Chấp hành chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã lãnh đạo nhân dân chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi đầu tiên trong cả nước, xây dựng căn cứ địa lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9-3-1945), Tỉnh ủy Tuyên Quang đã hạ quyết tâm: Chớp thời cơ, tổ chức khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền và chọn xã Thanh La (nay là xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương) làm điểm để Tỉnh ủy rút kinh nghiệm. Với kế hoạch được chuẩn bị chu đáo, đêm 10-3-1945, đội tự vệ của ta cải trang, bí mật tiếp cận tước vũ khí của lính dõng, bắt bọn tổng lý, hương dõng phải đầu hàng, giải phóng xã Thanh La. Phát huy thắng lợi đạt được, Tỉnh ủy lãnh đạo hàng nghìn quần chúng tiến về giải phóng Đăng Châu-huyện lỵ Sơn Dương (ngày 13-3-1945), trước sức mạnh bão táp của quần chúng, ta chiếm huyện lỵ, thu hơn một trăm khẩu súng, hàng nghìn quả lựu đạn trang bị cho tự vệ, phá kho thóc của Nhật cứu đói cho dân nghèo…, thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời châu Tự Do. Đây là chính quyền cách mạng đầu tiên của Tuyên Quang và trong cả nước.

Với kinh nghiệm đã có, Việt Minh và đội tự vệ ở các địa phương lân cận lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền, giải phóng toàn bộ vùng trung, hạ huyện Sơn Dương; các huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc), Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ). Khu giải phóng được thành lập là cơ sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển từ Cao Bằng về Tân Trào (tháng 5-1945) và chỉ thị thành lập Khu giải phóng Việt Bắc. Tiếp theo đó, trong gần 2 tháng (từ tháng 5 đến tháng 7-1945), cùng với các lực lượng vũ trang của Trung ương, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã lãnh đạo lực lượng vũ trang tỉnh cùng với nhân dân bẻ gãy các cuộc tấn công của 2.000 quân Nhật vào khu giải phóng, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng.

Từ ngày 16-8-1945, cùng với khí thế Tổng khởi nghĩa trong cả nước, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã quyết tâm giải phóng thị xã Tuyên Quang. Các đơn vị Giải phóng quân từ Sơn Dương, Chiêm Hóa, đội du kích người Dao từ Thành Coóc (xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn) phối hợp với các đội tự vệ thị xã tập kết tại xã Ỷ La (nay là phường Ỷ La, TP Tuyên Quang) và hàng nghìn quần chúng giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang các khẩu hiệu, vây chặt trại lính Nhật, kêu gọi đầu hàng. Trước áp lực mạnh mẽ của cách mạng, quân Nhật đã huy động viện binh từ các tỉnh cứu viện và liều mạng nổ súng phá vây, nhưng đều bị ta chặn đánh quyết liệt. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, quân Nhật buộc phải đầu hàng, ngày 21-8-1945, thị xã Tuyên Quang được giải phóng.

NGỌC HUYỀN (Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang)