Gặp chúng tôi khi hội thảo kết thúc, ông Bùi Đáp chầm chậm kể: "Năm 1947, tôi từ giã quê hương Phú Thọ lên đường nhập ngũ. Năm 1949, đang đóng quân ở Lào Cai thì tôi được cử đi học y tá. Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, tôi lại được lệnh cùng đồng đội tức tốc lên Điện Biên làm công tác quân y phục vụ chiến đấu. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đội điều trị 3 của chúng tôi chia làm 3 khu vực: Khu khinh thương, khu trung thương và khu trọng thương nằm sát nhà mổ. Thời điểm này, tôi được giao nhiệm vụ là Y tá trưởng phụ trách khu trung thương. Công việc chính là khám, điều trị, cắt lọc, rửa vết thương cho các thương binh...".

Cựu chiến binh Bùi Đáp.

Qua câu chuyện của ông chúng tôi được biết, tháng 5-1954, trời thường xuyên mưa, đường hầm lầy lội, thương binh nhiều nhưng lực lượng quân y lúc đó chỉ có khoảng 50 người. Trung bình một đêm có khoảng 100 thương binh được chuyển vào khu điều trị. Đường hầm do bộ đội công binh đào, đường đi rộng 1,4m, khá tiện cho người đi lại. Hai bên thành hầm cứ cách nhau vài mét lại đào một hầm hàm ếch để thương binh nằm. Việc chăm sóc thương binh phải dựa vào sự giúp đỡ của lực lượng dân công. Vết thương của bộ đội được rửa bằng nước nóng, mỗi ngày, lực lượng dân công phải đun nước nóng đổ đầy 4 thùng phuy to. Để bảo đảm bí mật, việc đun nước rửa vết thương cho bộ đội chỉ thực hiện vào buổi tối, che kín ánh sáng để tránh máy bay địch phát hiện.

Trong suốt 56 ngày đêm diễn ra chiến dịch, ông Đáp và các chiến sĩ quân y gần như không có giấc ngủ nào trọn vẹn. Nhiều khi các ông phải ăn rau rừng cho qua bữa để dành gạo cho thương binh. Ông Đáp nhớ lại: “Có thương binh chấn thương sọ não, toàn thân co giật, liên tục hô hét. Thế là các y tá, dân công, hộ lý phải xúm vào giữ chặt các đồng chí ấy để tránh tác động đến vết thương. Có đồng chí đã mổ vết thương lồng ngực nhưng vẫn rất khó thở, thế nên chúng tôi phải thay nhau ngồi để thương binh dựa vào cho dễ thở. Cũng có nhiều đồng chí vết thương quá nặng, chúng tôi không thể cứu được. Mỗi khi chứng kiến đồng chí, đồng đội của mình ra đi, chúng tôi thấy như dao cắt trong lòng…”. Khó khăn, gian khổ là thế, nhưng lúc bấy giờ, tinh thần chiến đấu, phục vụ của các chiến sĩ quân y rất kiên cường. Một phần động lực là do thông tin thắng trận từ tiền tuyến liên tục truyền về nên ông Đáp và đồng đội ai cũng phấn khởi, vượt mọi thử thách, làm việc không biết mệt mỏi.

Đã 65 năm sau ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, hôm nay trở lại chiến trường xưa, ông Đáp không giấu nổi xúc động. Ông bảo: “Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa và tầm vóc hết sức to lớn, đó là niềm tự hào, vinh dự đối với chúng tôi và các thế hệ người Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng vì hôm nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta không ngừng phát triển. Chúng ta khép lại quá khứ để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng chúng ta cũng không bao giờ quên sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên chiến trường Điện Biên Phủ cũng như trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta”.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN