Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy về kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954, tháng 12-1953, Hội nghị Liên khu ủy và Đảng ủy Bộ tư lệnh Liên khu 5 quyết định mở chiến dịch tiến công quân địch trên địa bàn hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai (bắc Tây Nguyên), nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực, phá tan âm mưu lấn chiếm của Pháp, củng cố và mở rộng vùng giải phóng, nối Liên khu 5 và Hạ Lào; cùng với các chiến trường Trung Lào, Hạ Lào phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.
Theo kế hoạch, đêm 26-1-1954, bộ đội ta tiến công địch ở các cứ điểm Cà Tung, Ba Bả, Cà Tu, Búp Bê, mở màn Chiến dịch bắc Tây Nguyên. Đây là chiến dịch diễn ra rất khẩn trương, thể hiện hai bên ta và địch đấu trí, đấu lực rất quyết liệt, căng thẳng, trong đó với ta nổi lên những nét mới về nghệ thuật tác chiến chiến dịch ở một chiến trường xa Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy.
Bộ đội Khu 5 tiến công tiêu diệt cứ điểm Măng Đen trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên tháng 1-1954. Ảnh tư liệu
Trước hết là, ta chọn đúng hướng tiến công và thực hiện hiệu quả ngay từ khi mở màn chiến dịch. Trên địa bàn bắc Tây Nguyên, địch chia làm 2 khu Kon Tum và Plei-cu, có 4 tiểu đoàn cơ động và 15 đại đội đóng giữ. Riêng khu Kon Tum, địch tổ chức thành ba khu vực phòng thủ (Bắc, Nam, Đông) và thị xã, trong đó khu Đông gồm các cứ điểm Măng Đen, Công Brây, Măng Bút nằm trên tỉnh lộ số 5, địch phòng ngự tương đối mạnh. Ở khu nam Kon Tum có các cứ điểm Đắc Đoa, Buôn Hồ án ngữ đường số 14, nối Kon Tum với Plei-cu. Địch bố trí các cứ điểm cách nhau 10-15km, trong đó nhiều cứ điểm có hệ thống công sự, vật cản bảo vệ khá kiên cố và mỗi cứ điểm có một số đồn do quân lính trấn giữ.
Căn cứ vào thế bố trí của địch, Bộ chỉ huy chiến dịch xác định sử dụng lực lượng tiến công trên hai hướng: Hướng chủ yếu (bắc Kon Tum) do Trung đoàn 108 chủ lực Liên khu 5 và đặc công đảm nhiệm tiến công hai cứ điểm Măng Đen, Măng Bút, nhằm phá vỡ thế phòng thủ đông bắc của địch; Trung đoàn 803 (thiếu) chủ lực Liên khu 5 tiến công cứ điểm Công Brây, uy hiếp thị xã Kon Tum, sẵn sàng đánh viện binh địch trên đường số 5 (đoạn Kon Tum-Công Brây). Tiếp đó, một bộ phận lực lượng chủ lực đánh kiềm giữ địch, còn phần lớn lực lượng phát triển tiến công sang hướng tây bắc đánh địch ở khu vực Đắc Tô và Đắc Lây. Hướng thứ yếu (đường số 19, An Khê), do Trung đoàn 120 địa phương cùng Tiểu đoàn 40, Đại đội 11, Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 803) đảm nhiệm tiến công các cứ điểm Cà Tung, Ba Bả, Cà Tu, tiêu diệt, thu hút giam chân địch, tạo điều kiện cho hướng chủ yếu tiến công theo kế hoạch của chiến dịch. Theo dõi nắm chắc địch đang tập trung phần lớn lực lượng ở Phú Yên, Bộ chỉ huy chiến dịch họp nhận định: Nếu đòn tiến công của ta ở bắc Tây Nguyên không đủ sức uy hiếp mạnh và tiêu diệt được địch, thì chúng sẽ đưa lực lượng cơ động lên ứng cứu. Trên cơ sở đó, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định sử dụng lực lượng ở hướng thứ yếu nổ súng mở màn chiến dịch, tạo điều kiện cho lực lượng trên hướng chủ yếu tiến công tiêu diệt địch. Như vậy, ta đã chọn lực lượng ở hướng thứ yếu nổ súng trước mở màn chiến dịch, bởi lẽ khi ta tiến công trước vào các cứ điểm trên đường số 19 (đoạn Plei-cu - An Khê) thì sẽ thu hút sự chú ý của địch xuống phía nam, kìm chân chúng để bộ đội ta ở hướng chủ yếu (bắc Kon Tum) đồng loạt tiến công vào các cứ điểm địch. Đây là nơi địch có các cứ điểm khá mạnh, nhưng lại là khu vực phòng ngự hiểm yếu, không liên hoàn, nên khi bị ta tiến công, địch buộc phải đưa quân lên ứng cứu, do đó, tạo điều kiện thuận lợi cho ta đánh tiêu diệt địch ngoài công sự để giành thắng lợi...
Chiến dịch tiến công bắc Tây Nguyên năm 1954 đã đạt mục đích tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng địa bàn chiến lược bắc Tây Nguyên rộng gần 16.000km2 với khoảng 20 vạn dân, nối liền với vùng giải phóng của bạn ở Hạ Lào. Thắng lợi của chiến dịch đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật tác chiến của bộ đội ta trên chiến trường Tây Nguyên và để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, nhất là về xác định hướng tiến công và vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến. Đó là ta xác định đúng hướng mở màn chiến dịch, gây bất ngờ đối với địch và kịp thời chuyển hướng phát triển tiến công ngay sau khi đợt 1 chiến dịch vừa kết thúc, khiến lực lượng lớn quân địch ở bắc Tây Nguyên không còn khả năng tự ứng cứu mà phải ngừng cuộc hành quân Át-lăng ở Phú Yên để đưa lực lượng lên cũng bị thất bại.
DƯƠNG ĐÌNH LẬP