Về quân sự, trận đánh thắng lợi đã tạo thế vững chắc và tăng thêm lực mới để chủ lực ta giành thắng lợi trong những trận chiến đấu sau này của toàn chiến dịch.

leftcenterrightdel
 
Khi nghiên cứu toàn thể trận đánh Bù Đăng vào ngày 14-2-1974 nhận thấy, đây là trận điển hình và đặc sắc về nghệ thuật cài thế, tạo thế, chuyển hóa linh hoạt, chủ động tiến công giành chiến thắng. Trong trận đánh này ta diệt, bắt và làm tan rã toàn bộ lực lượng của địch ở chi khu quận lỵ Bù Đăng và các đồn bốt dọc đường 14 đoạn Bù Đăng - Bù Na; thu nhiều vũ khí, trang bị và đồ dùng quân sự.

Trong hệ thống phòng ngự ở khu vực Đường số 14 - Phước Long, địch bố trí thành 3 khu: Khu vực 1 là hệ thống đồn, bốt dọc đoạn đường 14 từ chi khu Bù Đăng, Đồng Xoài, yếu khu Bù Na và 50 đồn bốt lớn nhỏ và căn cứ cấp tiểu đoàn. Khu vực 2 gồm chi khu Bù Đốp và một số đồn, bốt dọc theo đường 311 nối đường 14 với thị xã Phước Long. Khu vực ba là tam giác Phước Bình – Bà Rá – Phước Long. Tuy nhiên, do địa hình rộng, lực lượng ít nên về tổng thể, thế phòng ngự của địch không chặt chẽ và liên hoàn. Riêng khu vực thị xã được địch ưu tiên nên có thế liên hoàn, vững chắc hơn cả.

Trong giai đoạn chuẩn bị chiến đấu, sau khi nghiên cứu kỹ tình hình địch, địa hình và các yếu tố liên quan, ta đề ra cách đánh: Bao vây, chia cắt, tiến công tiêu diệt từng bộ phận quân địch. Trong trận chiến đấu này ta đã sử dụng các lực lượng của Sư đoàn 3 vào chiến đấu, cụ thể:

Ở hướng chủ yếu, ta sử dụng Trung đoàn 271 được tăng cường 2 đại đội đặc công, 1 đại đội pháo 85mm, 1 đại đội pháp cao xạ 37mm, 1 đại đội cối 120mm, 1 trung đội ĐKZ82mm, 1 đại đội SMPK 12,7mm bố trí ở phía Bắc và Đông Bắc chi khu. Ta sử dụng 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 2 va hấu hết lực lượng binh chủng tăng cường tiến công địch ở chi khu quận lỵ từ chốt số 4 ấp Bùi Nhùi đến Đông suối Đắc Váp. Tiểu đoàn 4 có nhiệm vụ chốt chắn, đánh địch từ KM 194 đến Ngã ba Bù Lô, sẵn sàng chặn địch từ Kiến Đức đến cứu viện.

Ở hướng thứ yếu, đánh các mục tiêu ở phía Tây và phía Bắc Vĩnh Thiện được giao cho Trung đoàn 201. Đơn vị này được tăng cường 1 đại đội đặc công, 1 đại đội pháo 85mm, 1 đại đội pháo cao xạ 37mm, 2 đại đội SMPK12,8mm và 1 khẩu đội cối 120mm. Ngoài ra, Sư đoàn 3 còn bố trí Trung đoàn 165 (thiếu) được tăng cường 1 đại đội pháo 85mm, 1 đại đội cối 120mm bố trí ở phía Tây Bắc quận lỵ.

Từ 5 giờ 30 phút ngày 14-12, các đơn vị của Sư đoàn 3 và lực lượng tăng cường đã đồng loạt nổ súng tiến công. Kết quả là sau gần 10 giờ chiến đấu, đến 15 giờ ngày 14-12, ta đã diệt, bắt và làm tan rã toàn bộ lực lượng của địch ở chi khu quận lỵ Bu Đăng và các đồn bốt dọc đường 14 đoạn Bù Đăng - Bù Na; thu nhiều vũ khí, trang bị và đồ dùng quân sự của chúng.

Để thực hiện cách đánh bao vây, chia cắt địch ở Bù Đăng, vấn đề quan trọng nhất ở giai đoạn chuẩn bị là xác định mục tiêu, hướng, mũi tiến công chủ yếu và thứ yếu; sử dụng lực lượng hợp lý, bí mật xây dựng trận địa xuất phát tiến công, áp sát địch, tạo thế xen kẽ khiến địch không kịp đối phó khi bị tiến công. Cụ thể, theo kế hoạch tác chiến, trận đánh quận lỵ Bù Đăng sẽ được diễn ra vào giờ G ngày 13-12-1974, nhưng do yếu tố khách quan, Tư lệnh chiến dịch đã lùi thời gian tác chiến sang giờ G ngày 14-12-1974. Nguyên nhân là trong thời gian các đơn vị cơ động vào chiếm lĩnh trận địa, trời đổ mưa to; hơn nữa, đêm 12-12, Đại đội đặc công Bình Phước đã tiến công vào Bù Đốp và Tiều đoàn 5 (Trung đoàn 165) đánh chiếm chốt cầu 19 nên địch đã để phòng cẩn trọng hơn. Vì vậy, các đơn vị của ta vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công khó khăn và chậm so với dự kiến. Tuy nhiên, do giữ được bí mật nên địch không phát hiện được ý đồ và hành động của ta, vì vậy việc ém quân, tạo thế không hề bị ảnh hưởng.

Tuân thủ triệt để cách đánh đề ra, trong thực hành tiến công, ở giai đoạn pháo bắn chuẩn bị, ta đã chế áp hỏa lực đối phương, tạo điều kiện để các đơn vị mở cửa, đánh chiếm đầu cầu, thọc sâu, chia cắt, bao vây tiêu diệt địch.

Trong giai đoạn thực hành tiến công, trên hướng chủ yếu đánh vào chi khu hành chính, chi khu quân sự của địch và các mục tiêu đầu cầu xuất hiện một số khó khăn. Tại đây, Trung đoàn 271 đã không liên kết được bọc phá nên mất thời cơ, sau 2 giờ chiến đấu mới mở được 5 lớp rào và bị hỏa lực địch ngăn chặn quyết liệt. Vì hàng rào nằm trên sườn dốc đứng nên đặt bọc phá liên tục bị trượt trở lại, hàng rào không đứt. Cuối cùng, chiến sĩ Đoàn Đức Thái đã dùng tay giữ bọc phá và điểm hỏa. Hàng rào cuối cùng bị mở toan và chiến sĩ Thái hy sinh. Nhân cơ hội này, các lực lượng của ta nhanh chóng vượt cửa mở, xung phong, thọc sâu vào sở chỉ huy, chia cắt, tiêu diệt địch. Đến 8 giờ 45 phút, Trung đoàn 271 làm chủ chi khu quân sự.

Cùng thời điểm trên, ở hướng tiến công của Trung đoàn 201 và Trung đoàn 165, ta đã triệt để tận dụng điều kiện thuận lợi, nhanh chóng mở cửa, đánh chiếm mục tiêu đầu cầu và phát triển vào trung tâm Vĩnh Thiện, ấp Hoa Đông, chia cắt, tiêu diệt địch.

Khi bị tấn công mãnh liệt, địch tổ chức cho không quân ném bom vào đội hình chiến đấu của ta, chi viện cho các lực lượng co cụm rồi điều quân phản kích lấy lại trận địa đã mất. Ngay lập tức, ta chủ động dùng các đơn vị cao xạ tấn công, bảo vệ đội hình chiến đấu. Mặt khác, Tư lệnh chiến dịch đã đưa ra quyết định giải quyết nhanh chóng các mục tiêu đã định ở chi khu hành chính phía Đông và ấp Hoa Đông; đồng thời lệnh Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 201) vận động tiến công, chặn đánh Tiểu đoàn 362 bảo an địch rút chạy.

Dưới góc độ nghệ thuật quân sự, trận đánh then chốt Bù Đăng đã có những đóng góp không nhỏ trong nghiên cứu nghệ thuật tác chiến. Tư lệnh chiến dịch đã triệt để tận dụng địa hình rộng, thế phòng thủ không liên hoàn của địch để ém quân, tạo thế, khiến địch bất ngờ, lâm vào thế bị động, thiếu sáng tạo trong đối phó. Cụ thể là, sau khi bị tấn công mãnh liệt các vị trí trọng yếu, địch liền gọi không quân đến oanh tạc. Tuy nhiên, do chuẩn bị sẵn tình huống, ta đã sử dụng lực lượng cao xạ tăng cường bảo vệ đội hình chiến đấu, hất không quân địch lên cao, nên việc bổ nhào, cắt bom bị hạn chế, độ chính xác thấp. Một điểm đáng lưu ý nữa là, khi ta đã thọc sâu chia cắt địch, thì ta và địch ở thế xen kẽ với quân địch, nên khi chúng muốn dùng không quân tiêu diệt cũng khó khăn. Nói về thành công trong trận đánh này không thể không nói đến yếu tố sử dụng lực lượng dự bị chiến dịch làm nhiệm vụ cơ động, sãn sàng chốt chặn những vị trí cơ động quan trọng, đón lõng địch rút chạy và chờ đánh quân phản kích. Do làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu, tạo được thế và làm chủ trận địa ngay từ đầu nên ta đã truy kích địch gắt gao, triệt để, hạn chế thấp nhất sự liên kết của chúng để lấy lại vị trí đã mất. Qua đây khẳng định, rõ ràng là, trong một trận đánh tiến công, nếu không có thế vững thì khó hiệp đồng giữa hỏa lực và bộ binh, khó tận dụng được thời và áp dụng đón tiến công mãnh liệt ở nhiều hướng mũi. Trận đánh này là cơ sở lý luận vững chắc bổ sung vào kho tàng phong phú của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến đấu tiến công địch ở địa hình rừng núi cấp chiến dịch, là tài liệu bổ ích để các cán bộ, học viên nghiên cứu, ứng dụng trong huấn luyện, tác chiến.

Thắng lợi của trận then chốt Bù Đăng mở đầu chiến dịch Đường số 14- Phước Long chứng tỏ trình độ tác chiến hiệp đồng của bộ đội chủ lực ta ở miền Đông Nam Bộ có bước trưởng thành mới, tạo ra điều kiện vô cùng thuận lợi cho toàn chiến dịch phát triển và giành thắng lợi.

Thạc sĩ VŨ BÌNH TUYỂN, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

(Tài liệu tham khảo chủ yếu: Tổng kết những trận đánh then chốt chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhà Xuất bản QĐND 2001)