Đáp ứng yêu cầu của chiến dịch, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng huy động cung cấp đầy đủ, kịp thời yêu cầu về sức người, sức của phục vụ chiến dịch. Mở đầu chiến dịch, Trung ương giao Thanh Hóa huy động và vận chuyển 1.352 tấn gạo, 100 tấn thực phẩm. Đợt 2 chiến dịch, từ đầu tháng 3-1954, Trung ương giao Thanh Hóa huy động và vận chuyển 1.000 tấn gạo, 165 tấn thực phẩm. Thanh Hóa hoàn thành chỉ tiêu và vượt trước thời hạn 3 ngày. Khi chiến dịch chuyển sang giai đoạn kết thúc, do yêu cầu khẩn cấp của chiến dịch, Trung ương giao cho tỉnh Thanh Hóa huy động và vận chuyển 2.000 tấn gạo, 282 tấn thực phẩm. Lúc này mặc dù thóc dự trữ của tỉnh không còn, lúa cũng chưa đến kỳ thu hoạch, nhân dân đã “dốc bồ, đổ thúng” cung cấp cho tiền tuyến đến hạt thóc cuối cùng. Song với tinh thần tất cả cho chiến dịch lịch sử thắng lợi, Đảng bộ tỉnh huy động nhân dân ra đồng cắt tỉa từng dé lúa đã chín, kết quả thu được 5.000 tấn thóc, cung cấp kịp thời cho mặt trận.
Cùng với việc huy động lương thực, thực phẩm, tỉnh Thanh Hóa đã huy động hàng vạn dân công và mọi phương tiện như xe đạp, ô tô, thuyền nan, thuyền ván, ngựa thồ vận chuyển vật chất cung cấp cho chiến dịch. Những đoàn thuyền vượt hàng trăm thác ghềnh hiểm trở, tránh máy bay địch đánh phá, ngược dòng sông Mã vận chuyển hàng lên Tây Bắc. Những đoàn xe đạp thồ, dân công gánh bộ từ miền Tây Thanh Hóa qua Suối Rút, Mộc Châu sang Cò Nòi đến Sơn La vượt hơn 500km xuyên rừng, lội suối, trèo đèo bí mật đưa hàng tới đích an toàn.
Kết quả, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa đã cung cấp 4.361 tấn gạo (chiếm 30% số gạo cả nước phục vụ cho chiến dịch, vượt mức Trung ương giao 9 tấn) cùng gần 2.500 con lợn, bò và hơn 10 nghìn tấn đậu, lạc, rau, quả, cá khô... Lực lượng dân công huy động phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ hơn một triệu lượt người, cùng hàng chục nghìn xe đạp thồ, tàu thuyền, ô tô, ngựa thồ và các phương tiện vận chuyển khác.
ĐỖ ĐẮC YÊN (Theo "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa")