QĐND - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và áp thấp nhiệt đới, trong hai ngày 18 và 19-7, mưa lớn đã gây thiệt hại tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Lượng mưa phổ biến từ 90mm đến 360mm. Sông Kỳ Cùng, con sông lớn nhất tỉnh, mực nước lên đến báo động 3. Nhiều tuyến đường tại TP Lạng Sơn bị ngập lụt hoàn toàn. Mưa lớn khiến lũ quét xảy ra nhiều nơi trong tỉnh. Tính đến 20 giờ ngày 20-7, Lạng Sơn đã có 3 người thiệt mạng do lũ quét cuốn trôi, gồm: Ông Vi Văn Sản ở thôn Hợp Đường, xã Liên Sơn, huyện Chi Lăng; ông Nguyễn Văn Phúc ở thôn Nà Hà, xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng và ông Hứa Văn Đức ở thôn Phò Mã, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc; và hiện tại còn một người mất tích. Các nạn nhân đều bị lũ cuốn khi đang trên đường đi làm về nhà. Thống kê ban đầu có hơn 1.200 ngôi nhà bị ngập đổ; 3000 hộ dân ở các huyện Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định và TP Lạng Sơn phải di dời do nước sông Kỳ Cùng lên cao. Hàng nghìn héc-ta hoa màu, lúa, ngô bị ngập...

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn giúp nhân dân sơ tán khỏi vùng ngập lụt.

Trao đổi với chúng tôi tại Trung tâm chỉ huy phòng, chống lụt, bão-tìm kiếm cứu nạn, Đại tá Lương Đình Khải, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Ngay sau khi bão số 2 đổ bộ lên địa bàn, trong đêm 19-7, Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn đã huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh cơ động tuyên truyền, vận động và giúp hàng trăm hộ dân trên các địa bàn có nguy cơ ngập lụt và bị lũ quét sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Trong ngày 20-7, mưa lớn, nước sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn dâng nhanh. Tại huyện Lộc Bình, hàng trăm hộ dân thuộc các xã nằm dọc sông Kỳ Cùng, gồm: Lộc Thôn, Khuất Xá, Tú Đoạn, Tú Mịch, Đồng Bục và thị trấn Lộc Bình đã bị chia cắt và ngập cục bộ. Hơn 300ha lúa và hoa màu của người dân cũng có nguy cơ mất trắng. Các thôn bản thuộc xã Gia Cát, Tân Liên (Cao Lộc) nhiều vùng đã bị cô lập hoàn toàn. Tuyến đường 1B (Lạng Sơn - Thái Nguyên) bị ngập úng nước, giao thông ngưng trệ. Các tuyến đường nội địa trong tỉnh bị cô lập hoàn toàn, các vùng bị ngập nước đã bị cắt điện. Tại thành phố Lạng Sơn, các tuyến đường Trần Quang Khải, Bắc Sơn, Nguyên Du... bị ngập nước. Hơn 600 hộ kinh doanh ở chợ Giếng Vuông, TP Lạng Sơn phải di dời, mọi hoạt động kinh doanh buôn bán ở các chợ Đông Kinh, Giếng Vuông đều ngừng hoạt động.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh tỏa đi các hướng, dầm mình trong mưa lũ để hỗ trợ, cùng với người dân di chuyển tài sản. Bộ CHQS tỉnh còn chỉ đạo các Ban CHQS huyện, TP Lạng Sơn huy động hơn 1.300 chiến sĩ, dân quân tự vệ đến các địa phương trong tỉnh cùng tham gia chống lũ, lụt. Lực lượng quân sự tỉnh đã huy động 12 xe ô tô cùng 4 xuồng máy, xuồng cao su tham gia tìm kiếm, cứu nạn.

Gia đình anh Trần Hồng Quân kinh doanh ở gần chợ Giếng Vuông cho biết: Vào khoảng 22 giờ ngày 19-7, nước bắt đầu tràn vào chợ Giếng Vuông, sau đó nước lên rất nhanh khiến nhiều gia đình không kịp trở tay. Gia đình anh Quân chỉ kịp di dời một số tài sản có giá trị lên tầng hai. Đến sáng 20-7, anh Quân lội nước ra ngoài nhờ bộ đội đi xuồng đến hỗ trợ.

Theo Đại úy Vũ Văn Vê, cán bộ Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn đang làm nhiệm vụ tại khu vực chợ Kỳ Lừa: Đêm 19-7, Bộ CHQS tỉnh đã triển khai toàn bộ quân số đến ứng cứu từng hộ dân trong thành phố. Cán bộ chiến sĩ được chia thành nhiều tổ để phân phát lương thực, thực phẩm và đưa người, tài sản ra khỏi vùng ngập lụt.

Một trong những công việc chủ yếu của tổ 3 người do Đại úy Vũ Văn Vê chỉ huy là vận chuyển đồ đạc của người dân đến nơi khô ráo bằng xuồng. Gia đình bà Nông Thị Quý nằm sâu trong ngách chợ Giếng Vuông gồm 4 người bị kẹt lại trong nhà. Bà Quý kinh doanh bánh ngọt, khi được các cán bộ, chiến sĩ đến ứng cứu, gia đình bà đã tặng hơn 1.000 ổ bánh mỳ nhờ các chiến sĩ chuyển đến những người khó khăn hơn.

Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cùng 6 cán bộ, chiến sĩ sử dụng xuồng cứu hộ tham gia cứu nạn trên tuyến phố Hoàng Văn Thụ cho chúng tôi biết: Ngay sau khi lũ dâng, mũi cứu nạn của anh đã kịp thời ứng cứu 12 hộ dân với gần 40 nhân khẩu có nhà bị nước ngập hoàn toàn đến nơi an toàn. Đến 19 giờ ngày 20-7, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của toàn tỉnh đã ứng cứu được hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn.

Ông Đặng Văn Báu, Bí thư Đảng ủy phường Chi Lăng (TP Lạng Sơn) bày tỏ: "Nhờ có lực lượng vũ trang kịp thời ứng cứu mà nhiều hộ dân phường Chi Lăng thoát nạn. Cảm ơn Bộ đội Cụ Hồ nhiều lắm!" Còn ông Hoàng Văn Hiền, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình, cho chúng tôi biết: "Đây là cơn lũ lớn nhất trong vòng sáu năm trở lại đây. Nhờ có bộ đội tuyên truyền, trợ giúp, bà con đã cơ bản sơ tán được người và tài sản ra khỏi các vùng trọng điểm dễ xảy ra ngập lụt, nếu không hậu quả thiệt hại về người và tài sản chắc sẽ lớn hơn".

Theo Đại tá Nguyễn Văn Hương, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn, trong những ngày tới, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh và lực lượng dân quân, tự vệ tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ ở doanh trại đơn vị và giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh môi trường. Cơ quan quân sự các cấp huy động 100% lực lượng thường trực và dân quân, tự vệ tại các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ. Các cơ quan, đơn vị phối hợp với địa phương rà soát toàn bộ những nhà dân bị sập đổ do ngập nước để giúp bà con nhân dân ổn định cuộc sống.

Khương Doãn, Hoàng Cường, Hoàng Nam, Thắng Trung