Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng trong chiến cuộc đông-xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tỉnh ủy Hòa Bình đã triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó tập trung chuẩn bị chu đáo các mặt công tác với vị trí là hậu phương trực tiếp của chiến dịch.
Tỉnh ủy Hòa Bình chỉ đạo các cấp ủy đảng, lực lượng vũ trang cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, bẻ gãy âm mưu của địch; tăng cường cán bộ trung kiên cho các địa bàn trọng yếu, xây dựng cơ sở chính trị vững chắc, với phương châm “Dựa chắc vào nhân dân”; vận động nhân dân sản xuất, tiết kiệm… triệt phá tận gốc âm mưu gây bạo loạn của kẻ địch. Trung đoàn 12 (bộ đội địa phương tỉnh Hòa Bình), dân quân, du kích các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Thủy phối hợp với bộ đội, du kích tỉnh Hà Nam, Sơn Tây kiên quyết tiễu phỉ, diệt biệt kích, tác chiến ở vùng giáp ranh, bám đánh hàng chục trận, diệt hàng trăm tên, không cho chúng thâm nhập, phá hoại vào địa bàn tiếp cận Đường 21, Đường 6, 12… Lực lượng công an phối hợp với bộ đội bóc gỡ, triệt phá các ổ nhóm phản động, chỉ điểm, biệt kích ở An Bình, Khoan Dụ, Yên Trị, Chi Nê (Lạc Thủy), Hùng Sơn, Dũng Tiến, Kim Bôi, Bãi Khoai (Lương Sơn)...
Là hậu phương trực tiếp của chiến dịch, Tỉnh ủy Hòa Bình đã ra nghị quyết thành lập Hội đồng Cung cấp (thay cho Ban chỉ huy dân công) do Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban, tổ chức huy động nhân lực, vật lực phục vụ chiến trường. Trong chiến dịch, toàn tỉnh đã huy động 381.292 lượt dân công, 905 xe đạp thồ, vận chuyển 4.900 tấn hàng, xay giã 545 tấn thóc, cung cấp 1.840m3 gỗ cho mặt trận... Trong quá trình lãnh đạo, Tỉnh ủy đã chủ động, sáng tạo trong việc tu sửa sớm cầu phà trên Đường 12, Đường 15, Đường 6; tập trung sửa gấp đoạn đường 70km từ Mai Châu (Hòa Bình) lên Mộc Châu (Sơn La), bảo đảm cho bộ đội và phương tiện kỹ thuật tập kết vào chiến dịch đúng thời gian quy định. Dưới mưa bom bão đạn đánh phá của địch hòng chặt đứt con đường vận chuyển của ta, Tỉnh ủy lãnh đạo tổ chức các trận địa bắn máy bay bằng súng bộ binh và chú trọng các phương án bảo đảm giao thông ở những trọng điểm bị đánh phá như bến phà Chợ Bờ, Suối Rút… đồng thời chuẩn bị sẵn phương tiện ngụy trang, công sự, đường vòng tránh, nghi binh, lực lượng gỡ, phá bom, mìn, chuyển tải hàng hóa… Nhờ các biện pháp tổng hợp đó, ta đã bảo đảm giao thông nhanh, thông suốt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại…
TRẦN VĂN (Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình)