Ở phía Bắc, gần 20 vạn quân Tưởng kéo vào đóng từ vĩ tuyến 16 trở ra với danh nghĩa tước vũ khí quân Nhật, nhưng thực chất là nhằm "tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh", lập một chính phủ phản động làm tay sai cho chúng. Từ vĩ tuyến 16 vào phía Nam, quân Anh cũng với danh nghĩa giải giáp quân Nhật, đã "hà hơi tiếp sức" cho quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn (ngày 23-9-1945), mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta kiệt quệ, ngân sách trống rỗng; nhân dân vừa trải qua nạn đói khủng khiếp nhất...

Trước hoàn cảnh đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thử thách. Để giải quyết "thù trong", Đảng ta kịp thời điều chỉnh sách lược, rút vào hoạt động bí mật làm thất bại âm mưu chia rẽ, chống phá của bọn phản động. Đồng thời, chính quyền cách mạng kiên quyết trừng trị bọn phản cách mạng; diệt "giặc đói", "giặc dốt"; khôi phục sản xuất; huy động sức dân giải quyết khó khăn của nền tài chính quốc gia với "Tuần lễ vàng", "Quỹ Độc lập". Cùng với đó, ngày 6-1-1946, ta tổ chức cuộc Tổng tuyển cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu, lập Chính phủ chính thức; Hiến pháp ra đời khẳng định trên thực tế và pháp lý một chính quyền thật sự của dân và vì dân.

Đối với "giặc ngoài", Đảng tập trung lãnh đạo quân và dân Sài Gòn-Nam Bộ kiên quyết đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp; phát động phong trào "Nam tiến" chia lửa với Nam Bộ; đồng thời vận dụng linh hoạt phương pháp triệt để lợi dụng mâu thuẫn, phân hóa hàng ngũ kẻ thù. Với quân Tưởng ở miền Bắc, ta dùng sách lược tạm thời hòa hoãn để kháng chiến ở miền Nam. Với sách lược đó, ta đã bẻ gãy âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, thành lập chính quyền tay sai của giặc, tránh cùng lúc đối phó với nhiều kẻ thù, làm thất bại kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" ở Nam Bộ, buộc thực dân Pháp phải đàm phán với ta.

Ngày 28-2-1946, quân Tưởng và quân Pháp ký Hiệp ước Hoa-Pháp, thỏa thuận để quân Pháp thế chân quân Tưởng vào miền Bắc… Do ta đã dự kiến trước nên kịp thời điều chỉnh sách lược: Tạm thời hòa hoãn với Pháp bằng Hiệp định Sơ bộ ký ngày 6-3-1946, đẩy quân Tưởng về nước, kéo theo sự tan rã của bọn phản động tay sai thân Tưởng, tạo điều kiện để củng cố và tăng cường lực lượng cách mạng nước ta. Cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả và phát triển thực lực cách mạng của nhân dân ta từ sau Hiệp định Sơ bộ diễn ra hết sức phức tạp và gay gắt. Ta tiếp tục ký Tạm ước Việt-Pháp ngày 14-9-1946 duy trì khả năng hòa hoãn, đồng thời kiên quyết đấu tranh đẩy lùi những âm mưu, hành động khiêu khích của thực dân Pháp; chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến mà Đảng ta nhận định là chắc chắn sẽ xảy ra.

Như vậy, trong vòng 16 tháng (từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946), bằng những chủ trương, biện pháp đúng đắn, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy sức mạnh to lớn của cả dân tộc, bảo vệ được chính quyền, giành thế chủ động cho toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

THU TRANG

(Theo "Đảng Cộng sản Việt Nam-Văn kiện Đảng toàn tập", NXB CTQG 2001)