Cuối năm 1951, ở rừng núi xuất hiện hình thức tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất, cố gắng cao nhất của quân đội Pháp ở Đông Dương. Tập đoàn cứ điểm là một hệ thống phòng ngự liên kết nhiều cứ điểm và cụm cứ điểm trên một không gian tương đối rộng, có lực lượng tập trung lớn cả binh lực và hỏa lực, hình thành lực lượng chiếm đóng và lực lượng cơ động mạnh của tập đoàn cứ điểm được tổ chức chỉ huy chặt chẽ, có công sự vững chắc và vật cản phức tạp, có khả năng ngăn chặn những cuộc tiến công trực tiếp vào khu vực phòng ngự; tuy nhiên cũng có những mặt yếu cơ bản như bị cô lập, thụ động đối phó khi bị tấn công, dễ bị bao vây phong tỏa đường bộ, đường không, triệt tiếp tế và tiếp viện, do đó dễ lâm vào thế khốn quẫn.
Bộ đội ta xung phong chiếm hầm Đờ Cát. Ảnh tư liệu.
Hình thức phòng ngự tập đoàn cứ điểm xuất hiện ở Hòa Bình năm 1951, Nà Sản năm 1952 và Xiêng Khoảng đầu năm 1953, nhưng còn đơn giản. Thấy ta chưa đánh trực tiếp vào tập đoàn cứ điểm Hòa Bình, không đánh được tập đoàn cứ điểm Nà Sản, nên địch càng tin tập đoàn cứ điểm là biện pháp phòng ngự có hiệu lực để ngăn chặn ta tiến công. Na-va vốn không ưa phòng ngự, không dự kiến phải phòng ngự, muốn tập trung quân cơ động để tiến công giành lại quyền chủ động, không thích lối phòng ngự tập đoàn cứ điểm, nên ngay sau khi nhậm chức, ông ta đã rút bỏ tập đoàn cứ điểm Nà Sản tháng 8-1953. Thế nhưng, do các binh đoàn cơ động bị đánh mạnh và bị xé lẻ trên các chiến trường nên rốt cuộc Na-va lại buộc phải thả quân dù lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Tổ chức phòng ngự từ tháp canh, đồn bốt ở giai đoạn đầu của cuộc chiến đến cứ điểm, cụm cứ điểm rồi tập đoàn cứ điểm là hành động có tính quy luật của địch trước sự lớn mạnh, trưởng thành của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp. Do đó, trong cuộc chiến tranh, đi đôi với việc tìm mọi cách tiêu diệt địch ở ngoài công sự, ta nhất định phải đánh được đồn bốt, tháp canh, đánh được cứ điểm, cụm cứ điểm ngày càng mạnh của địch và cuối cùng phải tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm. Đó là quy luật giành thắng lợi của ta.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt đã làm sụp đổ biện pháp phòng ngự hiện đại nhất của quân đội Pháp trong chiến tranh Đông Dương. Thất bại ở Điện Biên Phủ không chỉ do sai lầm của Na-va về lựa chọn không gian, thời gian chiến dịch mà còn do tính chất bị động vốn có của hình thức tác chiến phòng ngự của Pháp. Nó chứng minh rằng, một đội quân xâm lược dù được trang bị hiện đại và tổ chức phòng ngự vững chắc đến mấy, nhưng bị hãm trong thế trận chiến tranh nhân dân, cũng sẽ không chống đỡ được sức mạnh tiến công của những đội quân chủ lực có trang bị ngày càng cải tiến, có cách đánh thích hợp và có nghệ thuật chỉ huy tài giỏi.
Về phía ta, bài học của Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, phải xây dựng bộ đội chủ lực ngày càng mạnh, để tổ chức các chiến dịch tiến công quy mô ngày càng lớn, nhằm tiêu diệt các tập đoàn cứ điểm, tiêu diệt các khu vực phòng ngự vững chắc, đánh bại mọi biện pháp phòng ngự mạnh nhất của địch, nhất là thời kỳ cuối chiến tranh. Chỉ có đánh bại các biện pháp phòng ngự cao nhất, tiêu diệt những lực lượng phòng ngự chủ yếu, kể cả cơ quan đầu não của địch, từ đó giải phóng các vùng đông dân, các thành phố thị xã, đánh bại ý chí xâm lược của chúng mới đưa chiến tranh giải phóng đến thắng lợi hoàn toàn.
NGUYỄN THÀNH HỮU