Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ chỉ huy chiến dịch xác định kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với đấu tranh chính trị và binh vận, tích cực tiêu diệt địch, hỗ trợ nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ. Chiến dịch được tổ chức chuẩn bị chu đáo và diễn ra quyết liệt, từ ngày 10-5 đến ngày 22-7-1965, thể hiện bước phát triển của nghệ thuật chiến dịch tiến công, trong đó nét nổi bật là nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện”.

 Quân ủy Trung ương thông qua kế hoạch "Tăng cường chấn chỉnh lực lượng vũ trang nhân dân tích cực chi viện cho miền Nam", tháng 3-1965. Ảnh tư liệu 
Về cách đánh Chiến dịch Đồng Xoài cũng như Chiến dịch Bình Giã trước đó, ta thực hiện đánh điểm, diệt viện, nhưng lần này đánh điểm là các chi khu quân sự (coi như một trận then chốt) để câu viện binh địch tới với yêu cầu là đánh tiêu diệt chúng. Trong đợt 1 chiến dịch, từ ngày 10 đến 31-5, ta tập trung đánh điểm, diệt viện ở khu vực Phước Bình-Phước Long, với trận mở đầu đánh điểm là Tiểu đoàn Bộ binh 1 (Trung đoàn 272) có hỏa lực chi viện, tiến công tiêu diệt chi khu quân sự Bình Phước; đồng thời Tiểu đoàn Bộ binh 1 (Trung đoàn 271) phối hợp với Tiểu đoàn Bộ binh 840 (Quân khu 6) và 2 trung đội đặc công tiến công đánh chiếm một số vị trí của địch ở thị xã Phước Long và đánh lui nhiều đợt phản kích của địch. Ta đã thành công về nghệ thuật câu viện bằng việc đánh đòn tiêu diệt chi khu quân sự Bình Phước và trụ bám trong thị xã (trận then chốt thứ nhất). Sau đó, ta rút lực lượng chính ra khỏi Bình Phước, nhưng vẫn chốt giữ ở thị xã, khiến địch phải đưa 4 tiểu đoàn cơ động đến để ứng cứu giải tỏa. Tuy nhiên, do ta phán đoán không kịp thời về địch, nên mất cơ hội tiêu diệt khi viện binh địch đến. Trong khi đó, một bộ phận lực lượng ta tổ chức phục kích địch trên Đường 20, gây cho chúng thiệt hại nặng, buộc địch phải đưa quân đến ứng cứu.

Đợt 2, từ ngày 9 đến 20-6, Bộ tư lệnh Chiến dịch sử dụng Trung đoàn 272 được tăng cường Tiểu đoàn Bộ binh 2 (Trung đoàn 273) có pháo binh yểm trợ tiến công tiêu diệt chi khu quân sự Đồng Xoài (trận then chốt đợt 2), buộc địch phải đưa quân đến giải tỏa. Tiếp đó, ta tổ chức vận động liên tiếp đánh quân cứu viện của địch, tiêu diệt gọn 3 tiểu đoàn ở các khu vực Đồng Xoài, Thuận Lợi và Phú Riềng. Với kết quả đánh thắng ba trận có ý nghĩa rất quan trọng, ta cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu chiến dịch đề ra, trong đó ta thực hiện thành công cả ba yêu cầu là tiêu diệt địch trong công sự vững chắc, nhử địch và diệt quân viện địch đạt hiệu suất chiến đấu cao; đồng thời khẳng định việc ta chuyển hướng chiến dịch xuống đánh điểm là hoàn toàn chính xác, kịp thời, chọn đúng mục tiêu đánh điểm (chi khu quân sự Đồng Xoài) và các khu vực địch đưa quân đến ứng cứu (Đồng Xoài, Thuận Lợi, Phú Riềng) để tiêu diệt hoàn toàn lực lượng tăng viện của địch.

Đợt 3, từ ngày 24-6 đến 22-7-1965, ta phân tán lực lượng đánh địch trên Đường 13, đồng thời sử dụng lực lượng lớn đánh điểm, diệt viện ở Bù Đốp. Trên hướng Đường 13, Trung đoàn 272 chuyển xuống phía nam tổ chức tập kích một chiến đoàn hỗn hợp địch ở khu vực Bàu Bàng, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 400 tên. Trên hướng Bù Đốp, Trung đoàn 273 tiến công trại huấn luyện biệt kích và chi khu Bù Đốp, diệt 2 đại đội, buộc địch phải rút bỏ cứ điểm Bù Gia Mập, tạo điều kiện hỗ trợ nhân dân địa phương đẩy mạnh đấu tranh chính trị, binh vận, phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, phát triển chiến tranh du kích ở hướng bắc Sài Gòn. Sau hơn 2 tháng tiến công giành thắng lợi to lớn và nhận thấy quân địch co vào thế phòng thủ, ngày 22-7-1965, ta chủ động kết thúc chiến dịch.

Thắng lợi của Chiến dịch Đồng Xoài đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật chiến dịch tiến công, trong đó điểm nổi bật là vận dụng nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện” đối với thành phần lực lượng “tĩnh” và “động” của địch trên chiến trường miền Đông Nam Bộ những năm 1964-1965. Ta đã thành công trong nghệ thuật mở màn chiến dịch và nhử viện binh địch, khéo kết hợp chặt chẽ giữa đánh điểm và diệt viện, giữa đánh địch trong công sự với tiêu diệt địch ngoài công sự. Phát huy hiệu quả vai trò của đánh điểm thể hiện ở cả hai chức năng vừa tiêu diệt sinh lực địch trong công sự vững chắc, vừa nhử viện binh địch đến để tiêu diệt chúng. Tuy còn bộc lộ hạn chế, bỏ lỡ cơ hội diệt địch tăng viện, nhưng về cơ bản Chiến dịch Đồng Xoài đạt mục đích đề ra.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP