Trong chiến tranh giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bộ đội pháo binh đã xây dựng, chiến đấu, trưởng thành phát triển nhanh chóng, có nhiều đóng góp to lớn. Nghệ thuật tác chiến, cách đánh của bộ đội pháo binh qua các trận đánh, các chiến dịch ngày càng phát triển, hoàn thiện, trong đó nổi bật là nghệ thuật tạo lập thế trận, tạo ra thế trận hiểm hóc, vững chắc để thực hiện phương châm “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều”, giành thắng lợi. Việc tạo lập thế trận của bộ đội pháo binh nhằm tổ chức, bố trí binh hoả lực, sử dụng có hiệu quả nhất mọi thành phần, lực lượng, vũ khí trang bị kỹ thuật để phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hành tác chiến có hiệu quả.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm, kiểm tra Đại đoàn Công pháo 351 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Thế trận của pháo binh là hình thái bố trí, triển khai các thành phần, lực lượng pháo binh nói chung và cách thức tổ chức, bố trí đội hình chiến đấu của từng thành phần lực lượng pháo binh nói riêng để khi tiến hành tác chiến gây cho địch những bất ngờ về không gian, thời gian, về cách đánh, khiến địch hoàn toàn bị động, không thể lường trước, đề phòng hoặc có đề phòng nhưng cũng không có cách nào để ngăn cản hoặc phá được ý định chiến đấu của ta. Tính hiểm hóc trong việc tạo lập thế trận pháo binh được thể hiện trên nhiều hình thức, nhiều góc độ khác nhau. Đó là cách tổ chức lực lượng, bố trí đội hình chiến đấu để ngay từ đầu đã hình thành được thế bao vây, thế chia cắt địch, đẩy địch vào thế bất lợi, đồng thời bộ đội ta có thể chiếm lĩnh được những nơi có tác dụng khống chế, ngăn cản địch bằng hỏa lực. Thực tế, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta bố trí các trận địa pháo phân tán, giãn rộng, trên các sườn núi cao bao quanh tập đoàn cứ điểm. Trung đoàn pháo lựu 105mm, bố trí từ đông bắc Hồng Cúm đến tây bắc Bản Kéo, tạo thành một vòng cung hơn 30km, bảo đảm bắn được hầu hết các mục tiêu ở cự ly bắn có lợi nhất (từ 5km đến 7km). Các đơn vị súng cối bố trí tập trung ở hướng đông và đông bắc Điện Biên Phủ, cự ly bắn từ 600-800m. Trận địa sơn pháo thọc sâu, bố trí trên đồi E, cự ly bắn từ 300-500m, tạo nên thế rất hiểm đối với địch, khiến cho chúng từ chỗ chủ quan khinh địch, sau đó đã tập trung mọi cố gắng nhưng vẫn bị ta tiêu diệt...
Thế trận pháo binh trong tác chiến được xây dựng vững chắc, vừa có khả năng tập trung hỏa lực với hiệu quả chi viện cao nhất cho các trọng điểm, có hỏa lực đánh địch rộng khắp để phá thế tập trung của địch, vừa có thể chi viện hoặc thay thế hỗ trợ cho nhau, khi buộc phải điều chỉnh kế hoạch hoặc thế bố trí. Người chỉ huy pháo binh trong chiến đấu luôn phải biết tận dụng triệt để các yếu tố khách quan, nỗ lực chủ quan trong nghệ thuật tiến hành tác chiến, như: Nghi binh lừa địch, tổ chức, sử dụng bố trí lực lượng trong mối tương quan với địch ở những điều kiện cụ thể một cách hợp lý. Việc triển khai thế trận pháo binh phù hợp với quyết tâm, cách đánh của binh chủng hợp thành, chuyển hóa thế trận kịp thời và linh hoạt đáp ứng với các tình huống diễn ra trong quá trình chiến đấu. Cùng với các lực lượng trong chiến dịch, trong chiến đấu lập ra thế ta, đi đôi với từng bước phá thế địch. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhờ thế bố trí tốt mà ngày 23-4-1954, ta tập trung được hỏa lực của 5 đại đội pháo cùng với hỏa lực của sơn pháo, cối các loại đã chi viện kịp thời và hiệu quả cho bộ binh đánh tan quân địch phản kích sân bay Mường Thanh. Ở Chiến dịch Nguyễn Huệ (1972), nhờ thế trận pháo binh hiểm hóc, ngay từ đầu chiến dịch, ta đã tập trung hỏa lực cho trận Lộc Ninh, đồng thời có pháo sẵn sàng đánh địch từ Lai Khê đến Hớn Quản. Khi xuống Bình Long, ta đã có ngay đội hình bao quanh khu quyết chiến của chiến dịch, nhưng vẫn có một bộ phận xuống Chơn Thành làm nhiệm vụ tại chỗ và có lực lượng sẵn sàng cơ động tới Long Nguyên, Dầu Tiếng. Nhờ các trận địa pháo bố trí quanh thị xã Long Bình và trên đường số 13, nên ta có hỏa lực vừa bắn vào thị xã, vừa khống chế bãi đổ bộ trực thăng chặn địch tăng viện và có hỏa lực sẵn sàng bắn vào các căn cứ địch ở Chơn Thành, Lai Khê... Trong điều kiện pháo binh, không quân địch đánh phá ác liệt, nghệ thuật bố trí pháo binh nhiều tầng, nhiều hướng vừa phân tán được hỏa khí, nhưng khi cần vẫn tập trung được hỏa lực vào mục tiêu, thời cơ quyết định, còn lực lượng của ta vẫn được bảo vệ, giữ vững thế tiến công liên tục.
Thế trận của pháo binh được hình thành ngay từ đầu và tiếp tục hoàn thiện, chuyển hóa trong quá trình tác chiến. Thế trận trong chiến dịch một mặt do bản thân lực lượng sinh ra, một mặt do mưu kế khéo léo của người chỉ huy tạo nên. Việc tạo thế phải tận dụng triệt để thế trận của cấp trên, của lực lượng vũ trang địa phương, khu vực phòng thủ, tích cực cải tạo địa hình để tạo nên thế trận pháo binh vững chắc, hiểm hóc. Nhờ có mưu hay, kế giỏi mà trong các chiến dịch, trận chiến đấu, lực lượng pháo binh ta tuy ít hơn địch nhưng đã tạo ra thế trận tốt, từ đó làm cho sức mạnh hỏa lực của pháo binh được phát huy hiệu quả, chiến đấu và chi viện chiến đấu được nhanh chóng, kịp thời. Những đòn đánh lớn, có hiệu quả cao của lực lượng pháo binh trong tác chiến hiệp đồng binh chủng giữa các lực lượng trong chiến tranh góp phần tạo ra sức mạnh làm rung chuyển thế địch, đẩy nhanh sự sụp đổ hoàn toàn thế trận của chúng, để tiến công giành thắng lợi. Đó là bài học lớn cần được nghiên cứu vận dụng trong huấn luyện, SSCĐ, bảo vệ Tổ quốc của bộ đội pháo binh ngày nay...
Trung tá MAI XUÂN HÙNG, Giảng viên Khoa Binh chủng, Học viện Chính trị