Chuẩn bị chu đáo
9 giờ ngày 19-8, tại hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Phó đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó tổng Tham mưu trưởng, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn đã tới thị sát tình hình, chỉ đạo ứng phó với bão. Thượng tá Bùi Đức Mạnh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thái Thụy báo cáo mọi công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão đã được hoàn tất. Trước đó, ngay khi nhận được công điện của trên, LLVT huyện đã phối hợp cùng với Bộ đội Biên phòng và lực lượng công an tuyên truyền tới toàn bộ các tàu, thuyền vào vị trí neo đậu an toàn, tổ chức di chuyển 190 hộ dân ngoài đê ven biển tập trung vào hội trường UBND các xã để tránh, trú bão. Đặc biệt, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền (Thái Bình) đã giúp đỡ một tàu chở dầu của Mông Cổ với 10 thuyền viên bị mắc kẹt tại phao số 5 di chuyển vào cảng vụ Diêm Điền an toàn vào ngày 18-8.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 395 (Quân khu 3) gia cố đoạn đê Hà Nam, đoạn qua thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Tại tỉnh Ninh Bình, Đại tá Nguyễn Ngọc Thạch, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh bố trí 2 trung đội dân quân tự vệ (DQTV), mỗi xã 1 tiểu đội DQTV trực chiến, sẵn sàng khắc phục hậu quả. LLVT tỉnh cũng đã di dời 18 hộ dân trong lòng hồ Thường Xung (Nho Quan) về nơi an toàn, huyện Kim Sơn đã di dời 336 lao động ở các đầm nuôi thủy, hải sản từ khu vực đê Bình Minh 3 đến Cồn Nổi và Bình Minh 2 về nơi tránh trú.
Đến gần 10 giờ ngày 19-8, tại tỉnh Nam Định, gần 2.000 phương tiện và hơn 5.000 ngư dân nằm trong vùng ảnh hưởng của bão đã vào các nơi neo đậu, tránh trú. Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo 100% cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực cứu hộ, cứu nạn, huy động lực lượng thường trực gần 400 đồng chí; lực lượng dân quân cơ động gần 5.000 đồng chí và 1 Tiểu đoàn DBĐV của tỉnh, 26 phương tiện tàu, xuồng, ô tô các loại, phối hợp với các lực lượng sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Trên đảo Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng), Ban CHQS huyện đảo và Tiểu đoàn phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ đã huy động 100% quân số tham gia neo đậu tàu bè giúp ngư dân, phối hợp với lực lượng biên phòng cùng các ban, ngành địa phương kêu gọi 676 phương tiện với gần 2.000 lao động vào âu cảng, đưa 120 thuyền nan lên bờ.
Tại Quảng Ninh, từ chiều ngày 18 đến sáng 19-8, Sư đoàn 395 đã huy động 140 cán bộ, chiến sĩ cùng các lực lượng của Ban CHQS thị xã Quảng Yên, Lữ đoàn 147 (Quân chủng Hải quân) và lực lượng công an khẩn trương gia cố an toàn đoạn đê Hà Nam (phường Yên Hải, thị xã Quảng Yên). Đại tá Phạm Đức Tiếp, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 395, thông tin: “Nhận được yêu cầu từ địa phương, chúng tôi đã kịp thời triển khai lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Đến 10 giờ ngày 19-8, toàn bộ đoạn đê xung yếu có sự tham gia của sư đoàn đã được gia cố chắc chắn”.
Sát cánh cùng dân
Sáng sớm 19-8, chúng tôi có mặt tại cảng Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Mưa đã nặng hạt. Gió từ biển thốc vào từng đợt. Từng dãy tàu thuyền tại cảng dềnh lên theo đợt sóng xô. Đại tá Mai Văn Quang, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thái Bình cho biết: “Với sự nỗ lực của các lực lượng, đến 16 giờ ngày 18-8, Thái Bình đã hoàn tất việc sơ tán dân khỏi các khu nhà xuống cấp. Tại Diêm Điền đã có hơn 1.200 ngư dân được di dời đến nơi an toàn, hơn 400 tàu thuyền được chằng néo tránh va đập. Các hộ dân nuôi ngao ở ven biển Tiền Hải cũng đã được di chuyển vào bờ từ tối 18-8. Chúng tôi cũng đã lập hai sở chỉ huy tiền phương trên địa bàn huyện Thái Thụy và Tiền Hải để xử lý ngay những tình huống phức tạp”. Ở xã Đông Quý, huyện Tiền Hải, chúng tôi gặp anh Mai Văn Chu, người dân nuôi hải sản ở ven biển. Anh nói với chúng tôi: “Trận bão số 1, một số người dân chủ quan nên bị thiệt hại. Lần này chúng tôi nghe các anh bộ đội tuyên truyền, vận động, đã nhanh chóng đưa tất cả các lồng nuôi vào bờ. Cũng may là có các anh ấy giúp sức, nên việc di chuyển khá nhanh gọn”.
Chúng tôi được biết, trong suốt những giờ bão tràn qua Thái Bình, hơn 500 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực của Bộ CHQS tỉnh, cùng hơn 600 quân dự bị động viên, DQTV đã được huy động tập trung ứng trực tại các cửa biển, các tuyến đê xung yếu cùng hàng chục phương tiện chuyên dụng. Lực lượng này sẵn sàng vượt bão để cứu giúp nhân dân khi hiện tượng sập đổ, sạt lở xảy ra. Ngoài lực lượng của tỉnh, bộ đội Trung đoàn 8, Sư đoàn 395 cũng được báo động, sẵn sàng tăng cường về các địa bàn trọng yếu cùng với địa phương giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão. Các vị trí dành cho nhân dân tránh, trú bão đều được chuẩn bị chu đáo về lương thực, thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu.
Gần trưa 19-8, chúng tôi tới Bệnh viện Nhi Thái Bình. Tại đây, cán bộ, chiến sĩ của Bộ CHQS tỉnh vẫn đang đội mưa để vận chuyển một khối lượng lớn vật liệu xây dựng của bệnh viện đến vị trí an toàn. Các vị trí bị hư hỏng do bão số 1 gây ra chưa kịp khắc phục, nay được bộ đội gia cố khá kỹ càng. Đại úy Nguyễn Việt Hưng, Trợ lý Ban Quân báo Trinh sát, Phòng Tham mưu, cho biết: “Từ sáng tới giờ chúng tôi đã giúp bệnh viện di dời khoảng 10 tấn vật liệu các loại…”.
Từ cảng biển Diêm Điền trở về, Phó đô đốc Phạm Ngọc Minh đã biểu dương tinh thần nỗ lực khắc phục khó khăn, chủ động ứng phó với bão số 3 của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng quân đội và nhân dân trên địa bàn Quân khu 3. Phó đô đốc Phạm Ngọc Minh nhấn mạnh: Để tiếp tục đối phó với hoàn lưu bão, LLVT tỉnh Thái Bình nói riêng và Quân khu 3 nói chung cần tiếp tục duy trì chặt chẽ, nghiêm túc các chế độ trực, bảo đảm đầy đủ lực lượng, phương tiện, theo dõi và cập nhật liên tục diễn biến thời tiết, giữ vững liên lạc với chỉ huy các cấp, nhằm kịp thời xử lý hiệu quả các sự cố.
DŨNG NGỌC ĐẠT – ĐỒNG THANH KHÁNH