Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 nhằm tiêu diệt bộ phận lớn quân địch, mở rộng vùng giải phóng, làm chuyển biến căn bản cục diện cuộc chiến tranh và buộc Mỹ phải rút hết quân về nước; Bộ Tổng tư lệnh đã đồng thời mở ba chiến dịch tiến công (Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên, Nguyễn Huệ) quy mô lớn tác chiến hiệp đồng binh chủng, đồng loạt tiến công vào hệ thống phòng thủ vững chắc của địch, tiêu diệt, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều lữ đoàn, trung đoàn quân ngụy và giải phóng địa bàn chiến lược quan trọng. Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã khẳng định bước phát triển vượt bậc của lực lượng vũ trang ta cả về tổ chức, biên chế trang bị, trình độ nghi binh, tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn và để lại nhiều bài học kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự.

Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá thế chiến lược của ta sau thắng lợi của các chiến dịch phản công trong năm 1971 và tổ chức phòng thủ của địch trên từng hướng chiến trường, triệt để khai thác nhận định sai lầm của địch, ta cũng đã mở các chiến dịch tiến công tổng hợp, mở mảng, mở vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Khu 5 để đánh vào toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch trên toàn chiến trường miền Nam làm cho cả Mỹ và ngụy phải bàng hoàng, bất ngờ, lâm vào thế bị động, lúng túng điều động và phân tán lực lượng ra các hướng đối phó.

Hội nghị Quân ủy Trung ương tháng 3-1972 ra nghị quyết về tiến công chiến lược năm 1972. Ảnh tư liệu. 

Bộ Tổng tư lệnh đã cân nhắc, quyết định điều chỉnh Trị-Thiên từ vị trí là hướng chiến trường phối hợp quan trọng trở thành hướng chủ yếu, chiến trường chính của cuộc tiến công chiến lược. Để nghi binh, đánh lừa, tạo bất ngờ lớn đối với địch, ta đã tương kế tựu kế, khoét sâu nhận định của địch cho rằng, Sư đoàn 304 ở đâu thì đó là hướng tiến công chiến lược chủ yếu; nên đã tổ chức cho các tổ đài của Sư đoàn 304 cơ động lên Tây Nguyên theo đội hình hành quân của một sư đoàn, hằng ngày báo cáo cung chặng hành quân và nhận các mệnh lệnh giả. Khi các tổ đài bắt đầu làm việc thì điều chỉnh vị trí trú quân, cho sư đoàn hành quân từ nam Quảng Bình ra bắc Quảng Bình và giấu quân trong rừng, làm cho địch không thấy sư đoàn ở chỗ cũ, nên càng tin chắc bắc Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu của ta và đã tăng cường lực lượng phòng thủ.

Địa bàn Quảng Trị-Thừa Thiên sát gần hậu phương lớn, ta có điều kiện tập trung lực lượng, sự chỉ đạo và tiếp nhận vật chất bảo đảm cho tác chiến liên tục, dài ngày, tiện cho triển khai lực lượng binh khí kỹ thuật lớn; địch cũng đã tổ chức xây dựng hệ thống phòng thủ mạnh ở nam-bắc Đường số 9 với nhiều căn cứ trung đoàn, lữ đoàn bộ binh, binh chủng. Trên hướng chiến trường này, ta tổ chức lực lượng tiến công ngay từ đầu đã hình thành thế bao vây, thế đánh vào toàn bộ đội hình phòng thủ của địch; kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng tiến công, đột phá chính diện với nổi dậy của quần chúng bên trong hậu phương địch. Vận dụng biện pháp nghi binh bằng sử dụng một bộ phận lực lượng của Sư đoàn 308 hoạt động ở hướng bắc, vừa đủ cho địch phát hiện thấy sự có mặt của sư đoàn, làm cho chúng lầm tưởng đó là hướng chủ yếu, nên đã tổ chức thay quân phòng ngự, đưa Trung đoàn 2 thiện chiến từ hướng tây bắc về thay cho Trung đoàn 56 (mới thành lập) ở hướng bắc. Ngày 30-3-1972, ta bất ngờ nổ súng tiến công, sử dụng hơn 150 khẩu pháo lớn và hơn 200 khẩu pháo mang vác, bắn hơn 15.000 quả đạn xuống toàn bộ các căn cứ của địch ở nam-bắc Đường số 9. Chỉ sau 5 ngày tác chiến, ta đã tiêu diệt và bức hàng toàn bộ Trung đoàn 56, đập tan hệ thống phòng ngự “vỏ cứng” vòng ngoài, buộc địch phải bỏ toàn bộ tuyến phòng thủ vững chắc trên Đường số 9 với 4 căn cứ trung đoàn và 7 căn cứ tiểu đoàn tháo chạy.

Trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, Bộ Tổng tư lệnh đã sáng suốt điều chỉnh từ vị trí là hướng chiến trường chủ yếu thành hướng phối hợp rất quan trọng. Trên hướng chiến trường này, ta vận dụng biện pháp nghi binh bằng sử dụng lực lượng trên hướng thứ yếu nổ súng trước, tiến công vào Xa Mát, Bàu Dung và các mục tiêu của địch ở bắc Thiện Ngôn (trên Đường 22), thu hút sự chú ý của địch, tạo thuận lợi cho lực lượng lớn của chiến dịch vượt biên giới cơ động vào triển khai ở các vị trí xuất phát tiến công trên hướng chủ yếu bí mật, an toàn. Tận dụng thời cơ địch đang lo tập trung đối phó cuộc tiến công của ta, trên hướng Đường 22, ngày 5-4-1972, trên hướng chủ yếu, Sư đoàn 5 cùng các lực lượng tăng cường phối thuộc đã bất ngờ nổ súng tiến công Chi khu quân sự Lộc Ninh; sau hai ngày tác chiến, ta làm chủ Chi khu Lộc Ninh, đồng thời thực hiện thành công trận vận động phục kích tiêu diệt toàn bộ 1 trung đoàn thiết giáp và 2 tiểu đoàn bộ binh địch từ biên giới cơ động về định ứng cứu cho Lộc Ninh.

Trên hướng chiến trường bắc Tây Nguyên, ta không vận dụng biện pháp nghi binh bằng làn sóng vô tuyến điện hay sử dụng lực lượng tiến công địch. Do ta đã nắm chắc quy luật, thủ đoạn, ý đồ tác chiến của địch, nên đã vận dụng biện pháp nghi binh hết sức sáng tạo bằng sử dụng lực lượng làm hai con đường cho xe cơ giới vừa giả, vừa thật ở ngay sát nách thị xã Kon Tum; kết hợp với chiến đấu tạo thế ở bắc sông Pô Kô và tây Võ Định. Hành động nghi binh của ta đã buộc địch không chỉ đưa lực lượng chủ lực của Quân đoàn 2 mà cả lữ đoàn dù thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược phải ra cứu nguy. Ta đã giam chân được Lữ dù 2 của địch ở bắc sông Pô Kô, tạo thuận lợi cho chiến dịch tiến công đánh chiếm nhanh Đắc Tô-Tân Cảnh, tiêu diệt một căn cứ sư đoàn trong tuyến phòng thủ vững chắc của địch, thực hiện thắng lợi trận then chốt chiến dịch.

Đại tá, TS HOÀNG VĂN QUÝ