Sau thất bại nhanh chóng trên toàn tuyến Tây Nguyên, ngày 14-3-1975, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh triệt thoái cao nguyên, rút quân về co cụm ở đồng bằng duyên hải, hình thành vành đai quân sự. Toàn bộ binh lực còn lại của Quân đội Sài Gòn ở Tây Nguyên, chủ yếu là Quân đoàn 2 rút chạy theo Đường số 7 về Tuy Hòa qua Cheo Reo (nay thuộc thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai).
Phát hiện địch rút chạy, ngày 16-3-1975, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên điều động Sư đoàn 320 khẩn trương chặn đánh địch. Chấp hành mệnh lệnh, các đơn vị của Sư đoàn 320 hành quân cấp tốc truy kích địch tháo chạy trên Đường số 7-Cheo Reo. Do các đơn vị của sư đoàn đều cách Cheo Reo từ 30km đến 100km, chỉ có Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 64) đang cắt Đường 7B ở tây Cheo Reo khoảng 10km. Bộ tư lệnh Sư đoàn 320 lệnh cho Tiểu đoàn 9 bằng bất cứ giá nào, sáng 17-3-1975 cũng phải có mặt ở chân đèo Tu Na để chặn địch!
Tiểu đoàn 9 nhận lệnh trong đêm giữa lúc đơn vị phân tán, chỉ huy tiểu đoàn chỉ kịp hội ý chớp nhoáng thống nhất kế hoạch cơ động. Tiểu đoàn trưởng cùng trợ lý tham mưu dẫn Đại đội 11 hành quân trước. Chính trị viên tổ chức lực lượng còn lại chạy theo sau. Vừa đi vừa hình thành kế hoạch tác chiến. Đường cơ động phải tự xác định trên bản đồ, nhiều đoạn xuyên qua rừng rậm, khe sâu, suối đá. Trời lại tối đen như mực, anh em phải lấy nứa khô, quai dép cao su đốt đuốc soi đường để vượt qua. Trên chiến trường, việc đốt đuốc hành quân chưa có nhiều tiền lệ, song với yêu cầu thần tốc, quyết tâm không cho địch chạy thoát, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7 đã dùng đuốc soi đường hành quân trong đêm, xuyên rừng, trèo đèo, lội suối. Đến gần trưa 17-3, Đại đội 11 đến nơi và đến 14 giờ toàn tiểu đoàn về hết vị trí ở khu vực cầu Cây Sung (phía đông nam Cheo Reo 4km) lập trận địa chốt, kịp thời nổ súng chặn địch, lập công xuất sắc.
Tiểu đoàn 9 cùng với Sư đoàn 320 đã đánh thắng trận then chốt thứ ba của Chiến dịch Tây Nguyên. Với chiến thắng này, ta đã phá tan âm mưu co cụm của địch về đồng bằng, góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, tạo ra thời cơ chiến lược cho Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong tháng 4-1975.
HƯƠNG NGÂN
(Theo tài liệu lịch sử Sư đoàn 320)