Vật nhỏ là bùa hộ mạng mà ông Tài nhắc đến là tấm giấy giới thiệu sinh hoạt Đoàn do Chi đoàn lớp 10A-Trường cấp ba Biên Hòa (thuộc thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) cấp hồi ông còn đi học. Tháng 5-1972, ông Tài là chiến sĩ Trung đội 2, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B Quân Giải phóng miền Nam. Đơn vị của ông làm nhiệm vụ chốt giữ ở khu vực núi Cái Mương phía Tây Nam Quảng Trị.
 |
Ông Nguyễn Phước Tài (mặc quân phục) chia sẻ kỷ niệm những ngày ở chiến trường. |
Tháng 6-1972, sau khi chống trả đợt tấn công bất ngờ của địch, chiến sĩ thông tin của trung đội bị thương và máy thông tin 2W bị hỏng nặng, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Địch cử chiến sĩ Mạo về tiểu đoàn báo cáo tình hình, đồng thời cử Tài cùng đi để hỗ trợ.
Trên đường vượt qua một bãi đất trống, bất ngờ hai ông bị chiếc trực thăng UH-1A của địch phát hiện. Chúng tổ chức đuổi bắt nhưng bằng sự mưu trí dũng cảm, Tài và Mạo đã lừa được quân địch, trốn vào rừng. Ông Tài kể tiếp: “Tuy thoát được vòng vây kẻ thù nhưng chúng tôi lại bị mất phương hướng và lạc trong rừng sâu. Mấy ngày liên tục không có gì ăn nên cả hai đói lả người. Bỗng nhiên, từ xa đưa đến mùi thức ăn thơm lừng. Tuy trong lòng đang hân hoan với hy vọng là gặp được quân ta và được bữa đánh chén no nê, nhưng chúng tôi vẫn thận trọng dò đường, tiến tới nơi có mùi thức ăn.
Thoáng quan sát từ xa, cả hai giật mình vì phát hiện một trung đội địch đang nấu ăn. Trong số đó, có hai tên bị thương băng bó trắng toát, kêu như bò rống. Biết rằng mình không thể đánh tiêu diệt được chúng và trên vai còn mang nhiệm vụ nên chúng tôi bí mật rút lui”.
Nhờ thấy địch mà hai ông biết là đã đi hướng ngược lại với vùng giải phóng, nên điều chỉnh lại hướng đi men theo con suối nhỏ. Sau vài ngày đi đường, hai ông đi đến bờ một con sông rộng. Thoáng nghe tiếng người cười nói lao xao. Hai ông lại thận trọng quan sát thì nhận ra là bộ đội binh trạm của Mặt trận B5. Cả hai cố lấy sức reo lên: “Các anh ơi, chúng em bị lạc trong rừng cả tuần!...”. Nghe tiếng kêu cứu, mọi người từ từ tiến đến xem xét.
Một chiến sĩ lớn tuổi nhất bảo hai ông ngồi nghỉ uống nước, rồi khéo léo “tước” hai khẩu AK. Chờ các ông uống bi đông nước gạo rang để lấy lại sức. Một cán bộ binh trạm bắt đầu chi tiết về nhân thân và tình huống bị lạc. Cuối cùng, đồng chí cán bộ hỏi: “Các cậu có gì chứng minh mình là Quân Giải phóng?”. Nghe câu hỏi, cả hai đều ấp úng vì trước khi đi B, tất cả các loại giấy tờ, sổ sách, tư trang không cần thiết đều đã được để lại ở hậu cứ Bãi Hà trên đất Vĩnh Linh (Quảng Trị)”. Đang trong tình huống khó xử, ông Tài bỗng nhớ ra tấm giấy giới thiệu sinh hoạt Đoàn, bấy lâu ông bọc cẩn thận bằng mảnh ni-lông và luôn giữ nó trong túi ngực để làm kỷ niệm.
Ông vui mừng lấy ra đưa cho cán bộ binh trạm xem, nhờ vậy, mọi nghi ngờ được giải tỏa. Binh trạm đã đón tiếp trọng hậu và cử người nấu cháo cấp tốc từ cơm nguội cho các ông ăn. Người chiến sĩ vừa rồi “tước” súng của các ông thân mật giải thích: “Bị đói lâu ngày. Bộ máy tiêu hóa "quên" chức năng, nhiệm vụ. Nếu bắt nó làm việc nặng luôn nó sẽ quá tải. Rất nguy hiểm. Tuyệt đối không được ăn cơm và đặc biệt là lương khô ngay lúc này!”. Sáng hôm sau, binh trạm cấp cho mỗi người một bộ quần áo, mũ tai bèo, dép cao su và chiêu đãi một bữa cơm tiêu chuẩn trung táo rồi cử người dẫn về đơn vị.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG