Theo số liệu thống kê của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển), trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 9.000 tấn chất độc CS trên chiến trường miền Trung, miền Nam nước ta. Số lượng lớn chất độc CS và các vũ khí, phương tiện chứa chất độc CS nêu trên được lưu chứa trong các kho, căn cứ quân sự của Mỹ và ngụy ở khắp chiến trường, trong đó có các căn cứ trên địa bàn Quân khu 5.

leftcenterrightdel
Trong quá trình thu gom, xử lý chất độc CS và các vũ khí chứa chất độc CS, cán bộ, chiến sĩ hóa học luôn mang đồ bảo hộ đặc chủng và mặt nạ phòng độc để bảo đảm an toàn. 

Trao đổi với chúng tôi vào chiều 28-5, Đại tá Phạm Phú Dũng, Chủ nhiệm Hóa học Quân khu 5 cho biết, thực hiện kế hoạch của trên, cơ quan đã tham mưu cho Bộ tư lệnh Quân khu điều động lực lượng, phương tiện phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức triển khai chặt chẽ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Dù thời tiết nắng nóng, việc phải mang trang bị bảo hộ kín mít, dầm mình nhiều giờ liền ngoài trời rất vất vả, song các cán bộ, chiến sĩ phòng hóa Quân khu 5 vẫn luôn nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel

Bộ đội hóa học Quân khu 5 đang thu gom lựu đạn CS.

Được biết, hố chôn chất độc CS và các vũ khí chứa chất độc CS ở chân đèo Cù Mông trước đây (nay là khu vực 8, phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) năm 2004, 2005 đã được các lực lượng chức năng thu gom, xử lý. Đến nay, để xử lý triệt để chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, các lực lượng chức năng đang phối hợp thu gom, đem đi xử lý bằng công nghệ mới, mang lại môi trường sạch cho người dân sinh sống trên địa bàn. Theo ước tính, các lực lượng sẽ thu gom, xử lý khoảng 136 tấn chất độc CS và sản phẩm thủy phân từ chất độc CS.

Tin, ảnh: PHAN ĐỊNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.