Ngay sau khi thành lập (22-12-1944) và có hai trận thắng mở màn Phai Khắt-Nà Ngần gây tiếng vang lớn, đến đầu năm 1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tiếp tục tổ chức thêm một số trận đánh nhỏ, thu nhiều vũ khí của địch trang bị cho các đội viên mới được bổ sung. Tiêu biểu như trận diệt địch ở đèo Cao Bắc (gần Nà Ngần), thu 30 súng và nhiều đạn dược. Thời gian này, do lực lượng còn mỏng, chưa tổ chức được bộ phận làm công tác hậu cần riêng nên quá trình hành quân, chiến đấu, việc bảo đảm đời sống cho toàn đội đều do các tổ chức quần chúng cơ sở, đoàn thể phụ nữ trực tiếp đảm nhiệm. Tùy theo kế hoạch tác chiến, bố trí lực lượng, đồng chí phụ trách công tác “cơm áo gạo tiền” trực tiếp liên hệ, hiệp đồng với các tổ chức quần chúng địa phương, nhờ giúp đỡ tiếp tế tại chỗ.
Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, Đảng ta đã ra Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Theo chỉ thị đó, các đội vũ trang đã đẩy mạnh hoạt động, tước khí giới của địch, phát triển lực lượng. Trên đường “Nam tiến”, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã thu hàng nghìn súng (có cả súng máy và súng cối) của tàn quân Pháp, tự trang bị cho mình. Ngày 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa phát Quân lệnh số 1, yêu cầu Việt Nam Giải phóng quân tập trung lực lượng, kịp đánh vào các đô thị và trọng điểm của quân địch, đánh chặn các đường rút lui của chúng, tước vũ khí của chúng. Thực hiện quân lệnh, từ chiều 16 đến 20-8-1945, các đơn vị Giải phóng quân cùng với lực lượng quần chúng nhân dân tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang đã khởi nghĩa giành chính quyền, thu hơn 600 khẩu súng cùng nhiều đạn dược của địch, trang bị cho hai chi đội Giải phóng quân mới thành lập. Trong khi đó, tại Hà Nội, các đội xung phong, tự vệ với trang bị súng ngắn, súng trường, lựu đạn và phần lớn là vũ khí thô sơ dẫn đầu các đoàn quần chúng đánh chiếm các vị trí quan trọng mà quân Nhật đang chiếm giữ... Đến ngày 19-8, khởi nghĩa thắng lợi, lực lượng Giải phóng quân và tự vệ Hà Nội được trang bị súng mới thu được của địch, tiếp tục làm công tác bảo vệ công sở, kho tàng, giữ gìn trị an... Sau đó, lần lượt là các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi tại Huế (23-8-1945), Sài Gòn-Gia Định (25-8-1945) và các địa phương khác trên cả nước... Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù chưa được bố trí một cơ quan, đơn vị cung cấp, tiếp tế, chuyên lo về công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, song với chủ trương dựa vào “hậu cần nhân dân” và phương thức thu vũ khí của địch, tự bảo đảm cho mình, lực lượng Giải phóng quân và các đội tự vệ vẫn cơ bản có đủ vũ khí để chiến đấu. Có được kết quả đó, ngoài việc làm tốt công tác dân vận, gây được tình cảm yêu mến của nhân dân, còn phải kể đến sự sáng tạo, chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, chiến sĩ. Đây có thể coi là phương thức bảo đảm hậu cần độc đáo của Quân đội ta, một bước phát triển của phương pháp bảo đảm hậu cần dựa vào dân, được kế thừa và phát triển đến tận sau này và còn mang giá trị lâu dài.
Sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị phải nhanh chóng chấn chỉnh, mở rộng Giải phóng quân Việt Nam và đổi tên thành Vệ quốc đoàn. Từ chỗ chỉ có 5.000 người, trong thời gian ngắn, lực lượng Vệ quốc đoàn đã phát triển thành nhiều chi đội với hơn 5 vạn người. Trước sự lớn mạnh không ngừng của Quân đội ta, để bảo đảm công tác cung cấp, đầu tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Phòng Quân nhu trên cơ sở Ủy ban Binh lương với 20 cán bộ, nhân viên. Lúc này, nhiệm vụ của phòng là thu gom gạo ở các kho của Nhật còn lại ở khu vực Hà Nội; thu gom quân trang của các trại bảo an binh trước đây về sửa chữa lại cho chiến sĩ Vệ quốc đoàn, tổ chức thu mua muối, gạo... ở các đơn vị và địa phương để bảo đảm bữa ăn hằng ngày cho bộ đội. Bắt đầu từ đây, tổ chức quân nhu từng bước hình thành để lo việc nuôi dưỡng bộ đội. Sau đó, ngày 15-9-1945, Phòng Quân giới được thành lập có nhiệm vụ thu thập, mua sắm và tổ chức sản xuất, sửa chữa vũ khí. Nhờ sự phối hợp của Phòng Quân giới và Phòng Quân nhu, cùng sự hỗ trợ của các cơ quan, địa phương, ta thu mua được một khối lượng lớn vũ khí đạn của bọn sĩ quan quân Tưởng, Nhật và Pháp. Sau đó, Phòng Quân giới mở rộng xưởng vũ khí đã có từ tiền khởi nghĩa và xây dựng mới nhiều xưởng vũ khí ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam để chuẩn bị cho các cuộc kháng chiến sau này.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra cách đây đã 74 năm. Song, giá trị lịch sử và những bài học kinh nghiệm về công tác tổ chức, chỉ huy, chiến đấu, nhất là việc chủ động chuẩn bị hậu cần, sự sáng tạo trong bảo đảm vũ khí, trang bị cho bộ đội chiến đấu và chiến thắng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Mặc dù hiện nay, cơ cấu, tổ chức, bộ máy hậu cần-kỹ thuật của Quân đội ta đã có sự phát triển, lớn mạnh, ngày càng chính quy, khoa học, hiện đại, song, trong thực tiễn công tác bảo đảm vẫn cần phải nghiên cứu, vận dụng sáng tạo phương thức, cách thức tổ chức hoạt động cung cấp từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vào thực tiễn sau này.
LÊ MẠNH TIẾN (Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng)