Trước hết, lực lượng vận tải trên toàn tuyến gồm hai bộ phận: Đường bộ và đường sông. Bộ phận vận tải bằng đường bộ gồm: Lực lượng vận tải cơ giới (ô tô), vận tải thô sơ (xe cút kít, xe trâu, xe ngựa, xe đạp thồ, ngựa thồ) và dân công. Bộ phận vận tải bằng đường sông gồm các lực lượng sử dụng thuyền, mảng, ca nô kéo phà và sà lan. Đối với lực lượng vận tải cơ giới, trên tuyến từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến Sơn La, ta tập trung 16 đại đội xe ô tô, tổng số xe lúc cao nhất là 628 chiếc. Trên các tuyến đường bộ từ Việt Bắc sang, Liên khu 3, Liên khu 4 lên, ngoài ô tô là phương tiện vận tải chủ yếu còn có lực lượng vận tải thô sơ bằng xe cút kít (khoảng 7.000 xe), xe trâu (1.800 xe), xe ngựa (300 xe), xe đạp thồ (hơn 2 vạn xe) và ngựa thồ (17.000). Bên cạnh dân công vận tải có phương tiện thô sơ là dân công không có phương tiện (hơn 260.000 người). Đây là lực lượng đông đảo nhất trên các tuyến vận tải đường bộ. Trên tuyến vận tải dọc sông Thao, sông Đà, ta sử dụng các đoàn thuyền, mảng (11.800 chiếc), ca nô kéo phà (10 chiếc) và sà lan chuyển đến Lai Châu, rồi ngựa thồ, xe đạp thồ chuyển tiếp tới mặt trận. Việc huy động và tổ chức các lực lượng vận tải theo từng tuyến bằng đường bộ, đường sông đã phát huy được sức mạnh của từng lực lượng trong kế hoạch chung vận chuyển trên toàn tuyến.
Trên các tuyến đường bộ từ hậu phương Việt Bắc, Liên khu 4 lên Sơn La, ngoài ô tô là phương tiện vận tải chủ yếu, ta sử dụng xe đạp thồ, từ Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Phú Thọ… liên tục vận chuyển hàng trên các tuyến đường hẹp qua nhiều đèo dốc cao, suối sâu, từ hậu phương ra mặt trận. Bên cạnh đó, một số tuyến đường bộ từ Thanh Hóa, Hòa Bình, Vĩnh Phúc… ta sử dụng xe cút kít, xe trâu và xe ngựa vận chuyển hàng lên Sơn La. Tiếp đó, ta huy động dân công là lực lượng chủ yếu mang vác để bảo đảm bí mật, kết hợp với sử dụng một số phương tiện vận tải thô sơ phù hợp trên 3 tuyến vận chuyển chủ yếu: Sơn La-Tuần Giáo, Tuần Giáo-Km62 (đường Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ), Km62 trở vào nơi tập kết chiến dịch và hai tuyến vận chuyển hỗ trợ: Mường Luân-Nà Sang, Ba Nậm Cúm-Lai Châu-Mường Pồn, Bản Tấu. Nhờ kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng vận tải trên toàn tuyến, khối lượng hàng vận chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến được kịp thời trước khi ta nổ súng và trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch.
Trong Chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, các mặt hàng vật chất bảo đảm phục vụ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” đã khó khăn, đến khi chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc” càng khó khăn gấp bội. Các lực lượng tham gia chiến dịch tăng, thời gian chiến dịch kéo dài, nhu cầu bảo đảm vật chất tăng vọt, trong đó gạo chiếm khối lượng lớn, tăng gấp 3 lần, đạn tăng gấp hai lần. Vì thế, các lực lượng vận tải phải được huy động thêm và tổ chức phù hợp ở từng tuyến. Trên các tuyến vận chuyển từ vùng hậu phương Việt Bắc, Liên khu 4 và các tỉnh tự do thuộc Liên khu 3, các lực lượng vận tải được tổ chức hợp lý. Lực lượng vận tải bằng ô tô được tổ chức và phân công vận chuyển hàng theo từng đại đội. Lực lượng dân công sử dụng xe đạp thồ được tổ chức thành từng đoàn theo địa phương. Mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội 30-40 người. Dưới trung đội là nhóm, mỗi nhóm 3-5 người… Việc huy động và tổ chức được từng lực lượng vận tải phù hợp đã bảo đảm thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng, kịp thời phục vụ chiến dịch.
Với quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, trên tuyến vận tải đường bộ từ Lạng Sơn đến Tuần Giáo dài 850km, theo kế hoạch là 7 đêm/chuyến, các đại đội xe 205, 207 và 209 đã thực hiện vượt mức, đạt 5 đêm/chuyến. Ở các tuyến vận tải bộ từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Phú Thọ... lực lượng dân công sử dụng hàng vạn xe đạp thồ vận chuyển hàng liên tục từ quá trình chuẩn bị đến suốt quá trình diễn ra chiến dịch. Trung bình mỗi xe thồ được 100kg, sau đó nâng lên từ 200 đến 300kg, điển hình là dân công Ma Văn Thắng (Phú Thọ) chở được tới 352kg. Năng suất xe đạp thồ cao gấp hơn 10 lần dân công gánh bộ… Toàn chiến dịch, các lực lượng vận tải trên toàn tuyến đã tổ chức vận chuyển được nhiều loại mặt hàng, trong đó 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt… từ hậu phương ra mặt trận, bảo đảm cho bộ đội sức khỏe để tác chiến dài ngày giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi hoàn toàn, kết thúc chiến dịch.
Thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của quân và dân ta, trong đó, nghệ thuật tổ chức vận tải bảo đảm cho chiến dịch vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phát triển sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP