Kết quả tốt từ nghĩa cử đẹp

Buổi hiến máu tình nguyện với chủ đề “Hiến máu nhân đạo cứu chữa đồng đội” do Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phối hợp cùng Trường Trung cấp Kỹ thuật Công binh tổ chức vào đầu tháng 8-2016 vừa qua đã thực sự trở thành không khí của một ngày hội. Ngay từ sáng sớm, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, giáo viên, học viên của nhà trường đã có mặt đăng ký và thực hiện các thủ tục chuẩn bị hiến máu. Do được làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, vận động giữa bệnh viện và nhà trường nên chỉ trong buổi sáng đã có hơn 500 lượt người tham gia hiến máu.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và lãnh đạo Trường Trung cấp Kỹ thuật Công binh động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia ngày hiến máu tình nguyện. 

Là người vinh dự được tham gia hiến máu đầu tiên, Hạ sĩ Nguyễn Văn Tuấn, học viên Tiểu đoàn 2 (Trường Trung cấp Kỹ thuật Công binh), chia sẻ: “Ngay từ khi biết tin sắp có buổi hiến máu nhân đạo cứu chữa đồng đội, không chỉ em mà tất cả các bạn trong đơn vị đều rất háo hức. Nhận thức rõ được việc làm mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp này nên đây đã là lần thứ 3 em tham gia hiến máu tình nguyện...”.

Đại tá Phạm Thị Thu Hương, Chủ nhiệm Khoa Huyết học-Truyền máu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết: Những năm trước đây, không chỉ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mà hầu hết các bệnh viện trong và ngoài quân đội thường không chủ động được nguồn máu sử dụng trong cấp cứu và điều trị. Phần lớn phải phụ thuộc vào nguồn máu của người hiến máu chuyên nghiệp và khả năng cung cấp từ ngân hàng máu tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Đến nay, qua phong trào “Hiến máu nhân đạo cứu chữa đồng đội”, bệnh viện không chỉ chủ động được phần lớn nguồn máu mà còn bảo đảm cung cấp máu cho các bệnh viện thuộc tuyến theo sự phân công của Cục Quân y. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phối hợp cùng 9 cơ quan, đơn vị, nhà trường để vận động và tiếp nhận được hơn 8.000 đơn vị máu. Nhờ chủ động tốt nguồn máu, hoạt động cấp cứu, điều trị các bệnh nhân nặng đã có nhiều thuận lợi, nhiều bệnh nhân nhờ đó đã thoát được sự nguy hiểm do thiếu máu, mất máu. Cùng với phục vụ cho công tác cấp cứu, điều trị, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 còn thành công trong việc lập ngân hàng máu sống, sẵn sàng phục vụ kịp thời cho hoạt động cấp cứu, điều trị khi cần thiết và các hoạt động nghiên cứu.

Theo số liệu do Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) cung cấp, từ năm 2010 đến nay, các bệnh viện trong quân đội đã phối hợp với các đơn vị, nhà trường trong và ngoài quân đội tổ chức được hơn 300 buổi hiến máu tình nguyện; tiếp nhận được hơn 35.000 đơn vị máu. Các bệnh viện quân đội cũng đã tổ chức được gần 1.000 buổi tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nghĩa cử cao đẹp của việc hiến máu tình nguyện; các bệnh viện cũng đã tổ chức in hàng vạn tờ rơi, hàng chục nghìn tài liệu tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của việc tham gia hiến máu tình nguyện và phong trào “Hiến máu nhân đạo cứu chữa đồng đội”.

Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ

Học viện Phòng không-Không quân (PK-KQ) là đơn vị tham gia tích cực trong phong trào “Hiến máu nhân đạo cứu chữa đồng đội”. Đại tá Đỗ Ngọc Thành, Phó chủ nhiệm Chính trị Học viện PK-KQ, cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa nhân đạo cao cả của phong trào hiến máu tình nguyện và tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, lực lượng đoàn viên, thanh niên trong học viện đã tích cực hưởng ứng và triển khai có hiệu quả phong trào hiến máu tình nguyện. Các thông điệp hành động như: “Gửi giọt máu đào, trao niềm hy vọng”, “Hiến máu nhân đạo - Một nghĩa cử cao đẹp” hay “Giọt máu cho đi - Cuộc đời ở lại”… đã được triển khai đồng bộ, sâu rộng trong các cơ sở Đoàn.

Trước mỗi đợt hiến máu, các tổ chức Đoàn cơ sở trong toàn học viện phát tờ rơi kết hợp trao đổi những thông tin cần thiết về hiến máu giúp các đoàn viên, nhất là đoàn viên tham gia hiến máu lần đầu không còn cảm giác lo lắng mà tự tin, vui vẻ tham gia với tinh thần thoải mái nhất. Nhờ đó mà mỗi đợt phát động phong trào hiến máu đều huy động được sự tham gia đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Hằng năm, số lượng người đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện đều vượt chỉ tiêu đã đề ra. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, học viện đã có hơn 900 lượt cán bộ, đoàn viên tham gia hiến máu. Không chỉ dừng lại là một hoạt động thường niên, phong trào hiến máu tình nguyện đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và thực sự trở thành ngày hội lớn, một nét đẹp văn hóa của mỗi đoàn viên, thanh niên Học viện PK-KQ.

Qua theo dõi và tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ ở Học viện PK-KQ mà nhiều năm qua, các phong trào “Hiến máu nhân đạo cứu chữa đồng đội”, hiến máu tình nguyện đã có sức lan tỏa lớn ở khắp các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội. Các bệnh viện quân đội đã phối hợp hiệu quả với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, điển hình như: Học viện Hậu cần, Học viện Biên phòng, Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trường Sĩ quan Lục quân 2, Trường Đại học Chính trị, Học viện Bưu chính viễn thông, Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC), Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc…

Tuyên truyền sâu rộng, nhân rộng điển hình

Đánh giá về ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện, Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), cho biết: Hiện nay, trong điều kiện thời bình, truyền máu đóng vai trò rất quan trọng trong cấp cứu, điều trị, nhất là đối với việc ứng dụng, phát triển các kỹ thuật mới trong điều trị ở các bệnh viện quân đội. Bên cạnh đó, công tác truyền máu trong quân đội còn đóng vai trò sẵn sàng ứng phó đối với các tình huống khẩn cấp như chiến tranh, thảm họa, khủng bố, dịch bệnh… Để làm được điều đó cần có lượng máu dự trữ lớn, chất lượng máu tốt. Bởi thế, việc các bạn trẻ trong quân đội tham gia hiến máu tình nguyện là đặc biệt quan trọng. Ngày 27-3-2009, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra Chỉ thị 39/CT-BQP quy định về tổ chức hiến máu tình nguyện trong quân đội, trong đó nêu rõ: Cho phép tổ chức phong trào hiến máu tình nguyện trong quân đội đối với cán bộ, nhân viên công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc khối hành chính sự nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng, học viên thuộc các học viện nhà trường quân đội. Căn cứ vào Chỉ thị 39/CT-BQP, ngày 3-6-2009 Cục Quân y đã ban hành Hướng dẫn số 1033/HD-QY về tổ chức vận động hiến máu tình nguyện trong quân đội, hướng tới mục tiêu 100% máu phục vụ điều trị trong quân đội từ hiến máu tình nguyện.

Tuy nhiên, theo các đồng chí: Thiếu tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Sử, Chính ủy Bệnh viện Quân y 103, khó khăn lớn nhất hiện nay trong thực hiện phong trào “Hiến máu nhân đạo cứu chữa đồng đội”, hiến máu tình nguyện là nhiều người hiểu không đúng về hiến máu, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Để khắc phục hạn chế này, trước hết phải có nhận thức đúng đắn và sự ủng hộ nhiệt tình về hoạt động hiến máu tình nguyện của các tổ chức và mỗi cá nhân. Đặc biệt, sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, các cấp chính quyền là yếu tố hết sức quan trọng để công tác vận động hiến máu tình nguyện đạt hiệu quả cao và hoạt động hiến máu tình nguyện trở thành phong trào sâu rộng, thành nét đẹp truyền thống của mỗi cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường. Việc tổ chức tiếp nhận máu phải bảo đảm tính chuyên môn cao, an toàn tuyệt đối, tạo lòng tin với người tham gia hiến máu tình nguyện. Luôn quan tâm chu đáo đến công tác chăm sóc, tôn vinh người hiến máu tình nguyện, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào hiến máu tình nguyện.

Bài và ảnh: MAI CHU ANH