Ngay những ngày đầu của cuộc kháng chiến, DQDKTV thành phố Sài Gòn đã nhất tề cùng với nhân dân đứng lên chiến đấu với địch ở khắp mọi nơi bằng nhiều hình thức, với mọi thứ vũ khí, mà chủ yếu là vũ khí thô sơ, tự tạo. DQDKTV hoạt động nhỏ lẻ, thoắt ẩn, thoắt hiện làm cho kẻ thù không tìm ra phương cách nào để đối phó. Khi địch đánh rộng ra toàn Nam Bộ, du kích các địa phương trở thành lực lượng chủ lực thực hiện “vườn không, nhà trống”, phá đường giao thông, dựng chướng ngại vật trên kênh rạch, làm hầm chông, tổ chức phục kích, chặn bước tiến quân của địch. Các hình thức, cách đánh của DQDKTV rất đa dạng, phong phú như quấy rối, tập kích, phục kích nhỏ lẻ, phân tán.
Du kích huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương cải trang đánh địch giữa ban ngày. Ảnh tư liệu.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân và lực lượng DQDKTV ở các đô thị mà tiêu biểu là Thủ đô Hà Nội, thành phố Nam Định, Huế…, đã mang các vật dụng trong gia đình như bàn ghế, giường, tủ... ra đường phố; chặt cây, hạ cột điện làm chướng ngại vật; đục tường từ nhà này sang nhà kia tạo đường cơ động, luồn lách, đánh phục kích, tập kích trên đường phố kìm chân địch.
Khi chiến sự lan rộng ra nhiều vùng ngoại vi thành phố, tới các vùng nông thôn, DQDK các địa phương thực hiện tiêu thổ kháng chiến, thiết lập chướng ngại vật trên đường đê, dòng sông, đánh địch bằng tập kích, phục kích, quấy rối theo các tổ, đội, phân đội nhỏ. Phương thức hoạt động và cách đánh phổ biến của DQDK ở vùng nông thôn đồng bằng là dựa vào địa hình, địa vật của làng xóm, xây dựng làng kháng chiến, thực hiện chiến đấu bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân. Nhiều mưu mẹo hay, nhiều loại vật dụng đã được sử dụng làm vũ khí. Lối đánh giáp lá cà kiểu “ôm hè”, “bắt bộ”... cũng được sáng tạo thực hiện rất hiệu quả tại một số địa phương.
Từ năm 1948, khi địch tiến hành càn quét lấn chiếm và bình định vùng tạm chiếm thì phương thức hoạt động và cách đánh của DQDKTV tiếp tục phát triển và thay đổi cả về hình thức và nội dung. Tại các vùng nông thôn đồng bằng, việc chống phá càn, bảo vệ làng xã được tiến hành bằng nhiều cách thức, linh hoạt và sáng tạo như dùng chông, mìn, cạm bẫy, nghi binh, phòng tránh. DQDKTV còn là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân làm công tác bố phòng, xây dựng hệ thống trận địa chiến đấu và phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức đánh bại các cuộc hành quân, càn quét của địch.
Đến năm 1950, khi bộ đội chủ lực tăng cường các chiến dịch tiến công địch trên khắp các chiến trường, địch đẩy mạnh các cuộc càn quy mô vừa và lớn, DQDKTV trong các vùng tạm chiếm đẩy mạnh hoạt động, sáng tạo thêm nhiều cách đánh mưu trí, dũng cảm như phục kích độn thổ, đánh địch bất ngờ. Lối đánh hóa trang, tập kích, phục kích cũng được thực hiện rất sáng tạo như cải trang thành lính bảo an để đánh lại bọn hương dũng, tổng dũng; giả trang thành dân thường, bất ngờ tiến công tiêu diệt các toán tuần tra nhỏ lẻ. Tại Nam Bộ, DQDK cải trang thành thợ cày, cấy để quan sát, xem xét cách thức bố phòng, nắm bắt quy luật hoạt động của địch, sau đó tổ chức đánh địch. Tại vùng đồng bằng Bắc Bộ, DQDK đã sáng tạo phương cách đánh chủ động. Cách đánh ở trong làng chiến đấu từ chỗ nặng về phòng ngự bị động, cố thủ, đã chủ động, tích cực hơn. Tổ chức chiến đấu bảo vệ làng xã, đánh địch từ xa, triệt để tận dụng địa hình, địa vật để bố trí các vị trí chiến đấu có lợi cho ta, bất lợi đối với địch, hầm hào chiến đấu được xây dựng, bố trí liên hoàn. Sự phối hợp chiến đấu giữa làng này với làng khác, xã này với xã khác, phối hợp đánh địch trong vùng càn, ngoài vùng càn ngày càng chặt chẽ, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó. Nhiều làng chiến đấu ở vùng miền núi Đông Bắc, Tây Bắc và Tây Nguyên được bố trí, cài cắm cả hệ thống chông thò, cạm bẫy... khiến cho địch bị thương, trúng độc, mất sức chiến đấu và luôn trong trạng thái hoang mang, lo sợ cao độ.
Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, phối hợp với các chiến dịch tiến công của bộ đội chủ lực, DQDK cùng bộ đội địa phương tổ chức tiến công bao vây, bức hàng, bức rút đồn bốt vị trí đóng quân nhỏ lẻ của địch ở nhiều nơi. Đặc biệt, hàng vạn DQDK đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với các lực lượng vũ trang và toàn dân làm nên chiến thắng vẻ vang, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến sau 9 năm chiến đấu trường kỳ, gian khổ.
Những kinh nghiệm về phương thức hoạt động, cách đánh của DQDKTV trong kháng chiến chống Pháp là cơ sở để vận dụng và phát triển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam, nên cần tiếp tục nghiên cứu vận dụng trong xây dựng lực lượng, tổ chức huấn luyện chiến đấu của dân quân tự vệ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thượng tá HOÀNG NGỌC CẨN (Giảng viên Học viện Chính trị)