leftcenterrightdel

LLVT thị xã Sông Cầu (Phú Yên) triển khai phương tiện sẵn sàng cơ động cứu hộ, cứu nạn trong bão số 9. 

Do ảnh hưởng của bão, những ngày qua, khu vực Nam Trung Bộ liên tục có mưa to đến rất to, có thời điểm lượng mưa trung bình từ 250 - 300mm. Tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), sau 2 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, bộ đội cùng các thầy cô giáo trường tiểu học và trường mầm non An Vĩnh đã gia cố toàn bộ hệ thống mái che, cửa chính, cửa sổ trong các toàn nhà và “kê cao, kích bổng” nhiều trang bị, vật tư, máy móc, đồ dùng dạy học, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do mưa bão.

Chiều 19-12, gần 100 lượt cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Ban CHQS huyện tiếp tục cơ động về thôn Đông An Vĩnh, hỗ trợ các gia đình chính sách, neo người tiến hành chằng chống nhà cửa, sơ tán tài sản, vật nuôi có giá trị đến nơi tránh trú.

leftcenterrightdel

LLVT thị xã Sông Cầu (Phú Yên) triển khai phương tiện sẵn sàng cơ động cứu hộ, cứu nạn trong bão số 9.  

Trước diễn biến, đường đi phức tạp của bão Rai, Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra công tác chủ động ứng phó, sẵn sàng cơ động giúp dân của các cơ quan, đơn vị.

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, do hiện nay đang là cao điểm cuối mùa mưa nên phần lớn tàu cá của bà con ngư dân ở Nam Trung Bộ vẫn chưa hoạt động, hoặc chỉ đánh bắt gần bờ, chính vì vậy, khi chính quyền các địa phương thực hiện lệnh cấm biển, bà con tuân thủ, thực hiện rất nghiêm túc, kịp thời.

Ngư dân Trần Minh Tiến, chủ tàu cá đang neo đậu tại âu thuyền An Hòa (thôn Linh Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “Tuy mới đánh được 1/3 khoang cá, chưa đủ chi phí tiền dầu song khi nhận được thông tin từ cơ quan chức năng về cơn bão số 9, để bảo đảm an toàn, chúng tôi quyết định cất lưới, quay đầu hướng về bờ. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của các chiến sĩ, bộ đội, dân quân, sau khi xuống hàng, tàu tôi đã được gia cố, chằng chống rất an toàn, cẩn thận”.

leftcenterrightdel

LLVT thành phố Hội An (Quảng Nam) hỗ trợ người dân chằng chống lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Trên xã đảo Tam Hiệp (thành phố Hội An), bất kể ngày hay đêm, mỗi lần có tàu cá của ngư dân cập bến, các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn hỗn hợp 70 (Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam) lại phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng, dân quân và các lực lượng chức năng của địa phương tích cực hỗ trợ bà con xuống hàng, kéo thuyền vượt qua bờ cát, về khu neo đậu, tránh trú an toàn.

Đến 17 giờ ngày 18-12, toàn bộ 799 tàu, thuyền với gần 6.000 ngư dân của Bình Định đang đánh bắt trên các vùng biển của cả nước đã tìm được nơi tránh trú an toàn. Hiện nay, LLVT Bình Định đang tích cực hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cả, gia cố, di chuyển các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển đến khu vực an toàn. Trước khi bão đổ bộ, toàn bộ người dân sinh sống tại các khu vực trũng thấp, xung yếu ven bờ biển và trên các lồng bè sẽ được sơ tán đến nơi tránh trú.

Từ kinh nghiệm phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn thời gian qua, trước khi bão số 9 đổ bộ, Ban CHQS các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam là Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang đã chủ động phối hợp cùng các lực lượng chức năng tổ chức di dời hàng trăm hộ gia đình sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi sơ tán an toàn.

Ban CHQS các xã cũng chủ động phân công cán bộ, chiến sĩ về ứng trực sẵn tại các thôn, xóm, sẵn sàng ứng cứu nhân dân khi có tình huống xấu xảy ra. Những khu vực nguy hiểm trên các tuyến đường liên thôn, liên xã đều có lực lượng dân quân tại chỗ ngày đêm chốt chặn, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn người dân qua lại.

Trung tá Nguyễn Hữu Thắng, Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 315 cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, Sư đoàn 315 đã thực hiện lệnh cấm trại toàn đơn vị, tập trung tối đa lực lượng, phương tiện tỏa về các hướng hỗ trợ nhân dân phòng chống bão. Ngoài 1.600 cán bộ, chiến sĩ và 35 ca nô, tàu thuyền, phương tiện tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, đơn vị còn tổ chức 2 đội phản ứng nhanh, gồm những đồng chí có sức khỏe, kỹ năng cứu hộ, cứu nạn và khả năng bơi lội tốt, có thể lên đường thực hiện nhiệm vụ bất cứ lúc nào. Vừa chống bão vừa chống dịch, trên mỗi ca nô, tàu thuyền, ngoài các trang bị, vật tư cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng, còn có cả quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, cồn sát khuẩn, kính chống giọt bắn rất đầy đủ. Với tinh thần vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, khi bão đổ bộ, bộ đội sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, nhường doanh trại để bà con yên tâm tránh trú”.

Để giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, Bộ tư lệnh Quân khu 5 yêu cầu các cơ quan, đơn vị tích cực theo dõi, nắm chắc diễn biến, đường đi của bão, duy trì nghiêm công tác SSCĐ, chủ động chằng chống nhà cửa, doanh trại, kho tàng; tích cực rà soát, nắm chắc những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng, sẵn sàng phương án di dời nhân dân đến nơi an toàn.

Phát huy “4 tại chỗ”, hiện nay, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân, tự vệ đã kịp thời có mặt tại các địa bàn xung yếu, phối hợp cùng các lực lượng chức năng hỗ trợ các hộ dân, cơ quan, trường học, cơ sở y tế phòng chống bão, đồng thời tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các phương tiện, tàu thuyền vào neo đậu, tránh va đập, hư hỏng do sóng to, gió lớn. Việc bảo đảm vật tư, trang bị, an  ninh, an toàn cho các khu cách ly, phong tỏa, điểm chốt chặn và lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống dịch được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

“Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, trên dải đất miền Trung - nơi bão Rai có thể đổ bộ bất cứ lúc nào, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 5 luôn là điểm tựa, bức tường thành vững chắc ngày đêm chở che, bảo vệ nhân dân.

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG