đến thời điểm hiện tại đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua hồ sơ lập đề nghị các dự án luật, pháp lệnh 5 dự án luật, pháp lệnh, gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Phòng không nhân dân; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đang tiếp tục lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Tình trạng khẩn cấp.

leftcenterrightdel

Quang cảnh hội nghị.

Qua thảo luận, làm việc, hai cơ quan thống nhất đánh giá: Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật triển khai lập đề nghị xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách đối với các dự án luật, pháp lệnh theo đúng kế hoạch, chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, đúng trình theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và các văn bản có liên quan. Trong quá trình soạn thảo, được các cơ quan chức năng của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tích cực phối hợp, giúp đỡ nên các dự án luật trình đều bảo đảm đầy đủ hồ sơ, đúng tiến độ, chất lượng được đánh giá cao.

Quá trình lập đề nghị xây dựng các dự án luật bảo đảm chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục; chất lượng đề nghị xây dựng luật đã bám sát và thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, tuân thủ nghiêm quy định về các nội dung giao quy định chi tiết kèm theo dự án luật.

Quy trình lấy ý kiến tham gia vào các dự án, dự thảo, đặc biệt là các dự án, dự thảo liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, cơ yếu đều được lấy ý kiến tham gia rộng rãi theo quy định, nhất là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong Bộ Quốc phòng, giữa Bộ Quốc phòng đối với các bộ, ngành, địa phương trong lập chương trình, tổ chức soạn thảo, góp ý, thẩm định, thẩm tra gắn với công tác theo dõi thi hành pháp luật, rà soát vướng mắc phát sinh trong triển khai được thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả, đi vào nền nếp.

Tin, ảnh: ĐỨC TUẤN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.