Đầu năm 1954, để kìm chân chủ lực địch không cho chúng ra miền Bắc chi viện, ta mở chiến dịch tiến công lên bắc Tây Nguyên. Mở đầu, ta tiêu diệt một loạt hệ thống đồn bốt của địch tại Kon Tum, buộc quân Pháp phải tháo chạy. Với quyết tâm thực hiện bước hai của kế hoạch Atlante là đánh chiếm lại 4 tỉnh Khu 5 “Nam, Ngãi, Bình, Phú” (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), địch điều binh đoàn 100 đến An Khê (Gia Lai). Về phía ta, trước sự phát triển nhanh chóng của tình hình chiến sự, Bộ tư lệnh Liên khu 5 được lệnh thành lập nhiều đơn vị chủ lực mới. Trong đó, Trung đoàn 96 được thành lập ngày 1-5-1954, do đồng chí Nguyễn Minh Châu (bí danh Năm Ngà, sau này là Thượng tướng, Tư lệnh Quân khu 7), làm Trung đoàn trưởng. Chỉ sau khi thành lập gần hai tháng, Trung đoàn 96 cùng với LLVT địa phương đã lập nên chiến công vang dội: Đánh tan binh đoàn 100 của địch, là chiến công lớn nhất trên Chiến trường Khu 5 lúc bấy giờ. Ta tiêu diệt sinh lực địch, thu nhiều chiến lợi phẩm (375 xe cơ giới, xe tăng).
 |
Đồng chí Nguyễn Chánh. Ảnh tư liệu |
Theo Thiếu tướng Trần Tiến Cung, Chiến thắng Đăk Pơ còn thể hiện sự tài ba của Tư lệnh Liên khu 5 Nguyễn Chánh. Thứ nhất là nghệ thuật nghi binh, khi đại tá Sóc-canh, chỉ huy binh đoàn 42 của địch, từ Pleiku xuống đèo Mang Yang thực hiện ý định ứng cứu binh đoàn 100, Tư lệnh mặt trận Nguyễn Chánh đã lệnh cho trinh sát kỹ thuật phát lệnh công khai trên mạng thông tin liên lạc của ta cho Trung đoàn trưởng Năm Ngà: “Bây giờ Binh đoàn Sóc-canh đã đến bắc Mang Yang. Tôi ra lệnh cho anh để binh đoàn 100 đó cho đơn vị khác, còn anh tập trung đánh Sóc-canh, đừng cho nó về Pleiku”. Sóc-canh bắt được điện nghi binh đã dừng lại, rút về báo cáo chỉ huy.
Thứ hai là tổ chức bảo vệ chiến lợi phẩm. Khi ta đánh xong thì xe tăng, xe thiết giáp của địch bị bỏ ngổn ngang, ùn tắc từng đống, nếu không mang về sớm thì địch sẽ cho máy bay đến phá hủy. Trong khi đó, bộ đội ta chủ yếu là nông dân, nhìn thấy ô tô là chuyện hiếm; giờ đây xe tăng, xe thiết giáp, pháo binh, xe vận tải… làm thế nào mang đi cho kịp; mặt khác, bộ đội ta vừa đánh xong cũng bị tiêu hao lực lượng, vũ khí phòng không kém. Trước tình hình trên, ta chủ trương cho thương binh, tù binh của binh đoàn 100 nằm tại mặt trận và tuyên bố công khai trên đài thông tin trên. Nếu địch muốn cứu chữa thì cho cứu chữa, nếu thả bom làm thương vong tù binh thì chúng phải chịu trách nhiệm.
Thứ ba là sử dụng lực lượng địch để phục vụ mục đích của ta. Ông đã kêu gọi số tù binh ai là lái xe tăng, xe kéo pháo, xe thiết giáp thì ra đầu hàng sớm để cho về đồng bằng. Lần lượt những tên lính lái xe ra nhận xe, nhờ đó, ta mới gỡ được "mớ bòng bong" chiến lợi phẩm. Cả đoàn xe mấy trăm chiếc, do tù binh lái được bộ đội ta chỉ huy đưa về căn cứ.
NGUYỄN SỸ LONG