Để giành thế chủ động chiến dịch, lúc đầu ta xác định phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, có ưu điểm tạo bất ngờ, giữ được quyết tâm và cung cấp, tiếp tế có thể đáp ứng tốt hơn. Thế nhưng, ta cũng gặp bất lợi lớn là chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm liên hoàn (49 cứ điểm) được củng cố vững chắc. Vì vậy, “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sẽ không nắm chắc thắng lợi. Trên cơ sở đánh giá, so sánh lực lượng giữa ta và địch, điều quan trọng bậc nhất là phải “đánh chắc thắng” theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với trọng trách là Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy chiến dịch, ngày 26-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tập thể Đảng ủy chiến dịch bàn bạc, thống nhất quyết định thay đổi phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” để tận dụng thời gian chuyển hóa lực lượng, phá tan âm mưu phòng ngự vững chắc của địch. Đây là một quyết định sáng suốt, táo bạo, quyết tâm đánh chắc thắng, không chắc thắng thì không đánh, đó là một nguyên tắc cơ bản về phương châm tác chiến của ta trong chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Trong quá trình chuẩn bị theo phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”, Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch đề ra nhiều mặt công tác, trong đó có việc phải chuẩn bị lại từ đầu. Theo phương châm tác chiến mới, kế hoạch bố trí và sử dụng pháo binh cũng thay đổi. Sau nhiều ngày đêm gian khổ, dùng sức người kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn vào trận địa, cán bộ, chiến sĩ ta lại tiến hành kéo pháo ra. Cũng như khi kéo pháo vào, các lực lượng làm nhiệm vụ kéo pháo ra, gồm: Đại đoàn Bộ binh 312 và Đại đoàn Công pháo 351. Từ tối 26-1-1954, các đơn vị bắt đầu tổ chức kéo pháo ra. Trên chặng đường từ Km70 (Nà Nham) sang Nà Tấu, dài 15km, phải vượt qua sườn núi cheo leo, đèo cao, dốc đứng dưới làn bom đạn địch đánh phá ác liệt, bộ đội ta nêu cao tinh thần dũng cảm, kiên cường của một quân đội cách mạng. Điển hình là các đồng chí Tô Vĩnh Diện, Nguyễn Văn Chức đã nêu tấm gương sáng ngời hy sinh thân mình để bảo vệ pháo. Bằng sức người, có các tời quay tay hỗ trợ, đến ngày 5-2-1954, bộ đội ta đã kéo 24 khẩu pháo 105mm vào tới trận địa tập kết bí mật, an toàn.

Nhằm bảo đảm thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc” thành công, việc xây dựng trận địa bao vây và tiến công các cứ điểm địch có tính chất quyết định. Vì vậy, cùng với việc kéo pháo ra, bộ đội ta xây dựng hệ thống trận địa tiến công và bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trên tất cả các hướng đông, tây, nam, bắc. Trận địa tiến công và bao vây của các tiểu đoàn, đại đội bộ binh, đại đội, trung đội hỏa lực ở phía trước được xây dựng khá công phu. Giữa trận địa của các đơn vị chiến đấu ở phía trước với Sở chỉ huy và các lực lượng dự bị, bảo đảm chiến đấu ở phía sau là các tuyến hào giao thông sâu hơn 1,3m, bề mặt hào rộng 1,2m, đáy hào rộng 0,5m, bờ hào được đắp thêm 0,4m. Việc xây dựng trận địa và giao thông hào không chỉ trong giai đoạn chuẩn bị, mà cả lúc chiến dịch diễn ra quyết liệt, nhất là trong đợt 2 chiến dịch, bộ đội ta kiên nhẫn đào hàng trăm ki-lô-mét giao thông hào, hàng nghìn công sự và ụ súng các loại, hình thành thế bao vây và tiến công, đưa các chiến hào ngày càng tiến sâu, siết chặt từng cụm cứ điểm và cả tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế liên hoàn của chúng, tạo điều kiện để bộ đội ta tiến công tiêu diệt từng bộ phận quân địch.

Quán triệt và thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, trong đợt 1 chiến dịch (từ ngày 13 đến 17-3), ta tập trung ưu thế binh hỏa lực, tiêu diệt 3 cụm cứ điểm ngoại vi phía bắc (Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo). Trong đó, tỷ lệ binh lực trong các trận Him Lam (ta 3; địch 1), Độc Lập (ta 4,5; địch 1), Bản Kéo (ta 3; địch 1). Riêng trận then chốt mở màn chiến dịch (Him Lam), so sánh pháo cối đánh vào mục tiêu, ta hơn địch 10 lần. Do tập trung tiến công từng cụm cứ điểm, nên pháo binh ta có điều kiện chi viện cho bộ binh đánh dứt điểm từng trận để đưa binh hỏa lực tiến vào áp sát, bao vây phân khu trung tâm tập đoàn cứ điểm địch. Sang đợt 2 chiến dịch, từ ngày 30-3 đến 30-4, ta tiếp tục phát huy ưu thế binh hỏa lực, về bộ binh (ta 3,6; địch 1), pháo cối (ta 8,4; địch 1), mở cuộc tiến công trên toàn mặt trận, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch ở các cứ điểm phía đông, siết chặt vòng vây, dồn địch vào khu trung tâm. Bước vào đợt 3, từ ngày 1 đến 7-5, pháo các cỡ của ta, trong đó hỏa tiễn H-6 lần đầu xuất trận đã gây bất ngờ lớn, làm tê liệt cụm pháo binh địch ở Hồng Cúm. Được chi viện hỏa lực, quân ta đồng loạt tiến công, lần lượt đánh chiếm các cứ điểm phía đông và phía tây, uy hiếp trực tiếp sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 7-5, ta huy động toàn bộ binh hỏa lực mở cuộc tổng công kích vào sân bay Mường Thanh và sở chỉ huy, bắt tướng De Castries và toàn bộ ban tham mưu của địch, quân địch còn lại kéo cờ trắng ra hàng. 

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu bước phát triển đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất của Quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó điểm nổi bật trong thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc” là kéo pháo ra, xây dựng trận địa bao vây và tiến công các cứ điểm, tập trung ưu thế binh hỏa lực để tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tổng công kích, đập tan hoàn toàn sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm địch.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP