Do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thời tiết của Việt Nam nói chung, khu vực duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng có những diễn biến hết sức phức tạp, bất thường. Trên khu vực biên giới biển các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận... ngành nghề chính của người dân là đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản, dịch vụ du lịch, vận tải hàng hải. Trong đó, phương tiện tàu cá phục vụ việc khai thác, đánh bắt hải sản chiếm tỷ lệ cao, nguy cơ tai nạn rủi ro trên biển luôn tiềm tàng, như: Đâm va, hỏng máy, chìm tàu, tai nạn lao động, mất tích trên biển... thường xuyên diễn ra. 

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Hải, BĐBP tỉnh Ninh Thuận tham gia kéo tàu của ngư dân địa phương về nơi an toàn trước bão. (Ảnh: http://baoninhthuan.com.vn)

 

Vụ việc vào lúc 15 giờ ngày 14-2-2017 là một ví dụ. Khi đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang nhận được tin báo từ Đại lý Vosa Nha Trang: Tàu GRAND PAVO, quốc tịch Panama, đang hành trình từ Kuwait sang Hàn Quốc thì thủy thủ Ronal G.Wenceslao (sinh năm 1991), quốc tịch Philippines, bị sốt khó thở, xin được cấp cứu. Chủ tàu báo cáo các cơ quan chức năng xin dừng tàu tại vị trí hoa tiêu phía Nam và xin được hỗ trợ. Nhận được tin báo, Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực IV phối hợp với các đơn vị liên quan sử dụng tàu SAR 27-01 thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, tiếp cận tàu có người bị nạn, thực hiện sơ cứu ban đầu và đưa thuyền viên vào cảng Nha Trang, bàn giao cho trung tâm cấp cứu y tế và các cơ quan liên quan.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực IV, nguyên nhân của các vụ việc trên chủ yếu là do diễn biến thời tiết trên biển xấu, thay đổi bất thường, nhiều ngư dân thiếu kinh nghiệm và kỹ năng đi biển. Một số chủ tàu còn chủ quan, lơ là dẫn tới việc bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, một số phương tiện chỉ trang bị cho có để đối phó với lực lượng chức năng. Trong khi đó, pháp luật hiện hành chưa có chế tài đủ mạnh để ràng buộc trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền trưởng trong bảo đảm an toàn đối với người lao động hành nghề trên biển.

Đại tá Hồ Thanh Tùng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Khánh Hòa cho biết, BĐBP các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực IV đã trao đổi xử lý 96 vụ việc, sự cố, tai nạn trên biển (trong đó tỉnh Phú Yên 25 vụ, Khánh Hòa 41 vụ, Ninh Thuận 30 vụ), vụ việc liên quan đến tàu cá là 78 vụ chiếm 91%. Hiện các bên luôn chủ động thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong việc xử lý vụ việc tai nạn, sự cố trên biển. Hằng năm, BĐBP các tỉnh luôn rà soát, bổ sung xây dựng kế hoạch PCTT-TKCN sát với tình hình thực tế của địa bàn đơn vị quản lý. Ngoài ra, BĐBP các tỉnh, Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực IV luôn duy trì lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng tham gia TKCN trên biển khi có tình huống, duy trì tốt mối quan hệ phối hợp với Vùng 4 Hải quân; Vùng Cảnh sát biển 2, 3; các Đài Thông tin duyên hải tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận.

Kết quả, trong năm 2017, tổng số người bị nạn trên biển được cứu là 587 người; số người chết và mất tích là 12 người; số phương tiện được hỗ trợ, cứu nạn là 78 phương tiện. Hoạt động phối hợp xử lý thông tin trong TKCN hàng hải cũng có sự phối hợp nhịp nhàng giữa BĐBP các tỉnh với Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực IV. Các thông tin vụ việc thu nhận được chuyển tiếp kịp thời, cùng nhau phối hợp xác minh một cách nhanh chóng và xử lý theo quy trình. Các bên đã tuân thủ nguyên tắc thực hiện phương châm "4 tại chỗ" mang lại hiệu quả cao trong hoạt động hỗ trợ và TKCN trong vùng biển nêu trên. Thời gian tới, các lực lượng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, tuyên truyền để ngư dân chủ động trong công tác bảo đảm kỹ thuật máy móc, trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu hỏa; thường xuyên tổ chức thực hiện huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn, trong đó chú trọng nội dung tiếng Anh chuyên ngành TKCN, sử dụng phần mềm SAROPS và các trang thiết bị liên lạc; vận động ngư dân đánh bắt xa bờ, dài ngày lắp thiết bị hàng hải (AIS), đồng thời tổ chức tư vấn, hướng dẫn ngư dân kiểm tra sức khỏe trước khi đi biển, hướng dẫn sơ cứu người bị tai biến; phát huy vai trò của nghiệp đoàn nghề cá trên biển, đồng thời vận động, hướng dẫn ngư dân tham gia phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.

Ông Nguyễn Xuân Bình cho biết, do điều kiện về cơ sở vật chất, thời gian, tính chất công việc của các bên không thống nhất; trang bị, phương tiện BĐBP các tỉnh không chuyên dụng, qua sử dụng lâu năm, khả năng chịu đựng sóng gió thấp, nhiên liệu bảo đảm thiếu nên công tác TKCN còn nhiều hạn chế. Các đơn vị mong muốn UBND các tỉnh và cơ quan chuyên ngành các cấp thời gian tới tiếp tục quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng, bảo đảm kinh phí PCTT-TKCN hằng năm cho các đơn vị để chủ động lực lượng, phương tiện và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ TKCN trên biển nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả khi có tình huống, đồng thời cải thiện cơ chế tài chính trong thanh quyết toán chi trả kinh phí thực hiện nhiệm vụ TKCN trên biển được nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm đúng nguyên tắc cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ TKCN trên biển.

HOÀNG VIỆT