Lực lượng bảo vệ sân bay có 2 tiểu đoàn bộ binh chuyên trách. Ở phía đông nam sân bay có Sở chỉ huy Quân đoàn 3 địch và nhiều trận địa pháo bố trí ở xung quanh.
Nhằm hạn chế hoạt động, tiến tới làm tê liệt hoàn toàn sân bay của địch, bảo đảm cho các đơn vị binh chủng hợp thành cơ động, triển khai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại đội Pháo binh 26 (Đoàn Pháo binh 75) được giao nhiệm vụ kiềm chế bằng hỏa lực Sân bay Biên Hòa. Nhận nhiệm vụ trong hoàn cảnh khó khăn và thời gian gấp rút, Đại đội Pháo binh 26 đã có quyết tâm cao, khẩn trương chuẩn bị và bước vào chiến đấu đúng thời gian quy định, kiên cường bám trụ đánh địch dài ngày dưới hỏa lực của không quân và pháo binh địch.
18 giờ ngày 13-4-1975, Đại đội Pháo binh 26 đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng nổ súng. Đến 17 giờ ngày 14-4, lệnh từ Bộ chỉ huy chiến dịch cho Đại đội Pháo binh 26 nổ súng. Loạt đạn đầu đã đánh trúng mục tiêu, phá hỏng 7 máy bay, làm 29 tên địch thương vong. Sân bay Biên Hòa bị tê liệt, máy bay chiến đấu của địch không cất cánh được. 10 phút sau, địch cho trực thăng vũ trang ở Sân bay Biên Hòa và máy bay trinh sát, máy bay phản lực chiến đấu từ sân bay khác đến quần lượn ném bom, bắn rốc két xuống khu vực xung quanh trận địa pháo của ta. Nhờ ngụy trang kín đáo, kết hợp với tổ chức nghi binh ở các trận địa giả nên ta vẫn giữ được bí mật trận địa.
Những ngày sau đó, Đại đội Pháo binh 26 tiếp tục bám trụ trận địa, bắn vào các mục tiêu trong sân bay. Địch phản ứng càng quyết liệt hơn. Chúng cho máy bay đến ném bom vào trận địa pháo và khu vực xung quanh. Bom và rốc két của địch có lúc rơi cách pháo ta 20m, nhưng người và pháo, đạn vẫn an toàn vì có công sự và ngụy trang tốt. Để bảo đảm cho đơn vị chiến đấu, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định điều thêm một đại đội bộ binh đến tăng cường bảo vệ, đồng thời lệnh cho Đoàn Pháo binh 75 rút một đại đội pháo ĐKB từ núi Bà Đen xuống tham gia chế áp pháo binh địch, hỗ trợ cho Đại đội Pháo binh 26 hoàn thành nhiệm vụ “khóa chặt Sân bay Biên Hòa.
Đến ngày 26-4, Đại đội Pháo binh 26 tiếp tục bắn vào sân bay, đánh trúng một kho bom gây nổ lớn. Sân bay Biên Hòa không sử dụng cho máy bay chiến đấu được nữa, địch phải cho di chuyển phần lớn số máy bay còn lại về Sân bay Cần Thơ. Trong trận đánh này, ta phá hủy 7 máy bay, bắn cháy 5 kho, tiêu diệt và làm bị thương 29 phi công và nhân viên kỹ thuật, phá hỏng 2 đường băng, hạn chế hoạt động và làm tê liệt sân bay của địch trong 12 ngày đêm...
VŨ HÙNG (Theo "Kinh nghiệm chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ")