Những ngày đầu tháng 4-1954, tình hình chiến trường Điện Biên Phủ vô cùng nóng bỏng, quyết liệt. Các đơn vị pháo binh được giao nhiệm vụ phải tích cực chi viện cho bộ binh đánh lấn, phản kích, bao vây... chuẩn bị cho đợt tiến công tiếp theo.
Nhưng lúc này, số lượng đạn pháo trên chiến trường sau thời gian chiến đấu còn lại không nhiều. Số đạn pháo vận chuyển từ phía sau chưa kịp. Các đơn vị pháo binh phải trải qua những ngày thiếu đạn trầm trọng. Đại đội pháo lựu 803 phải tạm dừng chiến đấu trong nhiều ngày. Đại đội sơn pháo 752 được lệnh chỉ để lại một số chiến sĩ trông pháo tại hậu cứ, còn số đông được bổ sung cho Đại đội 755 đang thiếu người... Tình hình khó khăn đến mức Bộ chỉ huy Mặt trận không những yêu cầu các cấp chỉ huy phải dè sẻn từng viên đạn pháo, mà còn quy định cụ thể: Cục trưởng tác chiến mặt trận được phép ra lệnh bắn 10 viên; đại đoàn trưởng được ra lệnh bắn 3 viên; còn cấp trung đoàn, tiểu đoàn không được phép gọi pháo bắn...
 |
Pháo binh của ta tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
|
Trước khó khăn đó, một cao trào thi đua đoạt dù đạn pháo địch đã được dấy lên trên toàn mặt trận. Các đơn vị pháo cao xạ của ta tác chiến ngày đêm khiến cho địch không dám bay thấp, phải thả dù tiếp tế, chi viện cho các cứ điểm từ trên cao. Một phần ba trong số lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí, đạn dược của địch thả dù xuống đã bay sang tuyến của ta, trong đó ta thu được khoảng 5.500 viên đạn pháo 105mm và cối 120mm. Riêng Đại đội pháo 805 ở Hồng Cúm được các chiến sĩ Đại đoàn 304 thu, vác về hầm pháo 1.900 viên.
Để đạn pháo lọt vào tay ta quá nhiều, quân địch xảo quyệt cho lắp ngòi nổ chậm để gài bẫy lại bộ đội ta. Nhưng ta đã đề cao cảnh giác, từ giữa tháng 4, theo lệnh của cấp trên, nhiều tổ quân khí được điều động về các đơn vị kiểm tra tất cả số đạn pháo thu được của địch trước khi đưa vào chiến đấu. Qua kiểm tra, ta còn kịp thời phát hiện địch lần đầu sử dụng đạn lắp ngòi nổ điện tử tự động...
Bằng cách đoạt dù của địch, bộ đội ta trên toàn mặt trận đã kịp thời giải quyết một phần khó khăn về lương thực, thực phẩm và đạn pháo trên chiến trường, giúp các đơn vị của ta hoàn thành nhiệm vụ trong đợt tiến công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm của địch trong suốt tháng 4 và góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
NGUYỄN VĂN THANH (theo Pháo binh nhân dân Việt Nam-những chặng đường chiến đấu)