Dự hội thảo có đại biểu cơ quan chức năng của Bộ Tổng Tham mưu; Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Học viện Kỹ thuật Quân sự và một số quân, binh chủng trên địa bàn Hà Nội.

Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn, Tư lệnh Binh chủng Công binh chủ trì hội thảo.

Những năm vừa qua, Cục Quân khí (Tổng cục Kỹ thuật) và Binh chủng Công Binh (trực tiếp là Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn) đã tiến hành xử lý hàng vạn tấn bom mìn, đạn dược cấp 5 bằng nhiều phương pháp như tháo gỡ, xì tháo thuốc nổ, hủy nổ, hủy đốt. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, cất giữ đạn dược ở kho và xử lý bom, mìn, đạn dược cấp 5 còn xảy ra một số vụ cháy nổ, mất an toàn, gây tổn thất về người, vật chất trang bị, ảnh hưởng đến an ninh chính trị xã hội và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu không có nghiêm túc đánh giá trên cơ sở khoa học và nghiên cứu kịp thời.

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận tập trung đánh giá thực trạng chất lượng bom, mìn, đạn cấp 5 trong toàn quân hiện nay, công tác quản lý cất giữ, xử lý đạn cấp 5; nhận định về những nguy cơ mất an toàn trong quản lý, xử lý bom, mìn, đạn dược và kiến nghị, đề xuất các giải pháp khắc phục, bảo đảm an toàn trong thời gian tới.

Cùng với chỉ rõ những tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trên các lĩnh vực tổ chức, chỉ huy điều hành, sử dụng lực lượng; công tác đào tạo, huấn luyện kỹ thuật, bảo hiểm lao động cho lực lượng xử lý bom mìn, đạn cấp 5…các tham luận tại hội thảo thống nhất 7 giải pháp bảo đảm an toàn trong quản lý, xử lý bom, mìn. Trước hết, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có hiểu biết sâu về tính năng cấu tạo, công dụng, nguyên lý hoạt động, quy trình công nghệ của các loại bom, mìn; rà soát lại toàn bộ hệ thống quy trình công nghệ, nghiên cứu biên soạn mới, bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện các quy trình còn thiếu, chưa đầy đủ, không phù hợp với điều kiện trang bị hiện nay. Tích cực, chủ động nghiên cứu cải tiến chế tạo và mua sắm các dụng cụ trang thiết bị chuyên dùng xử lý đạn cấp 5 theo hướng tự động hóa, có giám sát, điều khiển từ xa các công đoạn xử lý nguy hiểm nhằm nâng cao hiệu  quả lao động và triệt tiêu tối đa yếu tố tiềm ẩn ẩn mất an toàn trong thực hiện nhiệm vụ.

Tin, ảnh: DUY ĐÔNG