Trung tá QNCN Nguyễn Thị Hiền Lương, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Kon Tum cho biết: “Đồng hành với địa phương giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã kết nghĩa, giúp đỡ xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, nơi đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 88,7%, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với bám bản làng, nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con, Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa, nhằm “tiếp sức” để người dân vượt khó, đoàn kết vươn lên xây dựng cuộc sống mới ngày càng no ấm, hạnh phúc”.

leftcenterrightdel

Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Kon Tum trao quà tặng các em mồ côi xã Ya Xiêr. Ảnh: TRUNG HIẾU 

Bế cháu nhỏ A Trung trên tay, bà Y Duet ở làng Trang, xã Ya Xiêr xúc động: “Bà cháu tôi phải cảm ơn các cô bộ đội Bộ CHQS tỉnh Kon Tum nhiều lắm. Nhờ có sự hỗ trợ, giúp sức của các cô mà bà cháu chúng tôi vơi bớt khó khăn, vất vả”. Được biết, năm 2018, sau khi sinh A Trung, chị Y HLanh (mẹ A Trung) gặp tai biến sản khoa và qua đời. A Trung được hơn 2 tuổi thì cha đi lấy vợ. Hai chị em A Trung về sống với bà ngoại đã già yếu, neo đơn. Qua khảo sát thực tế tình hình địa phương, Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã đến động viên, hỗ trợ kịp thời. Những món quà, nhu yếu phẩm mang nặng nghĩa tình đã giúp 3 bà cháu vơi bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống.

Không riêng gia đình bà Y Duet, nhiều năm trở lại đây, cán bộ, hội viên phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã trở thành người thân của hơn 80 cháu bé có hoàn cảnh khó khăn hoặc mồ côi cha (mẹ) trên địa bàn xã Ya Xiêr. Mỗi lần nghe tin các cô bộ đội về xã, cháu nào cũng háo hức mong chờ để được đón nhận những phần quà, gói bánh, dụng cụ học tập và cả tình yêu thương, vỗ về ấm áp của những “người mẹ thứ hai”. Ngoài ra, Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh còn nhận đỡ đầu, trao học bổng với tổng trị giá 6 triệu đồng/năm tặng 3 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Mỗi lần về với xã Ya Xiêr, cán bộ, hội viên phụ nữ Bộ CHQS tỉnh đều mang theo những món quà thiết thực hỗ trợ bà con, như: Quần áo, gạo, mì ăn liền, nước nắm, dầu ăn, cá khô... Không những thế, các chị còn trực tiếp đến từng nhà, “miệng nói tay làm” tuyên truyền vận động, phổ biến kỹ thuật trồng rau sạch tại vườn, hướng dẫn người dân cải tạo đất, rào vườn, hỗ trợ cây giống, phổ biến phương pháp gieo trồng và lịch canh tác... Chị Y Nhueng ở làng Trang bộc bạch: “Các chị bộ đội giúp gia đình mình rất nhiều, không chỉ tặng ti vi, quần áo và gạo mà còn bày cho nhà mình biết cách trồng rau sạch, nuôi gà, heo. Giờ cuộc sống gia đình mình cũng ổn rồi, mình phấn khởi lắm!”.

Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số xã Ya Xiêr có thói quen “người ở đâu, gia súc ở đó”. Để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống của bà con, năm 2018, Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ya Xiêr xây dựng điểm mô hình "Làng phụ nữ 3 sạch" tại làng O. Theo đó, Hội Phụ nữ chọn gia đình chị Y Rưới và gia đình chị Y Nốc làm điểm và tổ chức cho dân làng đến tham quan, học tập.

“Với sự sát sao, hướng dẫn, vận động của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh, chị em trong làng dần thay đổi nhận thức. Làng mình nay khác lắm, chuồng trại được xây dựng cách xa nơi ở, không còn tình trạng nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, nhà cửa sạch sẽ. Hằng tháng, người dân đều ý thức tổ chức quét dọn đường làng, ngõ xóm”, chị Y Rưới vui mừng khoe.

Như những đóa dã quỳ tỏa hương nơi núi rừng Tây Nguyên, những việc làm thiết thực, ý nghĩa của cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Kon Tum giờ đây được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đánh giá cao. Hiệu quả của mô hình với những việc làm cụ thể đã tạo sợi dây gắn kết nghĩa tình quân dân ngày càng khăng khít, bền chặt, góp phần vô hiệu hóa những luận điệu xuyên tạc, vu cáo, bịa đặt của các thế lực thù địch. Các chị đã góp phần quan trọng cùng các cơ quan chức năng tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, tạo đồng thuận xã hội, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng địa phương mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh. 

ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP