Tại trận đánh này, ta đã đánh bại phản, đột kích của Sư đoàn 23 Ngụy (diệt, bắt sống 5.266 tên; thu 3.718 súng các loại, 359 máy vô tuyến điện, 8 xe M113, 170 xe GMC, 127 xe Jeép và một chiếc trực thăng). Ngoài ra, ta còn tiêu diệt một số lực lượng tại chỗ khác của địch, gồm: Biệt động, bảo an, dân vệ, cảnh sát.

leftcenterrightdel

Binh sĩ Ngụy thuộc Sư đoàn 23 đến trình diện nộp vũ khí cho chính quyền cách mạng tại Trường Bồ Đề, thị xã Buôn Ma Thuột. Ảnh tư liệu. 

Sau trận tiến công then chốt đánh chiếm Buôn Ma Thuật, Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên dự đoán, địch sẽ tổ chức phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuật. Khi phân tích kỹ mục đích, ý định, các điều kiện thuận lợi, khó khăn cũng như tinh thần chiến đấu của quân ngụy và “gạn lọc” những tình huống có thể xảy ra, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định cắt đứt các đường huyết mạch lên cao nguyên, như đường 19, 21, tổ chức lực lượng chiếm giữ các địa thế hiểm yếu dọc trục giao thông đường 14, nối Nam với Bắc Tây Nguyên. Từ đây, Bộ tư lệnh chiến dịch dự đoán chắc chắn địch sẽ chủ động đổ quân bằng trực thăng để phản kích lấy lại Buôn Ma Thuật. Bộ chỉ huy chiến dịch dự kiến địch sẽ đổ quân ở quanh Phước An, Nông Trại. Bởi nơi đây là hậu cứ cũ của hai trung đoàn chủ lực thuộc Sư đoàn 23 Ngụy, có cấu trúc công sự sẵn, có cơ sở hậu cần, kho đạn…cạnh đó có điểm cao 581, khoảng cách cơ động phản kích hợp lý với quy mô trung đoàn, thuận lợi cho địch phản kích.

Để đánh địch phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột, ngày 11-3-1975, Bộ tư lệnh chiến dịch đã điều Sư đoàn 10 cơ động về gần Buôn Ma Thuột làm nhiệm vụ dự bị chiến dịch, sẵn sàng đánh địch phản kích. Một lực lượng thiết giáp, pháo binh cùng Trung đoàn 48 bộ binh của Sư đoàn 10 (thiếu), được lệnh tiến về phía Đông Buôn Ma Thuột gấp.

Ngày 11-3-1975, trong khi các trận đánh trong thị xã còn tiếp diễn, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) đã tiến công cứ điểm Chư Nga và căn cứ 45 phía Đông thị xã Buôn Ma Thuật. Việc để mất căn cứ 45 và cứ điểm Chư Nga đã buộc các Trung đoàn 44 và 45 quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) không có lựa chọn nào tốt hơn phải đổ quân đến Nông Trại – Phước An.

Ngày 12-3, địch dùng trực thăng vận đổ bộ hai Trung đoàn 44 và 45 (Sư đoàn 23) xuống khu vực Nông Trại – Phước An (phía Đông Buôn Ma Thuột), hình thành cánh quân phản kích chủ yếu đánh thẳng vào thị xã. Chúng sử dụng Liên đoàn 21 biệt động quân (thiếu) phối hợp với số quân còn lại của Trung đoàn 53 tại trại B50 (hậu cứ Sư đoàn 23), hình thành một cánh quân tại chỗ để phản kích. Chúng huy động tối đa các sư đoàn không quân, Sư đoàn 6 (thuộc Quân đoàn 2), Sư đoàn 1 (tại Đà Nẵng), Sư đoàn 4 (tại Cần Thơ) yểm trợ tối đa cho cuộc hành quân.

Chiều 12-3, sau trận oanh kích dọn bãi của 81 máy bay cuờng kích A-1, A-37, F-5; hai tiểu đoàn của Trung đoàn 45 và một đại đội thám báo của Sư đoàn 23 đổ quân xuống Phước An. Hơn 100 máy bay trực thăng đủ loại, kể cả CH-47 Chinook đuợc huy động cho cuộc chuyển quân. Ngày 13-3, có 145 chiếc trực thăng đã đổ Trung đoàn 45, pháo đội 232 và tiểu đoàn còn lại của Trung đoàn 44 xuống khu vực điểm cao 581, Nông Trại, Phước An, Chư Cúc dọc đường 21.

Chiều 13-3, các Trung đoàn 24 và 28 (Sư đoàn 10) được tăng cường hai đại đội xe tăng và một tiểu đoàn pháo binh đã hành quân suốt đêm và áp sát quận lỵ Phước An vào rạng sáng. 7 giờ 7 phút sáng 14-3, trong khi các đơn vị của hai Trung đoàn 44 và 45 QLVNCH còn chưa triển khai đội hình, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) có hai tiểu đoàn của Trung đoàn xe tăng 273 yểm hộ đã từ hai phía nổ súng tấn công Trung đoàn 45 tại điểm cao 581.

Đến 12 giờ ngày 14-3, các Tiểu đoàn 1 và 2 của Trung đoàn 45 cùng tiểu đoàn bảo an Ngụy tại điểm cao 581 hầu như bị đánh tan. Tiểu đoàn còn lại vừa đánh vừa lùi về khu vực Nông Trại. Bây giờ, nhiệm vụ trước mắt của Trung đoàn 44 (Sư đoàn 23 QLVNCH) chưa phải là giải toả Buôn Ma Thuột mà là ứng viện cho Trung đoàn 45 đang bị vây ép.

Ngày 15-3, cánh quân còn lại của Sư đoàn 23, trong đó có Sở chỉ huy nhẹ của sư đoàn đổ quân xuống Phước An. Ngày 16-3, cả hai cụm quân của sư đoàn 23 tại Phước An và Nông Trại cùng lúc bị tấn công. Đến 8 giờ 15 phút, Tiểu đoàn 3, đơn vị cuối cùng của Trung đoàn 45 (Sư đoàn 23 QLVNCH) bị áp lực, tan rã. Trung tá Phùng Văn Quang và toàn bộ ban chỉ huy trung đoàn bị bắt làm tù binh cùng với chiếc trực thăng đã nổ máy định bốc họ lên không.

Ngày 17-3, Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên điều tiếp Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) và tiểu đoàn xe tăng còn lại của Trung đoàn 273 tăng cường cho Trung đoàn 24 tiến công Phước An. Cùng ngày, Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10) và Trung đoàn đặc công 198 mở đợt tổng công kích vào cụm quân còn lại của Trung đoàn 53 và Liên đoàn 21 biệt động quân tại sân bay Hòa Bình (Phụng Dực). 11 giờ 30 ngày 17-3, sân bay Hòa Bình bị chiếm. Trung đoàn 53 bị xóa sổ.

Trong ngày 17-3, Trung đoàn 44 bị tấn công liên tục và tan rã tại Phước An. Địch đưa sở chỉ huy nhẹ sư đoàn và hơn 700 quân còn lại về Chư Cúc. Ngay lập tức, ngày 18-3, xe tăng, pháo binh của ta mãnh liệt tiến đánh trị trấn này. Trước sức mạnh tiến công áp đảo hiệp đồng binh chủng, đến  gần 12 giờ, tàn quân ngụy phải bỏ Chư Cúc chạy về Plây-cu. Sư đoàn 10 đã bắt hơn 1.500 lính. Trận phản kích của quân Ngụy nhằm tái chiếm Buôn Ma Thuột thất bại.

Nhiều nhà quân sự cho rằng, đây là trận đánh khẳng định nghệ thuật phán đoán chính xác âm mưu, thủ đoạn của địch, phương pháp tổ chức lực lượng hiệp đồng binh chủng chặt chẽ, tận dụng triệt để thời cơ có lợi, phản kích quyết liệt, tạo thế, làm thất bại ý đồ chiếm lại thị xã Buôn Ma Thuật.

Ở trận đánh then chốt “chống phản kích” này, Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã phán đoán đúng ý định và hành động của địch, từ đó đưa lực lượng chiếm các điểm cao có giá trị về mặt chiến thuật tại các trục đường, buộc địch phải đổ bộ đường không vào vị trí ta đã dự kiến, đồng thời điều lực lượng mạnh về làm lực lượng dự bị chiến dịch. Việc Bộ tư lệnh Sư đoàn 10 phán đoán và quyết tâm đánh chiếm điểm cao 581 ngay sau khi áp sát là quyết định đúng đắn. Việc này đã không cho địch thời gian củng cố trận địa, tổ chức đội hình chặt chẽ, liên hoàn và có chiều sâu. Việc cô lập địch tại điểm cao 581 bằng lực lượng Trung đoàn 24 thiếu được tăng cường hỏa lực pháo, tăng, cối... đã giúp cho việc chia cắt địch của Sư đoàn 10 thành công. Tiếp đó, trong những trận đánh chống phản kích tiếp theo, quân ta đã tổ chức tốt lực lượng pháo phòng không, chia cắt bộ binh với lực lượng không quân của đối phương, làm giảm đáng kể sức mạnh đột kích của quân Ngụy. Ở dưới mặt đất, các đơn vị của Sư đoàn 10 được xe tăng, pháo binh yểm trợ tối đa. Các đơn vị hỏa lực đã tổ chức nhiều trạm quan sát ở nhiều nơi, thực hành bắn nhiều mục tiêu đột xuất, chia cắt đội hình phản kích, uy hiếp tinh thần binh lính Ngụy. Điều quan trọng là Sư đoàn 10 có xe cơ giới chở quân, có cao xạ bảo vệ nên đã tiến đánh các mục tiêu theo phương thức hành tiến cơ động nhanh, thọc sâu, đánh chiếm mục tiêu chủ yếu, quan trọng, hình thành thế áp đảo đối phương ngay từ đầu.

Như vậy, việc kết hợp giữa hỏa lực mạnh, chính xác, khả năng tự bảo vệ tốt cùng với tính cơ động cao đã tạo ra thế vững, áp đảo đối phương, nhanh chóng chiếm được các vị trí quan trọng, chia cắt địch và từng bước tiêu diệt, làm thất bại hoàn toàn ý đồ chiếm lại thị xã Buôn Ma Thuật. Thắng lợi trong trận đánh then chốt chống lực lượng phản kích này là cơ hội thuận lợi buộc địch phải ra lệnh rút khỏi Tây Nguyên, tạo cơ hội cho ta tổ chức chặn địch và tổ chức các chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Nam Trung Bộ, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam sau này.

Thạc sĩ VŨ BÌNH TUYỂN

Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

(Tài liệu tham khảo chủ yếu: Tổng kết những trận đánh then chốt chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhà Xuất bản QĐND 2001)