Trước Ngày Toàn quốc kháng chiến, các cơ quan, kho tàng lần lượt chuyển đến căn cứ, tổ chức cho nhân dân tản cư đến nơi an toàn. Các đơn vị bộ đội sẵn sàng chiến đấu. Nhân dân các vùng bị địch uy hiếp sẵn sàng thực hiện “vườn không nhà trống”. Các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng bộ Việt Minh, Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy một mặt chuẩn bị vị trí di chuyển về phía Tây và Tây Nam Hà Nội, mặt khác cử các đội công tác lên Việt Bắc chuẩn bị chu đáo căn cứ kháng chiến.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rời khỏi Hà Nội về căn cứ kháng chiến. Ảnh tư liệu.
Theo chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ đạo Bộ chỉ huy Chiến khu 11 (Mặt trận Hà Nội) nghiên cứu phương án tác chiến theo yêu cầu tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giam chân chúng một thời gian ở Hà Nội, vừa chiến đấu vừa phát triển lực lượng. Chủ trương tác chiến: Các lực lượng vũ trang Hà Nội sẵn sàng chiến đấu cao để khi cần thiết nắm lấy quyền chủ động tập kích, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân Pháp; tập trung lực lượng thích đáng đánh tiêu diệt một vài vị trí, tổ chức các khu tác chiến dài ngày trong thành phố, đặt chướng ngại vật ngăn chặn địch đánh chiếm các phố và tỏa ra các cửa ô; kết hợp trong ngoài cùng đánh. Các lực lượng cố gắng giam chân địch càng lâu càng tốt; khi điều kiện thực hiện nhiệm vụ không còn nữa thì chủ động rút khỏi thành phố để bảo toàn và phát triển lực lượng, kháng chiến lâu dài. Đây là kế hoạch tác chiến chiến lược trên quy mô cả nước, trong đó, Mặt trận Hà Nội được coi là chiến trường chính.

Quán triệt quyết tâm của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy đã chỉ đạo các khu, liên khu mở đợt tiến công vào các vị trí đóng quân của Pháp từ Bắc Vĩ tuyến 16 trở ra. Các lực lượng của ta đã tiêu diệt một bộ phận quân địch ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Cầu Đuống, Hải Dương, Nam Định; cô lập địch ở Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng; chặn đánh, giam chân chúng một thời gian ở Hà Nội và một số thành phố, thị xã khác; tạo điều kiện chuyển cả nước vào chiến tranh. Sau đó, ta chủ động rút khỏi đô thị để bảo toàn chủ lực, kháng chiến lâu dài. Đối với chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bộ Tổng chỉ huy nhấn mạnh, phải đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu hao, tiêu diệt địch ở đô thị và nông thôn, không cho chúng vơ vét sức người, sức của ở miền Nam ra đánh ta ở miền Trung và miền Bắc.

Với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự chỉ đạo điều hành tác chiến có hiệu quả của Bộ Tổng chỉ huy, ta đã đạt được kết quả trong chỉ đạo các mặt trận toàn quốc kháng chiến. Từ khi bắt đầu cuộc chiến, Bộ Tổng chỉ huy đã theo dõi chặt chẽ, nắm vững tình hình tác chiến, chỉ đạo kịp thời các mặt trận hoặc tăng cường lực lượng để đẩy mạnh tác chiến (nhất là ở Mặt trận Hà Nội). Dù điều kiện trang bị, vũ khí của ta còn thô sơ, cán bộ chỉ huy chưa có kinh nghiệm, nhưng việc hiệp đồng thời gian nổ súng tiến công giữa các chiến trường đã được thực hiện tốt. Cuộc tiến công chiến lược mở đầu toàn quốc kháng chiến đã làm đảo lộn các kế hoạch của thực dân Pháp, buộc chúng phải bị động đối phó với các cuộc tiến công của ta ở nhiều nơi; âm mưu đánh úp nhằm tiêu diệt chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang ta ngay từ đầu của chúng đã không thành...

Cùng với cuộc tiến công vào các đô thị, ta mở Mặt trận Tây Tiến. Bộ Tổng chỉ huy điều 3 tiểu đoàn của Chiến khu 2 và 3 thành lập Mặt trận Tây Tiến, nhằm hướng Tây Bắc và tiến sang Sầm Nưa. Chiến khu 4 đưa 1 tiểu đoàn của Thanh Hóa sang Sầm Nưa và 1 tiểu đoàn của Nghệ An sang Xiêng Khoảng. Quân ta nhanh chóng giải phóng lưu vực Sông Mã, Sầm Tố và tiến vào Sầm Nưa, mở ra một vùng căn cứ kháng chiến rộng lớn cho lực lượng cách mạng Lào kháng chiến lâu dài...

Với phương châm chiến lược là đánh lâu dài, vừa đánh vừa giữ gìn thực lực, bồi dưỡng và phát triển lực lượng của ta; vừa đánh vừa học, chuyển yếu thành mạnh ngay trong những ngày đầu kháng chiến, ta đã làm cho địch bị tiêu diệt và tiêu hao, mỏi mệt, khiến chúng từ mạnh chuyển thành yếu... dẫn đến những thất bại to lớn sau này.

ĐỖ VĂN ĐƠ